Hải Hà Petro nợ trên 1.781 tỉ đồng
Đây là diễn biến mới nhất sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu 5 ngày trước đó.
Kết luận thanh tra cho biết, cơ quan thanh tra chuyển hồ sơ nhiều vụ việc sang Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với 3 vụ việc, trong đó có hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá sai mục đích tại Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro).
Tại Thái Bình, Hải Hà Petro là một trong số những doanh nghiệp lớn kinh doanh xăng dầu. Thời điểm cuối tháng 10/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình đã công khai thông tin 107 người nộp thuế còn nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước với số tiền là 2.199 tỉ đồng (tính đến 30/9/2023). Hải Hà Petro tiếp tục là doanh nghiệp có số nợ lớn nhất với tổng số nợ trên 1.781 tỉ đồng.
Sau khi công bố doanh nghiệp nợ thuế, Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai, người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Petro.
Lý do tạm hoãn xuất cảnh là do doanh nghiệp này thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 30/8/2023 đến khi Hải Hà Petro hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Trích quỹ vượt khối lượng với số tiền 4,7 tỷ đồng
Tại kết luận thanh tra được công bố, Thanh tra Chính phủ cũng nêu tên 7 thương nhân đầu mối xăng dầu chiếm dụng hàng ngàn tỷ Quỹ bình ổn giá với số tiền 7.927 tỷ đồng.
7 trong số 15 thương nhân đầu mối đã sử dụng Quỹ bình ổn giá sai mục đích, không kết chuyển tài khoản về quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp thường xuyên, trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại.
Trong số này, gồm Hải Hà Petro, Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức đã bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên.
Hải Hà Petro đã trích quỹ vượt khối lượng với số tiền 4,7 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng chi vượt khối lượng 4,6 tỷ đồng, Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp chi vượt khoảng 3,3 tỷ đồng.
Công ty Xuyên Việt Oil trích lập Quỹ bình ổn giá thiếu 3 tỷ đồng; Công ty Dầu khí Đồng Tháp đã thực hiện một số bút toán điều chỉnh giảm Quỹ bình ổn xăng dầu với số tiền 10,2 tỷ đồng không phù hợp với nguyên tắc kế toán.
Một số thương nhân đầu mối không có biên bản kiểm kê kho xăng, dầu khi xuất bán tại các kỳ điều hành Quỹ bình ổn giá của Bộ Công thương, trích lập quỹ dựa trên số lượng ghi trên hóa đơn, không thực hiện trích theo số lượng hàng hóa giao thực tế.
Một số đầu mối cũng chưa gửi thông báo tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi mở tài khoản Quỹ bình ổn giá tới Bộ Tài chính và Bộ Công thương để phục vụ công tác quản lý; không thực hiện tổng hợp báo cáo việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá khi kết thúc năm tài chính; không thực hiện đăng thông tin về số trích lập, số sử dụng và số dư quỹ hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước...
Trước đó, ngày 8/9/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an (A09) cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992) là Phó Giám đốc Công ty.
Hải Hà Petro được thành lập vào năm 2003 tại thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Từ lâu, Hải Hà Petro đã chiếm lĩnh thị trường xăng dầu tại địa phương và được coi là một trong những "đại gia" trong ngành xăng dầu cả nước.