| Hotline: 0983.970.780

Nhiều ngư dân ở Bình Định bị ngân hàng khởi kiện

Thứ Ba 07/07/2020 , 06:30 (GMT+7)

TAND TP Quy Nhơn vừa thông báo thụ lý vụ án BIDV kiện 1 ngư dân ra tòa vì khoản nợ vay đóng tàu, trước đó, nhiều ngư dân khác cũng lâm cảnh tương tự.

Ngư dân bị kiện ra tòa vì nợ quá hạn

Cuối tuần qua, Tòa án nhân dân (TAND) TP Quy Nhơn (Bình Định) thông báo thụ lý vụ án về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng theo đơn khởi kiện của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) yêu cầu vợ chồng ông Phạm Minh Vương (38 tuổi) ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) trả khoản nợ vay để đóng tàu cá vỏ thép theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Theo BIDV, đến ngày 25/2/2020, vợ chồng ông Vương còn nợ ngân hàng này hơn 22,5 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là 19,1 tỉ đồng, dư nợ lãi tạm tính là 3,3 tỉ đồng và lãi chậm trả là 62,6 triệu đồng.

Ngư dan Nguyễn Văn Lý ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS (người vừa bị ngân hàng khởi kiện ra tòa), đứng trên chiếc tàu mới đóng đã bị gỉ sét của mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dan Nguyễn Văn Lý ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS (người vừa bị ngân hàng khởi kiện ra tòa), đứng trên chiếc tàu mới đóng đã bị gỉ sét của mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước đó, TAND TP Quy Nhơn cũng thông báo thụ lý đơn khởi kiện của BIDV đối với vợ chồng ông Nguyễn Văn Lý ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS, yêu cầu vợ chồng ông Lý trả khoản nợ hơn 16,4 tỉ đồng.

Tháng 8/2015, ông Lý ký hợp đồng vay vốn của BIDV đóng mới tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định). Theo BIDV, tính đến ngày 25/2/2020, tổng dư nợ trong hợp đồng vay vốn của ông Lý là hơn 16,4 tỉ đồng; trong đó, nợ gốc hơn 13,2 tỉ đồng, lãi tạm tính hơn 3 tỉ đồng, còn lại là lãi trả chậm.

Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Định đã ký hợp đồng tín dụng cho 62 chủ tàu vay tổng cộng 921 tỉ đồng để đóng mới, nâng cấp 48 tàu vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ, 8 tàu vỏ composite. Đến cuối tháng 3 năm nay, Bình Định có 48 chủ tàu vỏ thép nợ quá hạn 266 tỉ đồng, trong đó gồm 126 tỉ đồng tiền gốc và 140 tỉ đồng tiền lãi. Trước thực trạng trên, các ngân hàng thương mại ở Bình Định đã khởi kiện một số ngư dân ra tòa để đòi nợ.

Nhiều tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Bình Định vừa đóng xong đã bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa thời gian dài. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhiều tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của ngư dân Bình Định vừa đóng xong đã bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa thời gian dài. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân chồng chất khó khăn

Theo trình bày của ngư dân Phạm Minh Vương ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), người vừa bị BIDV khởi kiện ra tòa, vào tháng 7/2016, vợ chồng ông vay của BIDV gần 21 tỉ đồng để đóng mới tàu cá vỏ thép BĐ 99144TS tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng). Tàu cá của ông Vương hạ thủy vào tháng 1/2017, vừa ra khơi đã liên tục gặp sự cố về máy móc, phải nằm bờ sửa chữa đến năm 2018 mới xong. Tàu sửa chữa xong lại gặp thời điểm đánh bắt “thất bát” nên ông không có tiền trả nợ cho ngân hàng theo như cam kết.

Trường hợp của ngư dân Nguyễn Văn Lý ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ) cũng bi đát không kém. Vừa được bàn giao vào cuối năm 2016, tàu vỏ thép BĐ 99004 TS của ông đã bị gỉ sét, liên tục bị hỏng máy móc phải nằm bờ để sửa chữa. Đến tháng 3/2018, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương mới hoàn thành việc bảo hành, bàn giao tàu lại cho ông, nhưng sau đó hoạt động đánh bắt cũng không thuận lợi do máy móc tiếp tục bị sự cố dẫn đến thua lỗ. Tiếp đến là tàu cá vỏ thép của ông Lý không mua được bảo hiểm cho tàu cá nên không được ra khơi.

Ông Trần Mão, cha của ngư dân Trần Văn Hạo đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin trả lại tàu vỏ thép BĐ 99029 TS để 'giải' bớt khoản nợ cho con trai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Trần Mão, cha của ngư dân Trần Văn Hạo đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin trả lại tàu vỏ thép BĐ 99029 TS để “giải” bớt khoản nợ cho con trai. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Có lẽ bi đát nhất là trường hợp của ngư dân Trần Văn Hạo ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn). Tháng 8/2015, ngư dân Hạo thế chấp sổ đỏ ngôi nhà của gia đình để vay hơn 17,7 tỉ đồng từ Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Bình Định đóng tàu vỏ thép BĐ 99029 TS tại Công ty Nam Triệu. Tàu vừa bàn giao đã liên tục bị hỏng máy, việc đánh bắt bị thua lỗ nên phải nằm bờ để sửa chữa. Năm 2019, ngư dân Hạo lâm vào nợ nần, phải dẫn vợ con bỏ trốn. Ngân hàng cho ông Hạo vay vốn liên tục gửi giấy yêu cầu thanh toán các khoản nợ đều không thành công. Ông Trần Mão, cha của ngư dân Trần Văn Hạo đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng xin trả lại tàu vỏ thép BĐ 99029 TS để “giải” bớt khoản nợ cho con trai.

Ngư dân Trần Đình Sơn ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS, cũng đang lâm cảnh tương tự. Năm 2015, ông Sơn vay vốn của BIDV đóng tàu vỏ thép BĐ 99245 TS tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng). Từ khi hạ thủy vào tháng 12/2016 tàu liên tục bị hỏng hóc nên phải nằm bờ để Công ty Nam Triệu bảo hành. Sau khi sửa chữa xong, hoạt động đánh bắt trắc trở nên việc trả nợ cho ngân hàng gặp khó khăn.

“Mấy năm trước, ít nhiều gì tôi cũng trả tiền cho ngân hàng, nhưng năm nay gặp khó khăn quá nên chưa trả được đồng nào. Đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên giá thu mua hải sản thấp, năng suất đánh bắt không cao, hầu hết các chủ tàu bị thua lỗ”, ông Sơn bộc bạch.

Mấy năm trước ngư dân Trần Đình Sơn ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS, còn trả nợ được cho ngân hàng, năm nay do khó khăn quá nên ông Sơn chưa trả nợ được cho ngân hàng đồng nào. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mấy năm trước ngư dân Trần Đình Sơn ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99245 TS, còn trả nợ được cho ngân hàng, năm nay do khó khăn quá nên ông Sơn chưa trả nợ được cho ngân hàng đồng nào. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ngành chức năng tỉnh Bình Định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các chủ tàu vỏ thép dính nợ quá hạn. Trước hết là do ngư trường đánh bắt thời gian qua không thuận lợi, chi phí vận hành tàu lớn, do hoạt động đánh bắt không hiệu quả nên không thu hút được thuyền viên đi biển. Đặc biệt, trong năm 2019 nhiều chủ tàu không mua được bảo hiểm nên không thể ra khơi, dẫn đến các chủ tàu không có thu nhập để trả nợ cho ngân hàng. Bên cạnh đó, có một số số chủ tàu vỏ thép hoạt động đánh bắt có lãi nhưng thiếu thiện chí trả nợ cho ngân hàng, trong khi ngân hàng thì không nắm được thông tin đánh bắt và không quản lý được nguồn thu của các chủ tàu.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Ðịnh phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển và các sở ngành có liên quan tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các chủ tàu nhằm bàn hướng xử lý các khoản nợ vay, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ. Đặc biệt là phải tuyên truyền cho các chủ tàu hiểu rõ về mục đích của chính sách tín dụng theo Nghị định số 67 và đề nghị chủ tàu thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký kết…

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.