| Hotline: 0983.970.780

Nhớ thời cha tôi làm hầm bắt cá

Thứ Tư 25/01/2023 , 06:10 (GMT+7)

Mùa xuân nhẹ len vào từng hơi thở. Ký ức nào cũng đầy gam màu nhớ. Với tôi, mỗi mùa bấc già là tôi lại da diết nhớ về cha tôi.

Có xa lơ xa lắc chi đầu, mới tầm trên dưới 20 năm mà mọi thứ đã quá thay đổi.

Trong vô vàn hình ảnh và thanh âm vọng ra từ ký ức, có lẽ bắt đầu từ mùng mười tháng mười âm lịch hàng năm, là thời điểm cố định cho việc gieo bông vạn thọ, tùy theo năm nào có tháng nhuận hay không mà biết linh hoạt lùi thời gian gieo trồng chậm lại, nếu không muốn vạn thọ ra hoa quá sớm; hay là không khí nhộn nhịp của những ngày chụp đìa (tầm tháng Mười đến nửa đầu tháng Mười Một âm lịch, nước trong các ao đìa chưa kịp rút cạn, nên việc tát đìa chưa thực hiện được; thời điểm này, muốn thu hoạch cá thì chỉ có duy nhất là chụp đìa); tiếp theo là việc gieo trồng rau cải của mẹ tôi, cũng giống như các dì, các cô láng giềng, luôn chú ý đến cải tùa xại, nhà nào cũng vậy; dù khó khăn hay tươm tất, đều phải có nồi thịt kho tàu cùng ít dưa cải… Rồi mùi bánh bột đậu, bánh bông lan, mứt dừa…

1 bai huynh thuy kieu

Kênh rạch Cà Mau.

Cứ thế mà mùa xuân nhẹ len vào từng hơi thở. Ký ức nào cũng đầy gam màu nhớ. Với tôi, mỗi mùa bấc già (gọi cho hoa mỹ hơn là mỗi khi gió mùa đông bắc tràn về), là tôi lại da diết nhớ về cha tôi. Ông là một người nông dân chính gốc cả đời đeo bám ruộng vườn, sống chết cùng cánh đồng có khi xanh um màu lá mạ, có khi trắng tay vì địch họa, thiên tai… để gom góp từng đồng nuôi anh em tôi khôn lớn. Hình ảnh về cha, ghim vào lòng tôi cứ buốt nhức mỗi khi trời trở bấc, bởi ông đã an yên cùng lũy tre, khóm trúc nơi quê nhà…

Mỗi năm cứ vào độ trung tuần tháng Chạp, khi nước rút cạn khỏi các họng ao, họng đìa; là cha tôi bắt tay vào việc làm hầm bắt cá để rọng, chuẩn bị ăn Tết. Năm nào cũng vậy, mấy anh em tôi cùng tập trung về một lượt trong những ngày xuân, thể nào mẹ tôi cũng cho ăn món cá lóc nướng trui gói rau chấm mắm tép. Nói thêm, món cá lóc nướng trui này, là cá cha tôi bắt từ viêc đặt hầm ở các họng ao, họng đìa sau hậu đất; mùa này nước mới vừa rút, cá vẫn còn no mềm, mập mạp nên thịt chúng rất ngọt và thơm.

Để có được vài cái hầm bắt cá ưng ý đặt ở các họng ao, là cả một “quá trình nghiên cứu” rất kỹ của cha tôi. Không năm nào đặt hầm đúng vị trí cố định như nhau, bởi còn tùy thuộc vào mực nước cao thấp và lượng cá ở mỗi ao, đìa hàng năm nhiều hay ít. Bây giờ cứ đem câu chuyện từ ký ức ngày xưa đã nuôi lớn thế hệ 7X, 8X của chúng tôi ra kể, “bọn trẻ” thời 4.0 bây giờ có lẽ sẽ bán tin bán ngờ; bởi cụm từ “làm hầm bắt cá” có thể không tồn tại trong vốn tiếng Việt mà chúng đang sở hữu.

Trước khi quyết định chọn họng ao hay họng đìa nào để đặt hầm bắt cá; cha tôi đều chú ý đến luồng lạch, con nước; bởi điều này quyết định phần lớn đến việc sau khi đặt hầm, có “trúng cá” hay không. Không hề đơn giản chỉ là vác cái khạp hay cái lu đặt xuống họng ao, họng đìa là xong; phần “kỹ thuật” có thể nói là cả một nghệ thuật của cha tôi nói riêng, của các bác cao niên, trưởng lão trong vùng nói chung. Không thể đặt hầm một cách “chụp giựt” được, đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và khéo léo. Nói thêm, tùy vào từng họng ao, đìa mà chọn khạp hay lu cho phù hợp. Cha tôi ngày trước, có khi không dùng khap hay lu, ông chỉ cần đào đất ngay họng ao vừa cạn, đất tuy khô nhưng còn độ dẻo, với một diện tích nhất định cho mỗi hầm, có thể khoét hình tròn hoặc hình chữ nhật, sau đó ông dùng chai thủy tinh ém đất cho thật dẻ, xung quanh miệng hầm, ông làm đường mòn nhẵn thín, tạo độ trơn láng cho cá dễ “men theo” và lọt vào hầm.

1 bai huynh thuy kieu 2

Miệng hầm bắt cá. Ảnh: Thái Hào.

Nói thì có vẻ đơn giản, nhưng để làm được một hoặc vài hầm bắt cá mà có thể thu hoạch cá đều đều mỗi buổi sáng sớm, là cả một sự tính toán đến chi li: Miệng hầm ra sao, be cỏ lên miệng hầm như thế nào để cho cá không bắt hơi được cái bất thường trong quá trình đi ăn đêm của chúng, thì chỉ có những bô lão như cha tôi mới đủ kinh nghiệm. Nhưng cũng phải nhắc lại một điều, ngày xưa, cái thời còn làm lúa mùa, mỗi năm một vụ, tầm đầu tháng Chạp, khi lúa oằn bông sắp chín, cũng là lúc nước bắt đầu rút cạn dần, các họng ao họng đìa thường khô trước, bề ngang của các họng ao họng đìa này không quá lớn, trong quá trình đi tìm thức ăn, cá có thể trườn, hoặc nhảy qua được; bởi thói quen này, nên khi làm hầm, mới có thể “bẫy” dính chúng. Nhiều năm gần đây, bà con mình làm lúa 2-3 vụ/năm; nên luôn trữ lượng nước đủ cho cây lúa phát triển, việc trữ nước trên đồng này cũng góp phần đưa việc làm hầm bắt cá của cha tôi và các chú, các bác bô lão, già làng ngày xưa trở thành hoài niệm.

Cá đi ăn đêm và “lọt” vào hầm là “nạn” của chúng, nhưng qua con mắt nhà nghề của những người làm hầm bắt cá như cha tôi, có thể xem là cuộc tỉ thí của những con cá lóc khỏe (có khi cũng không quá to) và những con cá rô có sức trườn rất dẻo; thỉnh thoảng một vài con cá dày cũng “bon chen” mà rớt xuống hầm. Với tôi, thích nhất vẫn là cảm giác buổi sáng thức dậy thật sớm trong cái se lạnh của gió bấc, mặt trông còn say ngủ mà vác cái giỏ tre có mấy 5-7 con cá vào khoe với cha, như thể đó là thành quả đánh bắt của mình. Lúc ấy niềm vui con trẻ của tôi đơn giản là vậy, trong khi đó là kết quả của cả quá trình vừa lao động vừa sáng tạo của cha tôi trong việc làm hầm bắt cá.

Để có được những con cá lóc ngon dùng trong mâm cơm gia đình dịp Tết đến xuân về; là cha tôi phải loay hoay chuẩn bị trước đó, bắt đầu tầm tháng Chạp, vì sớm hơn, có khi nước chưa rút cạn, không thể đặt khạp, lu hoặc đào đất làm hầm được. Khi đã có vài cái hầm bắt cá ưng ý, cha tôi lại bắt đầu chọn ao nhỏ, gần nhà nhất; mỗi sáng sớm sau khi đi thăm hầm vào, cha tôi cho cá xuống ao để rọng, thường, ông “vèo” cá vào tấm lưới lớn, có đáy sâu, như góc mùng, để khi cần, có thể dễ dàng kéo vèo lên bắt cá.

Mỗi ký ức là cả một trời thương nhớ. Với tôi, ngoài lũy tre, bến nước, con đò dập dềnh trên bến sông quê…; ký ức về cha là miền dày nhất và sâu đậm nhất trong lòng tôi. Hình ảnh ông, cứ mỗi mùa bấc già là thong thả đi chiêm nghiệm để chọn lựa họng ao, họng đìa nào có thể đặt hầm bắt cá; rồi đặt khạp, đặt lu hay đào hầm đất, cũng là một câu chuyện. Thêm nữa, mỗi năm mỗi khác, thường thì những họng ao họng đìa càng xa con sông chính chảy qua mặt nhà càng tốt, đầy gió đồng và hoang vắng; như thể không có hơi người, ít tiếng động, dễ “đánh lừa” cá hơn.

Tính từ thời thơ ấu của tôi, đến bây giờ, cũng có đến hai - ba mươi năm, cụm từ “làm hầm bắt cá” cứ thưa thớt dần qua mỗi mùa gió bấc; chắc đến một lúc nào đó, thế hệ của tôi và bạn bè cùng trang lứa tiếp tục già nua, cỗi cằn rồi cũng bay về miền mây trắng theo quy luật tự nhiên của đất trời; cùng với những trờ chơi dân gian như chơi ô ăn quan, cò bẹp, giựt cờ...; “cái nghề” làm hầm bắt cá của cha tôi và các bô lão ngày xưa, sẽ trở thành… kỷ vật. Dẫu biết rằng mọi thứ trong cuộc sống sẽ vận động, tiến hóa theo sự phát triển của xã hội, nhưng cá nhân tôi không khỏi bùi ngùi, thương hồn đất, hồn người nơi quê nhà, xứ cũ…

Hàng năm, cứ đến tháng Chạp tràn về, là những cơn bấc già sắt se thương nhớ… Hình ảnh cha tôi mòn chân trên đồng đất quê nhà, cứ cứa vào tôi hàng trăm vết…. Quẩn quanh trong tôi là hình ảnh ông cầm cái chai thủy tinh nện chặt lớp đất vừa khô còn hơi dẻo ngay họng ao, hơi xa chái bếp nhà sau một chút, để cá không nghe tiếng động, không cảm nhận hơi người, chúng “vô tư” nhảy hầm theo đúng hành trình ăn đêm của nó.

Ngày xuân là lúc nhà nhà sum vầy, ôn cố tri tân, người thân cùng quây quần bên nhau trong mùa đoàn viên mới. Mọi câu chuyện đều được khơi gợi, người cũ nhắc chuyện xưa, lớp trẻ nói về thời hiện tại; có sự ấm áp và an yên sau những mùa Tết đầy ám ảnh của đại dịch Covid-19. Thắp nhang trên bệ thờ, ánh mắt cha nhìn tôi như thân thương trìu mến của những mùa Tết cũ. Ký ức về cha ở mỗi mùa bấc già, ở những câu chuyện như cội mai vừa đơm bông, nồi bánh tét đêm ba mươi vừa cời tro, nồi thịt kho tàu, mùi dưa hành, đưa kiệu… xen lẫn trong vô vàn mùi hương ấy, vẫn còn đâu đây văng vẳng âm thanh của tiếng cá nhảy hầm trong mùa cũ.

Một mùa xuân nữa lại về. Đong đầy trong tôi là những mầm ký ức đang hồi sinh…

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?