| Hotline: 0983.970.780

Nhóm nhạc nông dân hay nhất... Việt Nam

Thứ Tư 24/05/2023 , 13:30 (GMT+7)

Có lẽ đây là nhóm nhạc nông dân hay nhất Việt Nam hay nhóm nhạc chơi mê hoặc lòng người. Chỉ cần nghe vài tiếng đàn ai nấy đều mê liền.

Các thành viên nhóm nhạc là những nông dân chân chất đang biểu diễn tại tháp Pô Sah Inư, TP Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: Thành Long.

Các thành viên nhóm nhạc là những nông dân chân chất đang biểu diễn tại tháp Pô Sah Inư, TP Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: Thành Long.

Đó là những nhật xét của các du khách khi đặt chân đến tháp Pô Sah Inư, TP Phan Thiết (Bình Thuận) được thưởng thức giai điệu âm nhạc đậm nét văn hóa truyền thống từ những nông dân chân chất đồng bào Chăm.

Đậm chất văn hóa Chăm

Tháp Pô Sah Inư nằm trên ngọn đồi Bài Nài hay còn có tên đồi Ngọc Lân, thuộc địa phận phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 7km về phía đông bắc, trong khu di tích Lầu Ông Hoàng ngày xưa. 

Để phục vụ du khách tham quan, Ban quản lý khu di tích thường xuyên tổ chức các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm như biểu diễn âm nhạc, làm đồ gốm của các nghệ nhân đến từ tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Tại khuôn viên tháp Pô Sah Inư, du khách bị thu hút bởi những tiết mục nghệ thuật dân gian từ những nông dân người Chăm biểu diễn. Tất cả mọi người khi đã xem họ biểu diễn một lần đều bị mê hoặc bởi tiếng kèn Saranai, tiếng trống Paranung, tiếng trống Ghinăng truyền thống hòa nhịp với giọng hát êm dịu nhẹ nhàng đi vào lòng người. Cùng với những điệu múa của các thiếu nữ người Chăm trong trang phục truyền thống trên nền nhạc cổ tạo nên một bản sắc văn hóa độc đáo của người Chăm xưa níu chân du khách.

Một anh bạn của chúng tôi ở Hà Nội khi được xem buổi biểu diễn âm nhạc này đã thốt lên rằng, có lẽ đây là nhóm nhạc nông dân hay nhất Việt Nam mà anh từng thưởng thức. Hay những nhận xét của du khách thường cho rằng, nhóm nhạc chơi mê hoặc lòng người. Chúng tôi nghe tiếng đàn guitar đã mê liền rồi…

Du khách đều bị cuốn hút mỗi khi nhóm nhạc biểu diễn. Ảnh: Thành Long.

Du khách đều bị cuốn hút mỗi khi nhóm nhạc biểu diễn. Ảnh: Thành Long.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng năm, các chức sắc tôn giáo người Chăm ở các huyện lân cận đến tháp Po Sah Inu tiến hành cúng cầu an, cầu mưa và nhiều nghi lễ truyền thống khác. Nhất là lễ hội Kate diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 9 - 10 dương lịch), đây là lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn với ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.

Vào lễ hội này không chỉ người Chăm ở Bình Thuận mà người Chăm sinh sống, làm việc ở khắp mọi nơi đều trở về đoàn tụ và quây quần cùng gia đình, bạn bè và người thân.

Truyền lửa đam mê nhạc cụ dân tộc

Cũng vì mê thứ âm nhạc truyền thống của người Chăm biểu diễn tại tháp Pô Sah Inư, chúng tôi tìm đến ông Bá Sinh Tý, sinh năm 1971, một thành viên trong nhóm nhạc. Trò chuyện mới biết, ông là đội trưởng Đội văn nghệ Dân gian ở làng Mỹ Nghiệp, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) với gần 30 năm theo đuổi nghệ thuật không chuyên.

Ban nhạc trình diễn trong ngày lễ hội Kate. Ảnh: Thành Long.

Ban nhạc trình diễn trong ngày lễ hội Kate. Ảnh: Thành Long.

Sinh ra trong gia đình Chăm giàu truyền thống âm nhạc, ông Bá Sinh Tý đã làm quen với nhiều nhạc cụ dân tộc như ghinăng, paranưng... Từ đó, ông không chỉ phát huy tài năng biểu diễn âm nhạc ở các lễ hội truyền thống như Kate, cầu mưa… mà còn truyền ngọn lửa đam mê đến thế hệ trẻ trong làng của mình.

Ông Bá Sinh Tý tâm sự, với mong muốn âm nhạc của dân tộc mình được bảo tồn và vươn xa được nhiều người biết đến, ông đã vận động, tập hợp những thành viên có chung niềm đam mê âm nhạc, thành lập đội văn nghệ dân gian này.

Đội văn nghệ với 8 thành viên, trong đó có 4 nhạc công và 4 thiếu nữ múa đang ở độ tuổi từ 19 đến 25. Hầu hết các thành viên trong ban nhạc là nông dân chân chất, quê ở làng nghề Mỹ Nghiệp - cái nôi của nghề dệt thổ cẩm của người Chăm ở Ninh Thuận, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 12km về phía nam theo hướng quốc lộ 1A.

“Đội văn nghệ dân gian được thành lập từ những người có chung niềm đam mê với những điệu múa, nhạc cụ truyền thống người Chăm. Những ngày đầu đi biểu diễn, đội văn nghệ gặp nhiều khó khăn vì thiếu trang phục cũng như trang thiết bị và nơi tập luyện. Nhờ sự trau dồi kiến thức cũng như kỹ năng biểu diễn, các thành viên trong đội đã ngày càng tiến bộ, đưa văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm vào trong các tiết mục biểu diễn tại các dịp lễ hội, Tết của người Chăm và các điểm tham quan du lịch", ông Tý bày tỏ và cho biết thêm, hiện nay trong cuộc sống thường ngày, các thành viên của đội văn nghệ làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Như bản thân ông Tý ngoài những lúc biểu diễn âm nhạc thì làm bảo vệ tại một nhà hàng ở phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết. 

Điệu múa của các thiếu nữ Chăm trong trang phục truyền thống trên nền nhạc cổ. Ảnh: Thành Long.

Điệu múa của các thiếu nữ Chăm trong trang phục truyền thống trên nền nhạc cổ. Ảnh: Thành Long.

Nhưng khi vào các dịp lễ hội, Tết và các ngày cuối tuần, ông và các thành viên trong đội văn nghệ lại về dưới chân tháp Po Sah Inu để biểu diễn âm nhạc. Lúc này họ không chỉ thả hồn vào giai điệu du dương, lời ca tiếng hát để quảng bá văn hóa truyền thống đến với du khách mà sẵn lòng truyền dạy miễn phí cho những ai có niềm đam mê âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Chăm.

Ông Trần Đình Dũng, Trưởng ban quản lý Di tích tháp Chăm Pô Sah Inư cho biết, để có thêm loại hình sản phẩm du lịch, đơn vị tổ chức hoạt động biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm để du khách hiểu thêm về văn hóa Chăm. Nhóm nhạc là những “nghệ sỹ nông dân” thực thụ, ngoài những ngày biểu diễn trên tháp Pô Sah Inư, các thành viên đều trở về với công việc chính là đồng áng.

Thế nhưng khi các thành viên của đội văn nghệ biểu diễn đã tạo những phút giây thăng hoa bên các nhạc cụ dân gian, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm trên vùng đất Bình Thuận và Ninh Thuận.

Nhạc cụ Chăm thường sử dụng trong các lễ hội gồm” trống Ghi năng, Paranung, kèn Saranai, đàn Kanh, Hagar ( trống con), chiêng, Asăng (tù và), Tăngek (nhạc gõ bằng 2 cây gỗ)… đây là những nhạc cụ điển hình của dân tộc Chăm, những di sản văn hóa từ ngàn đời nay, trong đó bộ ba trống Ghinăng, Paranưng và kèn Saranai được ví như phần “hồn”; không thể tách rời trong các lễ hội. Mỗi dịp lễ hội là cơ hội để bà con người Chăm trở về với cội nguồn, qua đó giáo dục thế hệ trẻ sống “uống nước nhớ nguồn”, góp phần bồi đắp truyền thống tốt đẹp cho thế hệ trẻ. 

Xem thêm
Loạt phim chiếu rạp hè chất lượng trong năm 2024

Các bộ phim bom tấn Hollywood bắt đầu ra rạp, hứa hẹn tạo nên một mùa hè rực rỡ với nhiều kỳ vọng vào các cột mốc doanh thu ấn tượng.

Real Madrid thoát thua trên sân Bayern Munich

Với cú đúp của Vinicius, Real Madrid đã có được trận hòa 2-2 ngay trên sân của Bayern Munich tại bán kết lượt đi UEFA Champions League.

HLV Mai Đức Chung bất ngờ trở lại ĐT nữ Việt Nam

HLV Mai Đức Chung sắp trở lại với công việc làm HLV trưởng ĐT Nữ Việt Nam vì VFF chưa chốt được HLV mới.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.