| Hotline: 0983.970.780

Những chuyến biển kinh hoàng ngoài Hoàng Sa khi gặp tàu Trung Quốc

Thứ Năm 11/08/2016 , 14:23 (GMT+7)

“Chúng tát tôi 2 cái đau điếng, sau đó khống chế tôi, đồng thời áp sát đưa 4 người về phía mũi tàu. Trên tay, chúng cầm dùi cui điện, bắt thuyền viên úp xuống, tay vắt lên cổ, không được nhìn ngó. Đồng thời lục soát trên tàu đập phá đồ đạc", ông Võ Văn Lựu...

Đánh, đập phá đồ đạc

Mới đây thôi, ngày 9/7, 5 ngư dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Con tàu nằm ở lại giữa đại dương, 5 người được cứu sống, họ về đất liền với hai bàn tay trắng.

Ông Võ Văn Lựu (SN 1965, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu), chủ tàu cá Qng 90479 TS, có công suất 430CV cho biết, vào lúc 8 giờ, ngày 9/7, tàu của ông và tàu cá QNg 95001 TS do anh Huỳnh Văn Khanh, trú cùng xã làm thuyền trưởng đang đánh bắt ở tọa độ 16,12 vĩ độ Bắc - 111,43 độ Kinh Đông. Từ xa, hai tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 56103 xua đuổi. Tàu 46102 đuổi tàu ông Lựu, tàu 56103 đuổi tàu anh Khanh. Đồng thời chúng thả 2 ca nô áp sát cả hai tàu.

Đến 11 giờ, chúng khống chế tàu của ông Lựu. Từ ca nô 6 người Trung Quốc nhảy lên tàu, trong đó có 1 người nói được tiếng Việt.

“Chúng tát tôi 2 cái đau điếng, sau đó khống chế tôi, đồng thời áp sát đưa 4 người về phía mũi tàu. Trên tay, chúng cầm dùi cui điện, bắt thuyền viên úp xuống, tay vắt lên cổ, không được nhìn ngó. Đồng thời lục soát trên tàu đập phá đồ đạc.

Chúng ra lệnh, tăng tốc đuổi theo tàu anh Khanh, chúng dí dùi cui, buộc tôi phải làm theo. Đi bên cạnh tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 46102, phía sau ca nô áp sát. Chúng bắt tôi tăng tốc, trong quá trình di chuyển thì bị tàu Trung Quốc 46102 tông vào thủng mạn tàu.

Nghe một cái rầm thì tức khắc nước chảy vào, thấy vậy, có một người nói được tiếng Việt ra lệnh dùng bơm, bơm nước ra. Nhưng nước chảy vào ngập máy nên không hoạt động được. Sau đó, 6 người Trung Quốc xuống ca nô về lại tàu 46102. Sau chừng 30 phút, con tàu chìm phần đuôi, mũi tàu nổi lên, cả 5 người đứng trên mũi tàu”, ông Lựu kể.

13-52-07_nh-2
Thuyền trưởng Võ Văn Lựu

 

13-52-07_nh-3
Thuyền trưởng Võ Văn Lựu và người vợ của mình

 

Anh Huỳnh Văn Khanh, thuyền trưởng tàu Qng 95001 TS cho biết, khi đang đánh bắt thì bị hai tàu Trung Quốc đuổi, sau đó thấy tàu ông Lựu bị ép đuổi theo tàu mình, bên cạnh có tàu cảnh sát biển và ca nô đi kèm nên tăng tốc cho tàu chạy hết mã lực. Đề phòng tàu bị đâm, anh Khanh nói các thuyền viên ra đứng bên thành tàu, nếu bị tông thì nhảy xuống nước rồi tính sau, chứ ở trong cabin mà bị tông là chết cả.

“Ngay tức thì, tàu tôi chạy thoát, tôi điều khiển vào bãi cạn, sâu chừng 4m nước, lúc đó tàu của Trung Quốc không thể vào. Bọn chúng đứng áp sát tàu ông Lựu, chúng không cứu các thuyền viên, để mặc trên mũi tàu. Tôi muốn chạy đến cứu 5 ngư dân nhưng tàu Trung Quốc đứng cạnh bên, không cho tàu tôi tiến lại gần”, anh thuật lại.

Theo anh Khanh, không lên được tàu anh Khanh, nhóm người Cảnh sát biển Trung Quốc ném nhiều chai nước lên tàu, cầm một chiếc rìu đòi chặt, ép tàu đâm va nhưng anh Khanh né được. Sau khi đâm va khiến tàu của ông Lựu bị tràn nước vào, tàu Trung Quốc không đuổi theo tàu anh Khanh nữa.

Anh Khanh cũng không dám tiến lại gần, mà điều khiển tàu giữ một khoảng cách chừng 5 hải lý với tàu ông Lựu. “Tôi không dám vào vì sợ sẽ bị tông chìm hoặc bị khống chế. Nếu vậy, ai cứu 5 thuyền viên tàu Qng 90479 TS. Đặc biệt trên tàu Trung Quốc có người nói được tiếng Việt, tôi thông báo cho tàu Trung Quốc rời đi để cứu người nhưng chúng không chịu đi.

Đến 18 giờ cùng ngày, tàu Trung Quốc bỏ đi, lúc đó tàu anh Khanh đến, các thuyền viên trên tàu gần như đã kiệt sức, mặt nhợt nhạt. Khi đưa mọi người lên tàu thay áo quần, ăn cơm nước, họ mới tỉnh táo dần và nói chuyện được. Hành động của phía các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc là ngang ngược, coi thường tính mạng ngư dân Việt Nam”, anh Khanh kể.

Tiếp lời, ông Lựu nói: “Thấy tàu tôi bị chìm, 5 người đứng trên mũi tàu nhưng chúng chẳng đến cứu, chúng đứng cạnh tàu. Do đó, tàu anh Khanh không dám đến gần, sợ chúng đâm tiếp. Tôi nói với chúng, cho tàu đi Việt Nam đến cứu người, nhưng chúng chẳng đi, cứ đứng đó”.

Ông Lựu cho biết, tàu ông mới ra khơi được 1 tuần, trên tàu có khoảng 1 tấn hải sản. Con tàu chìm giữa biển khơi, ông thiệt hại 3 tỷ đồng. Tất cả em thuyền viên đều trong một gia đình, chủ tàu ông Lựu thì có đứa con trai Võ Văn Cầu (SN 2000) đang học lớp 11; con rể Nguyễn Trung Hậu (SN 1986); em trai Võ Thanh Hương (1966) và cha là ông Võ Băng (SN 1941).

 

Đuổi, dí liên tục

Sau con trăng tháng 6 âm lịch, chủ tàu Qng 95821 TS Nguyễn Tuấn (SN 1966, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu) cùng các ngư dân thẳng tiến Hoàng Sa. Vùng biển đó, từ ông, cha của ông Tuấn đã bám trụ. Nối nghiệp tiền nhân, lớn lên, ông Tuấn đóng tàu, cùng các thuyền viên hành nghề lặn. Cái nghề đặc trưng của làng chài này.

Ông Tuấn chia sẻ, nghề lặn, phải tìm đến ngư trường có bãi đá ngầm hoặc gần đảo. Nơi đó mới đánh bắt được nhiều hải sản, thế mà mình ra đến nơi, tàu Trung Quốc dí đuổi, nó không cho khai thác. Đã hơn 22 năm bám trụ trên vùng biển Hoàng Sa, tàu ông Tuấn không ít lần bị tàu Trung Quốc cản trở.

13-52-07_nh-4
Ông Nguyễn Tuấn, đang sửa sang ngư cụ để vươn khơi

 

13-52-07_nh-5
Tàu ông Nguyễn Tuấn, bị tàu Trung Quốc vỡ mạn phải và cabin

 

Ông kể tiếp, vào lúc 9 giờ ngày 16/6/2016, tàu ông đang đánh bắt ở tọa độ 16,11 vĩ độ Bắc - 112,31 vĩ độ Đông thì bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 31102 dí đuổi. Mở clip quay quá trình bị tàu Trung Quốc tấn công, ông Tuấn nói: “Đấy, tàu Trung Quốc to lắm, chúng dí đuổi chẳng mấy chốc kịp tàu mình. Tàu chúng bằng vỏ sắt, đâm vào tàu mình là toi luôn”.

Hậu quả, tàu ông Tuấn bị tàu Trung Quốc đâm vỡ mạn phải và cabin. “Chúng đâm xong thì còn có hai tàu Trung Quốc mang số hiệu 44044 và 37102 áp sát. Thấy tàu mình “bị thương” nhưng chúng chẳng buông tha”, ông Tuấn bức xúc.

Trong cái nghiệp biển, ông Tuấn đã không ít lần bị dí đuổi, đâm va. Ông chẳng muốn nhớ nữa. Ông an ủi mình rằng, sinh nghề tử nghiệp, vùng biển Hoàng Sa không thể bỏ được. Dù có dí, có đuổi, cướp bóc, thì tiếp tục bám biển.

“Biển đã là nhà, là nguồn sinh kế của gia đình và các lao động. Chúng có đâm, có đuổi thì không thể bỏ biển được. Nếu không may gặp họa, tôi vay mượn sắm tàu mới, rồi cùng anh em đạp sóng vươn khơi, tìm kiếm ngư trường nhiều hải sản đánh bắt. Chuyến nào tàu chất đầy hải sản, khi bán xong, em được hơn 10 triệu đồng/tháng, chủ tài được vài chục triệu đồng”, ông Tuấn tâm sự.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết, toàn xã có 426 phương tiện, trong đó đánh bắt xa bờ 190 tàu. Từ năm 2008 đến nay, Trung Quốc liên tục đâm va, cướp hải sản. Gay gắt nhất là sau đợt Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước can thiệp thế nào để ngư dân yên tâm bám biểm. Chứ đánh bắt mà bị đuổi liên tục thì ngư dân không yên tâm được.

 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Đủ nước cho vụ đông xuân ở Đông Nam bộ

Các tỉnh Đông Nam bộ đang sản xuất vụ đông xuân trong bối cảnh nguồn nước được dự báo đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất ở các công trình thủy lợi.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.