| Hotline: 0983.970.780

Những ghi chép từ bên kia trái đất: 'Con cá sấu' sẵn sàng thức giấc

Thứ Sáu 24/04/2020 , 09:39 (GMT+7)

Đất nước hình con cá sấu vẫn là một bí ẩn khiêu khích với Châu Mỹ và những thế lực mạnh trong Châu lục.

Một gian hàng tại chợ tranh trong khu Avenida del Puerto Cuba.

Một gian hàng tại chợ tranh trong khu Avenida del Puerto Cuba.

Con cá sấu nằm đó phơi mình, người ta luôn tìm mọi cách khuất phục nó cho những mưu đồ, thậm chí lột da nó cho những món đồ da sang trọng, nhưng rồi nó vẫn nằm đó trơ gan cùng tuế nguyệt.

Tôi luôn nghĩ đến một ngày hòn đảo này sẽ bừng thức để khai sáng những mạch nguồn văn hóa đang tạm ngủ yên.

Ngẫm từ chợ tranh La Habana

Đến Cuba mà không tới thăm được chợ tranh, chiêm ngưỡng những bức tranh xé từ giấy báo thì quả là chưa chạm tới những mạch ngầm văn hóa của xứ sở này.

Nếu như hàng hóa tiêu dùng là những thứ rất ít xuất hiện và có thì cũng vô cùng nghèo nàn ở La Habana, thì ngược lại, những sản phẩm văn hóa hoặc mang thông điệp văn hóa lại khiến cho bạn phải thảng thốt ngỡ ngàng.

Cuba đã có một văn hóa xì gà nổi tiếng khắp địa cầu, nổi tiếng đến mức trước khi kí ban bố những điều luật hà khắc với hàng hóa Cuba năm 1961 thì tổng thống Mỹ khi ấy là Dwight D. Eisenhower đã ra lệnh tích đủ 1000 điếu xì gà để dùng dần.

Giờ đây, xì gà Cuba đã đi khắp thế giới như một sản phẩm gắn liền với quốc đảo này và vị lãnh tụ huyền thoại Fidel Castro.

Năm 1992 nhân kỷ niệm 500 năm ngày Cristopher Columbus khám phá ra châu Mỹ, hãng xì gà Cohiba của Cuba đã cho ra mắt 5 sản phẩm Siglo, mỗi sản phẩm tượng trưng cho một thế kỷ, các sản phẩm bao gồm: Siglo I, Siglo II, Siglo III, Siglo IV, Siglo V.

Và hiện tại, phổ biến và được ưa chuộng nhất đang là dòng Siglo VI ra đời vào năm 2002 để chào đón thế kỷ mới. Dòng này sẽ tồn tại hết thế kỷ 21 mới lại có thêm một Siglo mới tiếp tục chào đời (Siglo nghĩa là “thế kỷ”).

Đến Cuba, tôi chưa có dịp đi tham quan những cơ sở sản xuất xì gà, chưa được đi xem ballet nhưng tôi đã kịp đi chợ tranh Almacennes San Jose trong khu Avenida del Puerto.

Đúng như tên gọi, tranh là thứ áp đảo tại đây. Bạn có thể tìm thấy thượng vô cùng đa dạng các tác phẩm hội họa các trường phái như một ma trận khắp không gian rộng lớn tại một căn nhà lắp ghép diện tích vài trăm mét vuông với hai tầng, tầng dưới dành cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, còn tầng trên gần như chỉ dành để bày bán tranh.

Những gian hàng này hầu hết của các họa sĩ địa phương thuê để bán chính những tác phẩm của họ. Khu chợ tọa bên bờ vịnh Havana, kề ngay một bến cảng bị bỏ hoang phế. Nhưng ngược lại với cảnh đổ nát trong tầm mắt, cả một rừng tranh ở đây đã tạo nên một sinh khí khác.

Một điều dễ nhận thấy khi nhìn vào tranh ở đây là các nghệ sĩ Cuba dù là vẽ tranh để bán giá bình dân thì phong cách cũng rất khác biệt, như thể họ vẽ là vì họ nhiều hơn là vẽ chiều theo thị hiếu khách để bán tranh vậy. Trừ một số khu vực bán tranh gốc hoặc tác phẩm đặc biệt sẽ cấm chụp ảnh, còn lại bạn có thể khám phá như một khu chợ bình thường, chỉ khác rằng, đó là một khu chợ nghệ thuật.

Tại Hà Nội, tôi còn nhớ một nhóm họa sĩ đã từng mở phiên chợ nghệ thuật tại chợ Hàng Da nhằm “kích cầu nghệ thuật” với khát vọng đưa những sản phẩm hội họa thành những thứ hàng hóa được tiêu thụ.

Tuy vậy, mọi thứ có vẻ còn xa vời, chúng ta mới chỉ đạt đến tầm phố chép tranh Nguyễn Thái Học chứ chưa có một thị trường hội họa đúng nghĩa nơi người ta tìm đến những tác phẩm hội họa với giá cả phù hợp. Nhưng Cuba đã làm được điều này.

Nếu biết mua, chỉ phải bỏ ra 200 USD bạn đã có thể sở hữu bức sơn dầu khổ lớn, mức giá này chỉ bằng phân nửa mức giá tại Việt Nam.

Những trăm năm ủ lửa

Con người có thể sống mà không có âm nhạc hay không? Nếu ở Cuba, tôi sẽ có ngay câu trả lời là không. Âm nhạc hiện diện trong mọi lĩnh vực, mọi ngõ ngách của đời sống, từ bình dân cho đến đỉnh cao.

Và điều ngạc nhiên với chúng tôi đó là, Cuba trong sự thực sáu mươi năm bị cố tình đẩy vào quên lãng thì, có những môn nghệ thuật vẫn tỏa sáng. Những môn nghệ thuật đỉnh cao vẫn là nhu cầu thiết yếu của người dân, với sự đồng hành của Nhà nước.

Sân khấu Tropicana là niềm tự hào của Cuba, tồn tại ở La Habana từ năm 1939. Chương trình nghệ thuật tại Tropicana không thua kém một chương trình đỉnh cao nào trên thế giới, dù Cuba còn nhiều khó khăn

Sân khấu Tropicana là niềm tự hào của Cuba, tồn tại ở La Habana từ năm 1939. Chương trình nghệ thuật tại Tropicana không thua kém một chương trình đỉnh cao nào trên thế giới, dù Cuba còn nhiều khó khăn

 

Sau khi thưởng thức show diễn tại Tropicana, tôi chợt hình dung Cuba như con sư tử đang ngủ quên. Chỉ cần ấn vào nút kích hoạt, nó sẽ vùng dậy đầy dũng mãnh. Miệng núi lửa đầy khát khao ấy sẽ tuôn trào những dòng nham thạch nóng bỏng đậm chất mỹ la tinh với những bung phá mạnh mẽ. Lúc ấy, có lẽ Cuba mới thực sự là mình.

Ngày cuối ở La Habana chúng tôi được xem một đêm biểu diễn nhạc kịch tại sân khấu Tropicana.

Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật lâu đời tại Cuba, suốt từ những năm 1930 của thế kỷ trước.

Vượt qua những thăng trầm thời cuộc, những biến đổi chính trị ở Cuba, những khó khăn về kinh tế nhiều lúc tưởng như chạm đáy ở quốc đảo này, Tropicana vẫn tồn tại với những sắc màu chói lọi, sự hoành tráng, phô diễn đậm chất mỹ la tinh.

Giá vé 120 USD bao gồm cả đồ ăn nhẹ cho một suất diễn 3 tiếng là không hề rẻ ngay cả với khách nước ngoài, nhưng những gì bạn được thụ hưởng thật xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.

Chương trình biểu diễn ở sân khấu ngoài trời với thiết kế công phu trong một không gian mở, giao hoà giữa diễn viên và khán giả.

Ngoài sân khấu chính, sân khấu phụ 360 độ, hầu hết các tiết mục diễn viên đều tràn xuống khán giả khắp các lối. Bạn sẽ được nghe, nhìn, tương tác với các vũ công rực rỡ và nóng bỏng ở cự ly gần nhất. Thậm chí là lưu lại những bức ảnh đầy cảm xúc.

Nếu so sánh giá vé xem biểu diễn Tropicana với mức thu nhập bình quân đầu người của Cuba chỉ vào khoảng 200 USD một tháng mới thấy mức độ xa xỉ đến đâu và quyết tâm bảo tồn những giá trị văn hoá của những người làm nghệ thuật tại đất nước mang hình con cá sấu này như thế nào. Người Cuba chưa bao giờ tiếc tiền cho nghệ thuật.

Một người dân có mức thu nhập trung bình của Cuba phải dành ít nhất số tiền kiếm được trong nửa năm mới đủ cho một tấm vé xem Tropicana.

Tất nhiên trên thực tế họ khó mà đặt chân đến những nơi như thế này, nhưng nếu một ngày có tiền tôi chắc hẳn, những người bình thường nhất ở Cuba cũng sẽ mua vé vào Tropicana.

Chương trình chủ yếu để phục vụ những khách du lịch châu Âu có tiền, có nhu cầu và có gu thưởng thức nghệ thuật. Bạn phải đặt vé trước mỗi suất diễn.

Mỗi tuần sẽ chỉ có một suất diễn vào tối thứ 5. Đêm diễn sẽ bị huỷ nếu trời mưa vì là sân khấu ngoài trời. Khách sẽ được hoàn tiền vé hoặc dời sang buổi khác nếu có thể. 

Một Cuba bi tráng

Ở Cuba có loài cây được coi như biểu tượng của đất nước này. Đó là cây cọ Hoàng gia. Tên mỹ miều thì như vậy, nhưng đó cũng là một loài cây quen thuộc tại Việt Nam vẫn được gọi với cái tên cau vua.

Loài cây được lựa chọn xuất hiện trên quốc huy của Cuba như một biểu tượng về sự ngay thẳng, bất khuất, khả năng phục hồi bất khả chiến bại của người Cuba.

Tôi đã gặp nhiều cây cọ trên dải phân cách những con đường La Habana. Tôi đặc biệt ấn tượng với những cây mà phần gốc thót lại bé xíu. Nó rấtgiống với phần “eo” của dải đất hình chữ S của chúng ta nơi quê mẹ Suốt Quảng Bình.

Và trong một buổi muộn chiều dạo dọc con phố Avenida đẹp bậc nhất La Habana, chạy dọc ven bờ biển có rất nhiều loài cây này tôi còn có những cảm nhận khác về đất nước và con người Cuba.

Những thân cây đứng kiêu hãnh bên nhau như những chiến binh in trên nền trời bi tráng. Có nhiều cây phần gốc thót lại bé xíu tưởng như không mang trở nổi thân cây cao lớn với tán lá xòe rộng trên cao, nhưng cả thân cây vẫn vươn cao ngạo nghễ.

Thật kỳ lạ khi đất nước này vốn là điểm quá giang của nhiều cơn bão lớn càn quét qua, thì loài cây ấy vẫn trụ vững kiên cường.

Dù thế nào, lịch sử thế giới thế kỷ 20 sẽ ghi dấu một Cuba đậm nét, khắc sâu vào kí ức nhân loại một Cuba mang tinh thần quốc tế cao cả. Châu Mỹ có một Cuba, thế giới cũng chỉ có một Cuba mà thôi.

Cuba, chắc chắn sẽ không bị nhầm lẫn với một quốc gia nào, chỉ một và một như thế đứng bám chân vào biển Caribe như một pháo đài bất khả xâm phạm giữa những con sóng nhiều chiều của ba biển lớn.

Dù thế giới vần xoay, thì vẫn còn đó, một Cuba bất khuất ngẩng cao đầu.

Đã có một dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ trong những năm chiến tranh, thì ở bên kia bán cầu, tôi cũng gặp một dáng đứng Cuba quật cường mà kiêu hãnh qua hình ảnh loài cây biểu tượng của đất nước được mệnh danh là chìa khóa từ Nam Mỹ mở vào vịnh Mexico này.

Và sự thật đã nói lên một điều, chiếc chìa khóa ấy đã không được sử dụng để mở vào những nơi mà chính nó không muốn.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Lãng phí tài sản công, dân Hà Tĩnh vẫn khát nước sạch: [Bài 3] Công trình cấp nước tập trung phải giao đơn vị có chuyên môn quản lý

Hà Tĩnh Quy mô đầu tư xây dựng chưa sát thực tế, giao đơn vị thiếu chuyên môn quản lý, vận hành là những nguyên nhân chính khiến nhiều công trình cấp nước tập trung ‘chết yểu’.