| Hotline: 0983.970.780

Những giống lúa chất lượng cao lên ngôi

Thứ Tư 13/12/2023 , 11:35 (GMT+7)

THÁI NGUYÊN Thời gian qua, nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao đã tăng rất nhanh về diện tích ở Thái Nguyên.

Hiệu quả cao, diện tích lúa Nếp xoắn tăng vọt

Những năm gần đây, giống lúa Nếp xoắn được nhiều hộ dân tại huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) ưa chuộng đưa vào gieo cấy trong vụ mùa. Việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa đã góp phần quan trọng giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con.

Khoảng 10 năm trước, người dân địa phương đã đưa giống lúa Nếp xoắn về đồng đất Phú Bình để gieo cấy thí điểm. Nhận thấy giống lúa này có hiệu quả kinh tế và nhu cầu cao từ thị trường, ngày càng có nhiều hộ chuyển từ gieo cấy giống lúa U17 sang lúa Nếp xoắn trong vụ mùa.

Huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có trên 12.000ha lúa, sản xuất 2 vụ/năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có trên 12.000ha lúa, sản xuất 2 vụ/năm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đặc biệt, vụ mùa 2023, diện tích gieo cấy lúa Nếp xoắn tại một số xã đã tăng đột biến và đạt cao nhất từ trước đến nay. Điển hình là xã Dương Thành có 197ha, tăng tới 127ha so với năm 2022; xã Thanh Ninh có 130ha, tăng 60ha...

Chia sẻ về ưu điểm của giống lúa Nếp xoắn, ông Đỗ Xuân Hiển, người dân xã Thanh Ninh cho biết, so với giống lúa U17 đang được gieo cấy ở nhiều tại địa phương trong huyện, chi phí để chăm sóc giống lúa Nếp xoắn thấp hơn khoảng 30%. Ngoài ra, cây lúa ít sâu bệnh, cây cứng, ít bị ngã đổ, năng suất đạt khoảng 2,5 tạ thóc tươi/sào (360m2), cao hơn gần 0,1 tạ/sào so với thóc tẻ.

“Nếp xoắn sau khi thu hoạch được thương lái đến tận ruộng thu mua thóc tươi với giá dao động từ 9.400 - 9.500 đồng/kg. Trong khi đó, đối với gạo tẻ, tôi chủ yếu chỉ bán được thóc đã phơi khô với giá bán trung bình từ 8.000 - 9.500 đồng/kg tùy thời điểm”, ông Hiển cho hay.

Còn ông Tạ Quang Bộ, người dân xã Kha Sơn đã gieo cấy giống lúa Nếp xoắn được 7 năm. Vụ mùa năm nay tiếp tục là vụ thắng lợi của gia đình ông khi ruộng lúa Nếp xoắn 1 mẫu đã cho năng suất đạt 2,5 tạ/sào.

“Nếu như trước đây, giống lúa này chỉ bán nhỏ lẻ cho tiểu thương trên địa bàn thì nay toàn bộ thóc sau khi thu hoạch đều được các thương lái trong và ngoài huyện đến thu mua với giá khoảng 9.500 đồng/kg thóc tươi. Với năng suất và giá ổn định, vụ mùa năm tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích gieo cấy lúa Nếp xoắn”, ông Bộ phấn khởi.

Theo thống kê, năm 2023, tổng diện tích gieo cấy lúa Nếp xoắn trên địa bàn huyện Phú Bình đạt trên 670ha, tăng 20% so với năm 2022. Năng suất lúa dự ước đạt gần 7 tấn/ha, sản lượng đạt trên 4.600 tấn. Diện tích gieo cấy giống lúa này chủ yếu ở các xã phía nam của huyện gồm: Thanh Ninh, Dương Thành, Kha Sơn, Tân Hòa, Lương Phú, Nga My, Hà Châu và thị trấn Hương Sơn.

Cây lúa Nếp xoắn ít sâu bệnh, cây cứng, ít bị ngã đổ, năng suất đạt khoảng 2,5 tạ thóc tươi/sào. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cây lúa Nếp xoắn ít sâu bệnh, cây cứng, ít bị ngã đổ, năng suất đạt khoảng 2,5 tạ thóc tươi/sào. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế giống lúa Nếp xoắn đem lại, thời gian qua, các xã đã vận động, khuyến khích người dân chuyển từ gieo cấy nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung thành vùng; chuyển đổi sang gieo cấy lúa Nếp xoắn tại những chân ruộng cao; khuyến khích người dân phối hợp với các HTX trên địa bàn để xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo phát triển bền vững.

Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình sẽ phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị của các loại nông sản địa phương. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất cánh đồng 1 giống theo quy mô tập trung, mở rộng diện tích gieo cấy lúa Nếp xoắn; đồng thời tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất...

Lúa chất lượng cao chiếm 65% diện tích mỗi vụ

Huyện Phú Bình có trên 12.000ha lúa, sản xuất 2 vụ/năm. Khoảng 5 năm trở lại đây, địa phương đã lựa chọn, đưa nhiều giống lúa lai mới như SL8H-GS9, TH3-7, TH3-5, BTE1, Syn98, HKT99… và các giống lúa thuần chất lượng như J02, TBR25, BQ, Thiên ưu 8, TH8, HD11, Sumo... vào sản xuất, chiếm 65% diện tích mỗi vụ.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền (xã Tân Đức, huyện Phú Bình) được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2022 với 22 thành viên, chuyên gieo cấy giống lúa J02. Đây là giống lúa có nguồn gốc từ Nhật Bản, đẻ nhánh khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, gạo ăn dẻo, thơm ngon, vị đậm… được người tiêu dùng đón nhận, sử dụng.

“Từ chỗ diện tích sản xuất ban đầu của HTX chỉ có 15ha, đến nay chúng tôi đã liên kết với nhiều hộ dân khác trên địa bàn và nhân rộng lên 150ha, trong đó có 15ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”, bà Trần Thị Thúy Hiền, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngọc Hiền thông tin.

Cùng với việc đưa các giống lúa mới, cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, huyện Phú Bình cũng khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cùng với việc đưa các giống lúa mới, cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, huyện Phú Bình cũng khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bên cạnh một số loại gạo đã có thương hiệu, huyện Phú Bình còn triển khai mô hình gieo cấy giống lúa thuần chất lượng cao Dự hương 8 tại xã Thanh Ninh với diện tích 10ha; thực hiện dồn điển đổi thửa tại các xã Xuân Phương, Úc Kỳ và Tân Đức để xây dựng cánh đồng lúa sản xuất tập trung có diện tích 226ha; áp dụng cơ giới hóa trong gieo cấy, thu hoạch lúa bằng các loại máy móc hiện đại (máy cấy, gặt đập liên hợp, máy bay phun thuốc trừ sâu không người lái…); hỗ trợ vùng sản xuất lúa lai, lúa thuần chất lượng tập trung từ nguồn ngân sách huyện... Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa gạo tại địa phương.

Cùng với việc đưa các giống lúa mới cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, huyện Phú Bình cũng khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP, hữu cơ, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Chỉ tính riêng năm 2022, địa phương đã thực hiện 5 mô hình sản xuất lúa gạo liên kết theo chuỗi tại các xã: Dương Thành, Xuân Phương, Tân Khánh, Tân Đức và Úc Kỳ. Các mô hình liên kết này được triển khai đồng bộ, khép kín từ khâu gieo cấy đến tiêu thụ sản phẩm với tổng diện tích 1.000ha.

Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng, giá trị sản phẩm lúa gạo của địa phương, bên cạnh thực hiện hỗ trợ giá giống lúa theo cơ chế của tỉnh, huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình sẽ phối hợp với một số đơn vị cung ứng giống lựa chọn và đưa các giống lúa mới có tiềm năng, cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Người dân được hướng dẫn thực hiện dồn điển đổi thửa để xây dựng cánh đồng lúa sản xuất tập trung có diện tích lớn, đồng thời áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người dân được hướng dẫn thực hiện dồn điển đổi thửa để xây dựng cánh đồng lúa sản xuất tập trung có diện tích lớn, đồng thời áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đồng thời tiếp tục tăng diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP lên 50% (tăng 20% so với hiện nay); thực hiện các mô hình gieo cấy lúa tập trung hướng đến mục tiêu được cấp mã vùng trồng; nhân rộng phương thức nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; khuyến khích và hỗ trợ thành lập, phát triển các HTX kiểu mới nhằm sản xuất, kinh doanh lúa gạo với quy mô lớn…

Để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã tăng cường chuyển dịch cơ cấu giống lúa theo hướng tăng diện tích gieo cấy các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất lúa theo hướng tăng giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất.

Đặc biệt, tỉnh đã phát triển một số vùng sản xuất lúa đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, có thương hiệu sản phẩm với tổng diện tích hơn 2.700ha. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung như: Vùng trồng lúa nếp Thầu Dầu của huyện Phú Bình, vùng trồng lúa nếp Vải của huyện Phú Lương, vùng trồng lúa Bao Thai của huyện Định Hóa.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.