Ông Đặng Văn Trớ (tổ 10, ấp Thạnh Phú, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu) có tổng đàn bò lớn của xã. Ông Trớ bắt đầu nuôi bò thịt từ năm 1977 đến bây giờ và là một trong số hộ gắn bó với nghề nuôi bò lâu nhất của địa phương. Nhờ con bò mà gia đình ông có tiền làm nhà, có của ăn của để cho con cái.
Mấy năm trở lại đây, do tuổi cao nên việc chăm nuôi bò đa số do con trai phụ trách, ông Trớ chỉ dặn dò những điều nên hoặc không nên làm. Vì chuyển sang nuôi bò sinh sản nên đàn bò của gia đình ông Trớ có tăng, giảm liên tục nhưng luôn ở mức trên dưới 30 con.
Trước khi Tây Ninh xuất hiện bệnh viêm da nổi cục, gia đình ông Trớ luôn chú trọng việc vệ sinh chuồng trại, tiêu độc sát trùng, phòng bệnh đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ chăn nuôi, thú y.
Thậm chí, ông Trớ cùng con thiết kế chỗ ăn của đàn bò tách riêng với chỗ ngủ. Để tránh ruồi muỗi làm ảnh hưởng đến đàn bò, ông Trớ và các con hun khói thường xuyên cho chuồng, nguyên liệu là cỏ khô với vỏ trấu tại các góc tường để xua đuổi côn trùng.
“Hàng tuần, con tôi thường phun xịt thuốc chống côn trùng vài lần để không còn ruồi muỗi trung gian truyền bệnh. Cộng với việc chuồng trại được vệ sinh hàng ngày nên côn trùng ít lắm. Ban ngày, đàn bò được dẫn dắt ra ra khu vực sân thoáng mát để tránh bí bách”, ông Trớ chia sẻ.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh, cuối năm 2021, bệnh viêm da nổi cục trên bò tấn công nhiều huyện của tỉnh Tây Ninh. Có khoảng 7.500 con trâu, bò bị mắc bệnh. Hơn 1.000 con trong số đó bị chết do nhiễm bệnh, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Nhiều hộ nuôi ở cạnh nhà ông Trớ cũng bị nhiễm bệnh trong đợt đó, tỉ lệ buộc phải tiêu hủy khá nhiều. Tuy nhiên, riêng đàn bò nhà ông vẫn khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Nhận thấy tình hình nguy cấp, ông Trớ quyết định chặt đứt nguồn lây truyền của côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve và tránh tiếp xúc. Đàn bò được ông “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
“Thời điểm đó, gia đình tôi phát quang các bụi rậm, cây cối xung quanh khu vực chuồng nuôi để tránh làm nơi trú ẩn của các loài côn trùng. Các góc trại cũng được hun khói với các loại cỏ cây có nhiều tinh dầu để đuổi muỗi. Bên trong chuồng trại được rắc thêm vôi bột, hạn chế việc sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn…”, ông Trớ cho hay.
Ông Trớ được khuyên tiêm ngừa vacxin cho đàn bò để kịp thời bảo vệ vật nuôi. Từ đó đến nay, từng con bò của gia đình luôn được chích ngừa theo hướng dẫn của lực lượng thú y địa phương.
Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Trưởng Ban Thú y xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu, đây là hộ gia đình chấp hành khá tốt việc phun khử độc chuồng trại và tiêm vacxin cho đàn bò. Thậm chí, dù vacxin được tiêm xã hội hóa hay từ ngân sách của địa phương hộ chăn nuôi vẫn đăng kí đầy đủ.
Lâu nay Tây Ninh không phát hiện ca nhiễm mới bệnh viêm da nổi cục trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, ngành chuyên môn vẫn cảnh báo nguy cơ dịch bệnh tái phát rất cao vì mầm bệnh viêm da nổi cục tồn tại rất lâu. Đặc biệt, cơ chế lây lan của loại bệnh này rất đa dạng, qua nhiều loại côn trùng chích hút nên gia súc bị nhiễm bệnh.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Tây Ninh dự kiến tiêm 31.370 liều vacxin viêm da nổi cục cho đàn trâu bò. Đối tượng được hỗ trợ tiêm phòng miễn phí gồm đàn trâu, bò của các hộ chăn nuôi có tổng đàn trâu, bò dưới 8 con. Đối với đàn trâu, bò có tổng đàn từ 8 con trở lên, chủ hộ chăn nuôi tự lo kinh phí tiêm phòng.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh, ngoài các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học người nuôi nên chú ý đăng kí tiêm phòng đàn bê, bò cái sinh sản. Vì theo quy định bê con dưới 6 tháng tuổi và bò mẹ sắp sinh sản chưa được tiêm phòng.
“Đây là đối tượng có tỉ lệ chết cao nhất trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Người chăn nuôi có nhu cầu mua vacxin tiêm phòng, cách sử dụng vacxin có thể liên hệ các trạm Chăn nuôi và Thú y hoặc cán bộ thú y xã để được hướng dẫn tận tình”, bà Loan thông tin.