| Hotline: 0983.970.780

Tăng hàm lượng khoa học công nghệ tạo sức bật cho chăn nuôi

Thứ Sáu 18/03/2022 , 20:15 (GMT+7)

Coi khoa học, công nghệ, chuyển đổi số là sức bật trong năm 2022, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng lĩnh vực chăn nuôi sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến ngày 18/3. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến ngày 18/3. Ảnh: Bảo Thắng.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị trực tuyến "Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi" ngày 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, tầm quan trọng của chăn nuôi lợn trong chiến lược phát triển chăn nuôi, cũng như định hướng của ngành nông nghiệp.

"Trong cơ cấu các loại thịt đến năm 2025, thịt lợn chiếm khoảng 63-65%. Nếu giữ ổn định đàn lợn khoảng 30 triệu con, trong khi tăng gia súc, gia cầm, chúng ta cần tích hợp nhiều giải pháp", Thứ trưởng Tiến nói.

Vấn đề được lãnh đạo Bộ NN-PTNT đặc biệt lưu tâm là khoa học công nghệ. Coi sự phát triển của yếu tố này "như dòng thác", Thứ trưởng Tiến yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng cả về giống, quy trình nuôi, lẫn thức ăn dinh dưỡng.

Trên cơ sở nghiên cứu của các Viện, trường, kết hợp nhập khẩu giống mới từ nước ngoài, Thứ trưởng Tiến tin tưởng, lĩnh vực chăn nuôi nói chung, nuôi lợn nói riêng có thể tiệm cận trình độ khu vực và thế giới.

Công nghệ cũng là giải pháp được Thứ trưởng Tiến đưa ra nhằm ổn định và hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng 18-22% so với năm trước. Ông cho biết, Viện Chăn nuôi đã nghiên cứu và cho ra nhiều công thức, khẩu phần ăn cho vật nuôi dựa trên nguyên liệu sẵn có. 

Ông Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi thông tin thêm, rằng các công thức pha trộn thức ăn này vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa hạ được giá thành phẩm xuất chuồng. Cụ thể, khi sử dụng thóc, gạo tách trấu thay thế ngô trong khẩu phần ăn, giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt giảm 650 - 750 đ/kg; lợn nái giảm 600 - 1.000 đ/kg. Mức giảm này tương đương khoảng 170.000 - 200.000 đ/con trong suốt quá trình nuôi lợn. 

Cá biệt, tại mô hình trộn thức ăn cho lợn đen bản địa ở huyện Bắc Hà, Lào Cai, Viện Chăn nuôi đã giảm được chi phí thức ăn 5.000 đ/kg tăng khối lượng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý các đơn vị đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ trong phát triển chăn nuôi. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý các đơn vị đặc biệt quan tâm đến khoa học công nghệ trong phát triển chăn nuôi. Ảnh: Bảo Thắng.

Một điểm mừng nữa, theo Thứ trưởng Tiến, là chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn. 

Năm 2011, cả nước có khoảng trên 4,13 triệu cơ sở chăn nuôi lợn. Năm 2016, số lượng giảm xuống còn 3,4 triệu; sau đợt khủng hoảng 2017 về giá thịt lợn, số cơ sở còn khoảng 2,5 triệu. Đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 2 triệu cơ sở chăn nuôi lợn. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm. Riêng năm 2019 - 2021, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%.

Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có 20.843 cơ sở chăn nuôi lợn từ 10 con trở lên với 11,7 triệu con vào năm 2021, chiếm 41,6% tổng đàn lợn cả nước. Trong đó, chủ yếu là chăn nuôi ở quy mô 100 con. Số cơ sở quy mô từ 1.500 con trở lên là 1.627, chiếm 24,2% tổng đàn lợn của cả nước. Trong đó, nổi bật là 16 doanh nghiệp, có quy mô tới 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn cả nước.

"Hiện sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%. Đây là cơ sở để chúng ta hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiến tới xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài, cũng như đẩy mạnh chuyển đổi số", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Theo Cục Chăn nuôi, đàn lợn biến động lớn về tổng đàn và sản lượng sản xuất trong 5 năm vừa qua. Sau khi đạt đỉnh năm 2016 (29,1 triệu con), tổng đàn lợn giảm xuống vào năm 2017 (27,4 triệu con), tăng trở lại vào năm 2018 (28,1 triệu con), sau đó giảm sâu vào năm 2019 do dịch tả lợn Châu Phi (19,6 triệu con).

Tổng đàn lợn hồi phục nhẹ năm 2020 (22 triệu con) và tăng trở lại vào năm 2021 (28 triệu con). Đàn lợn giống và tổng đàn nái cũng biến động qua các năm và hiện ổn định khoảng 3,2 triệu con nái.

Theo xu hướng này, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh năm 2019, 2020 xuống còn 3,4-3,5 triệu tấn. Năm 2021, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tăng ltrở lại, đạt 4,18 triệu tấn.

Do sản lượng không ổn định, giá thịt lợn dao động mạnh suốt hai, ba năm gần đây. Từ tháng 1 đến tháng 8/2021, giá lợn thịt hơi xuất chuồng giảm 30-35%, duy trì ở mức thấp 43.000 - 49.000 đ/kg. Sang tháng 12/2021, giá tăng lên 54.000 - 57.000 đ/kg và duy trì mức này tới trung tuần tháng 2/2022, trước khi giảm còn 50.000 - 53.000 đ/kg vào tháng 3/2022. 

Giá lợn giống cũng bị ảnh hưởng. Từ tháng 1 đến tháng 6/2021, giá lợn giống luôn ở mức trên 2,4 triệu đ/con. Sau khi giá lợn thịt giảm, giá lợn giống giảm còn 1,4 - 1,6 triệu đ/con vào tháng 8-9/2021, và hiện duy trì ở mức 1,1-1,3 triệu đ/con.

Chăn nuôi lợn tại Việt Nam đang dịch chuyển sang hướng quy mô lớn, trang trại.

Chăn nuôi lợn tại Việt Nam đang dịch chuyển sang hướng quy mô lớn, trang trại.

Những thách thức liên tiếp về dịch bệnh (tai xanh, lở mồm long móng, tả lợn châu Phi), hay biến động từ thị trường thế giới khiến không những cuộc sống của người chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng, mà còn có thể tác động tới chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Để giải quyết, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT để có những chính sách dành đất đai riêng, đặc thù dành cho chăn nuôi, đặc biệt khi xây dựng cơ sở quy mô lớn, hay hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị ngân hàng, các tổ chức tài chính nghiên cứu, quỹ tín dụng xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp, HTX, nông hộ chăn nuôi. Do chu kỳ sản xuất của từng vật nuôi khác nhau, Thứ trưởng đề nghị phía tín dụng tính toán thật kỹ lưỡng, chi tiết, để tạo sức bật cho lĩnh vực chăn nuôi.

Bày tỏ sự tin tưởng về mối liên kết bền chặt giữa cơ quan quản lý, nghiên cứu, khối doanh nghiệp, HTX và người dân, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: ‘Trước mỗi khó khăn, thách thức, hệ sinh thái chăn nuôi lại gắn bó, tạo sức mạnh tổng thể. Nếu tiếp tục phối hợp đồng bộ, hiệu quả như thời gian qua, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2022".

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.