| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận đặt quyết tâm trong 2020

Thứ Ba 07/04/2020 , 10:01 (GMT+7)

Việc chuyển đổi sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ trong điều kiện thiếu nước tưới là rất cần thiết tại Ninh Thuận trong bối cảnh hiện nay

Ninh Thuận cần chuyển đổi mùa vụ để tiết kiệm nước vốn rất khan hiếm. Ảnh: Đình Thung.

Ninh Thuận cần chuyển đổi mùa vụ để tiết kiệm nước vốn rất khan hiếm. Ảnh: Đình Thung.

Việc tưới tiêu thiếu khoa học đã làm hao tốn nguồn nước trong khi lượng nước tích trữ trong các hồ chứa ở Ninh Thuận luôn “nghèo nàn”. Đơn cử trong vụ hè thu 2019, 1.200ha đất trồng lúa ở huyện Thuận Nam phải ngưng SX vì không có nước tưới.

Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, phân tích: Quỹ thời gian khi SX 2 vụ lúa/năm có thể cho phép nông dân đưa vào SX các giống trung và dài ngày có tiềm năng năng suất cao, đạt từ 70 - 75 tạ/ha. Thời gian đất nghỉ ngơi cắt được chuỗi nối tiếp của sâu bệnh, đặc biệt ngành chức năng có có quỹ thời gian để tu sửa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi.

“Tính toán chi li, mặc dù chỉ còn làm 2 vụ/năm nhưng sản lượng vẫn đạt khoảng 14 tấn lúa/ha, gần bằng SX 3 vụ lúa/năm. Do vậy, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn nhờ tiết kiệm được chi phí, nông dân có thể sử dụng khoản tiết kiệm này đầu tư vào chăn nuôi, hoạt động những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nâng cao thu nhập”, ông Thựu chia sẻ.

Năm 2020 Ninh Thuận quyết tâm sẽ thực hiện mô hình chuyển đối thí điểm với hơn 1.000ha đang canh tác 3 vụ lúa/năm sang còn 2 vụ tại các huyện Ninh Phước và Thuận Nam. Trong đó, tại Ninh Phước sẽ chuyển đổi ở xã An Hải với 230ha và ở xã Phước Hải 372 ha; còn tại huyện Thuận Nam sẽ chuyển 400ha ở xã Phước Nam. Thời gian thực hiện trong 2 năm, từ vụ mùa năm 2020 đến vụ mùa năm 2021. Mục tiêu của việc chuyển đổi được Ninh Thuận đặt ra là năng suất lúa bình quân đạt 65 tạ/ha, riêng trên chân ruộng chuyển từ SX 3 vụ lúa/năm sang còn 2 vụ năng suất bình quân đạt 75 tạ/ha, tăng hiệu quả kinh tế lên từ 10 - 15%.

“Hiện chúng tôi đang xây dựng đề án chuyển đổi, khi đề án được tỉnh phê duyệt thì nông dân tham gia đề án chuyển đổi SX lúa từ 3 vụ sang còn 2 vụ/năm được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ. Ví như được hỗ trợ giá giống lúa cấp xác nhận để đưa vào SX với định mức 180kg/ha; mức giá giống được tạm tính hỗ trợ là 13.500đ/kg; thời gian hỗ trợ 2 năm, hỗ trợ 1 lần/năm. Năm thứ nhất nông dân được hỗ trợ 50% giá giống, năm thứ 2 được hỗ trợ 30%”, ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho hay.

Vùng chuyển đổi sẽ được ngành nông nghiệp Ninh Thuận quy hoạch kỹ càng, xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm theo hướng triển khai thực hiện gọn trên từng địa bàn. Từng bước xây dựng những vùng SX 2 vụ lúa/năm một cách ổn định; khắc phục tình trạng SX theo kiểu “da beo”, vùng làm 3 vụ vùng làm 2 vụ xen lẫn trên cùng 1 xứ đồng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của công cuộc chuyển đổi.

Chuyển sang 2 vụ lúa để nâng cao năng suất. Ảnh: Đình Thung.

Chuyển sang 2 vụ lúa để nâng cao năng suất. Ảnh: Đình Thung.

“Dự kiến công tác quy hoạch vùng SX lúa 2 vụ/năm giai đoạn 2020 - 2021 sẽ được chúng tôi triển khai trong quý I/2020. Trước mắt sẽ tập trung triển khai thực hiện thí điểm tại một số địa phương của 2 huyện Ninh Phước và Thuận Nam”, ông Thựu nói.

Một trong những mối lo của Ninh Thuận hiện nay là nguồn giống lúa chất lượng cao để đảm bảo sản lượng.

Ninh Thuận cũng đã tính tới chuyện chọn các giống mới có tiềm năng năng suất cao, cho chất lượng gạo tốt và các giống lúa lai đưa vào SX khảo nghiệm, nếu phù hợp sẽ đưa vào cơ cấu giống để nông dân SX đại trà.

Ninh Thuận cho rằng đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất lúa, nhằm bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn. 

Ngành nông nghiệp Ninh Thuận tính toán, nếu thực hiện thành công mô hình thí điểm, sau đó nhân rộng thì năng suất lúa trên địa bàn sẽ được nâng lên đạt 75 tạ/ha/vụ, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Tiết kiệm được chi phí SX, đặc biệt là khoản chi phí ngày công lao động, tạo điều kiện chuyển dịch lao động nông nghiệp sang hoạt động ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp cho thu nhập cao hơn.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Người dân thôn cao nhất Việt Nam háo hức trồng trúc xào

Cây nông nghiệp, đa mục đích - trúc xào - đang được người dân thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù (huyện Bát Xát, Lào Cai) triển khai trồng diện rộng.