| Hotline: 0983.970.780

Nỗi niềm người phụ nữ hy sinh cả đời vì gia tộc

Thứ Tư 12/01/2022 , 15:49 (GMT+7)

Chị ơi, em không lập gia đình, lấy việc chăm lo cho gia tộc làm lẽ sống.

Chị thân mến!

Em năm nay 60 tuổi, cô giáo tiểu học về hưu. Sáng hôm qua em đi làm tóc, mới dắt xe đạp ra thì mấy đứa cháu kêu bằng bà cô chạy ào qua, ba nó cũng chạy qua nói Bà ơi, bà có kế hoạch mà không báo trước, lỡ chương trình của cháu rồi. Thật tình lúc đó em muốn làm thinh rồi đi luôn, nhưng lại chịu đựng như cũ, em dắt xe quay vô mà ấm ức quá.

Là vì chị ơi, em không lập gia đình, lấy việc chăm lo cho gia tộc làm lẽ sống. Nói lẽ sống là nói quen miệng chứ ngày qua ngày rồi mình đứng tuổi lúc nào không hay rồi cái trớn đó, sống vậy luôn. Ba má em có 4 người con, em là con gái út.

Giàu út ăn khó út chịu, anh Hai diện HO đưa gia đình đi Mỹ, chị Ba rồi cũng đi theo chồng qua Mỹ. Anh Tư ở gần, con trai và cháu nội anh là mấy đứa vừa nói em đi làm tóc mà không có kế hoạch trước đó. Em sống với ba má, chăm lần lượt tang tế lần lượt, khi song thân yên nghỉ thì con gái út cũng nghỉ dạy luôn. Coi như xong một đời viên chức.

Có anh trai chị dâu và các cháu bên cạnh, em cũng đâu mong muốn gì hơn. Nhưng trưa hôm qua em tới tiệm tóc quen, tình cờ gặp hai chị em lớn tuổi hơn em một chút, qua nói chuyện biết cả hai đều vì gia tộc như em.

Họ là người gốc Hoa, nhà có tới ba con trai, hai chị ngồi sạp ở chợ để lo cho các em ăn học, bác sĩ kỹ sư, có đứa út là tiến sĩ dạy đại học nữa đó chị. Cùng hoàn cảnh, tháo khẩu trang ra, chuyện vãn đã đời. Mà họ là người Hoa, họ chú trọng nối dõi tông đường, cả hai chị hy sinh cuộc đời buôn bán nuôi các em.

Em khác, em có thể giao ba má cho anh Tư nhưng em lại thui thủi rồi cuối cùng các cháu nó quấn quýt mà coi như nghĩa vụ là làm cho em vui. Lúc đầu khi ông bà nội của chúng qua đời thì cô Út là một mối quan tâm. Riết rồi em thấy em phải chăm ngược cho đám con của chúng, như nghĩa vụ không lương. Có lúc em tủi thân, có lúc em hào hứng, như có cơn vậy đó chị. Nhưng tổng thể, thấy mình cũng sai lầm, hoặc dại dột, hoặc là… đúng không chị?

-------------------

Em thân mến!

Theo quan sát của chị, hầu như gia tộc nào ở miền Nam mình cũng có một người như em trong khi ở Bắc thì hãn hữu. Vì sao? Vì người Bắc nhất nhất con trai, trách nhiệm, nghĩa vụ, kỳ vọng… Nam bộ đất mở, đất rộng, truyền thống xa gốc Bắc nên thoáng hơn chăng?

Và như đã thấy, sự hy sinh ấy ở con gái, như em. Bởi hầu như không có cảnh con trai ở ế rồi ở vậy. Ban đầu gia tộc thương, eo ơi cô ơi dì ơi, cô/dì lấy chồng đi thôi, thương quá. Khi thấy cô/dì quá lứa nên câu ấy “tuyệt chủng”, thay vào là “không có con mà vẫn cháu chắt đầy đàn sướng nghen!”

Sung sướng thật, bởi vui thật, chúng nó quây quần, tiếng cười tiếng khóc trẻ con vui thật.Rồi cô/dì già, luống tuổi, quen mắt bọn cháu là hình ảnh thui thủi còm cọm chăm chút. Thậm chí đi chăm di động luôn, nhà này nhờ, nhà kia réo, ơn nghĩa rối rít, cảm động sụt sùi. Lại quen với hình ảnh cô/dì di động ấy, thân thương nhưng vị thế chỉ để mà thân thương vậy thôi, có khi họ khuất núi rồi mới thấy cái chỗ ấy, cái bóng cây ấy trống hoác đi, một sự mất mát khủng khiếp.

Văn hóa Việt là xà quần và đỡ đần nhau. Tây ư, làm gì có phụ nữ ở vậy để hy sinh cho ai, họ có lý hơn chúng ta, đời ba má tự thu xếp nhé, đời con con dùng nhé, anh em nhất phận, con cái các anh chị nữa, tôi nợ gì chúng mà tôi nai lưng hầu?

Khoảng cách văn hóa ở chỗ đó, do tập quán, do quan niệm và cuối cùng, có những cuộc đời chím khuất luôn. Nếu nói rằng không ai đúng mà chọn trinh nguyên đức hạnh và chữ hiếu truyền thống cả. Không biết lứa đôi và đàn ông đàn bà là một cuộc sống khuyết một cách kỳ lạ. Chị không chỉ trích những người để thời gian trôi qua như em, chị cũng không ca ngợi chữ hiếu kiểu đó và càng không dễ để cháu họ cậy nhờ như thể mình là bà sơ, là ô-sin…

Em thấy đó, đến khi đám cháu có con nữa thì bà cô như một địa chỉ cho bữa cơm hay những thứ nó muốn mà ngại làm. Nhờ được là nhờ mãi mà thôi, người mình hay có kiểu ỷ lại đó. Thôi thì em và hai bà gốc Hoa ở sạp chợ ấy kết bạn nhau, rủ nhau đi làm đẹp và đi ăn đi chơi cho có hội. Còn nhúc nhắc là còn phải tự vui tự chơi em ạ. Kẻo già nhanh, mọi thứ như chớp mắt, nhớ nhé, càng bao bọc, bọn trẻ  hư sẽ càng hư. 

Xem thêm
Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu

Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu là cách nhấn mạnh rằng gia đình chính là nguồn cội của mọi niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống.

'Vết nứt' trong tâm hồn con trẻ khi gia đình tan vỡ

Ngày cha mẹ thông báo quyết định ly hôn, trái tim tôi như bị xé toạc. Cha mẹ cố gắng an ủi rằng họ vẫn yêu thương tôi, điều này tốt nhất cho cả hai.