| Hotline: 0983.970.780

Nơi tột cùng gian khó

Thứ Năm 03/06/2010 , 10:52 (GMT+7)

Đất và nước là cội nguồn của mọi sự sống. Nhưng cuộc sống của người dân vùng cao không nơi nào lại khó khăn như ở Si Ma Cai, khi họ vừa thiếu đất sản xuất lại vừa thiếu nước...

Xếp hàng đợi lấy nước
Đất và nước là cội nguồn của mọi sự sống. Nhưng cuộc sống của người dân vùng cao không nơi nào lại khó khăn như ở nơi này, khi họ vừa thiếu đất sản xuất lại vừa thiếu nước, rồi hàng ngày lại đối mặt với rất nhiều hiểm hoạ…

>> Si Ma Cai – miền đất cổ

Ông Cư Seo Diu là một trong số những người đầu tiên từ Lùng Sui về Phố Cũ sinh sống để giữ đất đai vùng biên giới, ông bảo tôi: Vì tôi là đảng viên, nên tôi đã tình nguyện đi trước. Ngày ấy, sau chiến tranh biên giới cuộc sống ở đây khó khăn lắm, thiếu đất làm ruộng, nước cũng không có, gia đình tôi phải tận dụng các nguồn nước để khai hoang, mỗi vụ cũng cấy được mấy chục cân lúa giống, cuộc sống tạm ổn. Khi huyện Si Ma Cai (Lào Cai) tái lập và chuyển về đây, ruộng nương của gia đình tôi nằm trong khu vực qui hoạch, được đền bù gần trăm triệu, đủ xây ngôi nhà này, còn một ít tôi mua mấy mảnh ruộng trên đỉnh núi ngoài chợ ngựa, mỗi vụ chỉ đủ cấy 6 cân lúa giống thôi. Nương ngô thì còn vài đám, cuộc sống cũng tạm ổn vì tôi có lương hưu và cho thuê nửa ngôi nhà này và quầy hàng trước mặt đây, mỗi tháng được thêm mấy trăm ngàn…

Ông Diu cho hay, mấy năm nay nắng mưa thất thường, ruộng không đủ nước cấy, ngô cũng không mọc lên nổi, bắp ngô ngày một bé đi, nên chẳng đủ chất đốt. Mùa đông ở Si Ma Cai rất lạnh, nhiều ngày có băng giá, nhưng chẳng có đủ củi để đốt sưởi. Củi bây giờ cũng đắt rồi, ngay việc nấu cơm cũng bằng cỏ rác thì lấy tiền đâu để mua củi? Tôi chỉ cánh rừng trước mặt: Rừng còn nhiều thế kia sao dân mình không vào đó kiếm củi? Ông Diu lắc đầu: Không được đâu, đấy là rừng cấm, còn rừng Nhà nước trồng thì chẳng có củi để kiếm. Ngày trước ở đây còn một ít rừng, mọi người phá để làm nương rẫy, tôi bàn với bà con giữ cánh rừng kia để làm nơi thờ cúng thần linh. Vậy mới còn đấy anh ạ…

Theo hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoàng Dương Thập: Diện tích rừng còn lại ở Si Ma Cai hiện chỉ có 6.265 ha, trong đó rừng phòng hộ là 4.364,7 ha, rừng trồng 2.322 ha trên tổng diện tích đất 23.493,83 ha. Đất qui hoạch để trồng rừng là 2.904 ha, nhưng thực tế diện tích này hiện đang là diện tích đất canh tác. Người Si Ma Cai nhiều năm trước biết việc phá rừng làm nương rẫy là ăn vào phần còn lại của con cháu, nhưng không có đất canh tác buộc họ phải phá rừng, đến nay thì không còn rừng để phá. Diện tích rừng còn lại là những khu rừng sung yếu, rừng trên các mỏm núi đá cao là nguồn sinh thuỷ đảm bảo cho sự sống của họ. Không ở nơi nào người dân lại ý thức bảo vệ rừng như ở Si Ma Cai, 5 năm qua mới chỉ xảy ra hai vụ cháy rừng. Hoàng Dương Thập bảo tôi: Trước hết là ý thức bảo vệ rừng của người dân ở đây rất cao, họ coi rừng như ngôi nhà của mình, rừng là chốn linh thiêng từ người già đến con trẻ đều biết tôn trọng và bảo vệ rừng…

Nơi đặt bàn thờ cúng rừng

Nói rồi anh đưa tôi lên khu rừng cấm, thật khó tin nổi nằm ngay cạnh Phố Cũ lại có một khu rừng già nguyên thuỷ, mấy chục năm qua người dân sống ngay cạnh chân rừng nhưng không hề thấy dấu vết tác động của con người. Đang là mùa hạ, ve kêu nhức óc, nhiều cây cổ thụ to hai ba người ôm mới kín gốc cao vút, tán rậm rạp. Chỉ cây thồ lộ cổ thụ vòng gốc tới 3 người ôm anh Thập bảo: Vào tháng hai âm lịch, bà con ở đây chọn ngày Thìn để tổ chức cúng rừng. Mọi gia đình, không phân biệt là dân hay cán bộ, mỗi nhà đóng góp 50 ngàn đồng để mua lễ vật cúng rừng.

Dân bản chọn một cụ cao niên và uy tín nhất trong cộng đồng đứng ra làm chủ lễ. Nội dung bài cúng là cầu mong trời đất và các thần linh làm cho mưa thuận gió hoà, mùa màng cây cối tốt tươi, mọi người đều mạnh khoẻ, nhà nhà đều đủ ăn, gia súc không bị dịch bệnh…Kết thúc buổi cúng, mọi người cùng nhau uống chén rượu thề bảo vệ rừng, khuyên bảo con cháu biết giữ rừng như ngôi nhà của mình, bởi rừng là nơi trú ngụ của các thần linh, nếu rừng bị phá, thần linh phiêu dạt đi nới khác, thì tai hoạ sẽ giáng xuống mỗi ngôi nhà…

Sống ở nơi trên tận cùng của núi sông vốn đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng có rất nhiều hiểm hoạ như: Sạt lở núi, giông lốc, mưa đá… gần đây nạn bắt cóc trẻ em và phụ nữ bán sang bên kia biên giới đang là mối lo, sự sợ hãi của người dân. Khi tôi đến nhà Cư Lao Vu, thôn Nà Cáng xã Si Ma Cai anh đang ngồi trong buồng, nghe có tiếng người lạ anh mới bước ra khỏi cửa. Gia đình anh vừa trải qua một nỗi kinh hoàng chưa từng thấy, tối thứ bảy vừa qua những kẻ xấu từ bên kia biên giới đã đột nhập vào ngôi nhà đứa con gái anh lấy chồng thôn Sín Chải bắt cóc Cư Thị Tớ 18 tuổi, Cư Thị Chấu 10 tuổi và cháu Giàng Seo Hải mới 2 tuổi.

Cư Thị Chấu (nhỏ hơn) sau khi thoát khỏi bàn tay bọn bắt cóc

Với gương mặt buồn rầu anh kể: Chồng của con Tớ là Giàng Seo Dín đang đi làm thuê ở Lào Cai, con Chấu được nghỉ hè sang nhà chị chơi trông nhà và cháu giúp chị. Nó mới sang được mấy hôm nay thôi, tối ấy khoảng một giờ đêm con Tớ nghe tiếng chân người trèo lên sàn nhà từ phía đầu hồi, con Tớ lay gọi em dậy: Có bọn người xấu trèo vào nhà ta rồi…Bọn chúng có 4 người, chúng xông vào bịt miệng hai chị em con Tớ, còn thằng Hải thì đang ngủ không biết gì, một đứa lấy kim tiêm, tiêm một mũi vào mông con Tớ, chúng trói tay con Chấu quặt ra phía sau, khiến nó sợ quá không kêu được. Sau đó hai thằng thay nhau cõng con Tớ đi, một thằng cõng thằng Hải còn con Chấu thì chúng bắt đi. Khi gần tới bờ sông Chảy, chúng tiêm thêm một mũi vào cổ con Tớ, đặt thằng Hải đang ngủ xuống đất bảo con Chấu ngồi trông. Do trói bằng chiếc khăn nhung, nên con Chấu cựa tay một lúc thì cởi được trói, nó vội cõng thằng Hải tạt vào nương ngô đi về bản. Đêm ấy sáng trăng nên nó nhận ra đường về, nhưng vì sợ lại mệt không đủ sức đi tiếp, hai dì cháu ôm nhau ngủ dưới gốc ngô, gần sáng mới tỉnh dậy cõng nhau về, khi về tới nhà lúc đó khoảng 7 giờ sáng…

Im lặng một lát, Cư Lao Vu lắc đầu: Sáng Chủ nhật thằng Dín nghe tin vợ bị bắt cóc nó bỏ việc về ngay, cả ngày Chủ nhật đi tìm vợ không thấy đâu, sáng hôm qua nó và thằng Cư Seo Pao đang trên đường đi tìm thì chợt nhìn thấy một đống quần áo của ai đó để cạnh con đường ra bờ sông Chảy, hai người mới chạy tới xem, trời ơi đó là xác con Tớ. Con Tớ bị tiêm nhiều thuốc quá nên chết, bọn người xấu bỏ lại…Kể tới đây Vu lấy tay áo lau những giọt nước mắt đang chảy ra từ hai khoé mắt thâm quầng bởi mấy đêm nay không ngủ. Ngồi cạnh Vu là Cư Thị Chấu vừa thoát khỏi bàn tay bọn bắt cóc, gương mặt cô bé chưa hết nỗi kinh hoàng. Buồn quá anh ạ - Vu nói tiếp - Chiều nay người ta làm ma cho con Tớ, tôi và con Chấu không sang đưa ma con Tớ, buồn lắm mà…

Đang nói chuyện với Vu thì Cư Thị Dó là con gái cả của Cư Lao Vu đưa tang con Tớ trở về, nước mắt lưng tròng nó thông báo con Tớ đã được chôn rồi. Nghe tin ấy, Cư Thị Chấu lẳng lặng đến bên chiếc cối xay ngô đã mòn vẹt, già nua miết miết những ngón tay lên thành cối mặc cho những giọt nước mắt chảy ròng ròng trên đôi gò má…(Còn tiếp)

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cảnh báo: Vùng núi Bắc bộ có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Các chuyên gia cảnh báo, trong những ngày tới, mưa lớn có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi Bắc bộ.