| Hotline: 0983.970.780

Nông dân ĐBSH 'chạy đua' gieo cấy sau đợt rét kỳ lạ

Thứ Bảy 26/02/2022 , 12:08 (GMT+7)

Đợt rét đậm, rét hại lịch sử sau lập xuân (4/2) khiến nhiều diện tích lúa mới gieo cấy bị thiệt hại, phải khẩn trương gieo cấy lại để kịp lịch thời vụ.

Gieo cấy lại diện lúa bị chết

Những ngày qua, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hiên (thôn Đông Hạ, xã Minh Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) như ngồi trên đống lửa vì 4 mẫu ruộng gieo sạ sát thời điểm rét đậm, rét hại bị thiệt hại nghiêm trọng. Nhổ gốc mạ non mới gieo thẳng trong khoảng thời gian từ ngày 10 – 15/2, bà thấy lúa sinh trưởng rất kém, rễ bị thâm và lá bị táp đầu, khó có khả năng phục hồi.

Bà Nguyễn Thị Hiên nhổ gốc mạ bị thâm rễ do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, khó có khả năng phục hồi. Ảnh: Minh Phúc.

Bà Nguyễn Thị Hiên nhổ gốc mạ bị thâm rễ do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, khó có khả năng phục hồi. Ảnh: Minh Phúc.

“Nếu nắng lên thì lúa chết gần hết, tôi phải ngâm lại lúa giống, sau đó cho máy cày ra bừa lại thì mới gieo được”, giọng bà Hiên nghẹn ngào. “Người nông dân chúng tôi chân lấm tay bùn, rất vất vả. Nhờ tất cả các ban ngành và cấp trên hỗ trợ cho nhân dân đỡ thiệt thòi”.

Tại xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, nông dân có truyền thống gieo thẳng trong vụ đông xuân. Ông Vũ Đình Thiển, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Nam Trung cho biết, tổng diện tích gieo cấy toàn xã là 200ha, trong đó chỉ có 5,3ha được quy vùng và cấy máy, còn lại chủ yếu được gieo thẳng.

“Do người dân gieo cấy đúng vào đợt rét đậm, rét hại nên diện tích có thể bị thiệt hại khoảng 80ha. Hiện nay, một số người dân đang ngâm ủ giống hoặc vỗ mạ sân để gieo cấy kịp thời mùa vụ”, ông Thiển nói.

Ngay sau đợt rét đậm, rét hại, HTX đã thông báo cho bà con đưa nước vào ruộng để giữ ấm cho mạ đối với các diện tích cấy máy, còn những diện tích gieo từ 12/2, bà con cần chăm ấm và giữ nước qua đêm, sau đó tháo nước để xem cây nào còn một chút sự sống thì sẽ bám vào đất để sống.

“Hi vọng khi tiết trời ấm lên, bà con đỡ phải gieo cấy cho kịp mùa vụ. Bởi hiện nay, đất nông nghiệp của bà con được canh tác 3 vụ không nghỉ, sau vụ lúa đông xuân, bà con sản xuất vụ mùa và vụ đông”, ông Thiển chia sẻ.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (ngoài cùng bên trái) và ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương (thứ hai từ trái sang) kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại huyện Nam Sách. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (ngoài cùng bên trái) và ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương (thứ hai từ trái sang) kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại huyện Nam Sách. Ảnh: Minh Phúc.

Ngày 25/2, ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương (dẫn đầu đoàn công tác của Sở) cùng ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đi kiểm tra và chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân.

Ông Thăng khẳng định, những diện tích bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại chủ yếu trên diện tích bà con gieo thẳng. Còn diện tích lúa cấy (cả cấy tay và cấy máy) gần như không bị ảnh hưởng. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục theo dõi, đánh giá, phân loại khả năng phục hồi của lúa.

Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương: Thời vụ gieo cấy lúa đông xuân có thể kéo dài đến 5/3, nếu làm tốt việc chăm sóc và bố trí cơ cấu giống thì có thể kéo dài đến 10/3.

Hiện, thời tiết đang ấm dần lên, những diện tích có thể khôi phục được bà con cần tăng cường các biện pháp chăm sóc lúa hồi phục, bén rễ, hồi xanh.

“Những diện tích thiệt hại trên 70% mà thấy việc khôi phục mất nhiều công hơn thì có thể gieo lại. Với những diện tích gieo lại, chúng tôi đề nghị bà con sử dụng những giống ngắn ngày và áp dụng biện pháp gieo thẳng (sạ), những diện tích không gieo thẳng được hoặc chân trũng, bà con có thể gieo mạ sân để cấy”, bà Kiểm chia sẻ.

Ngoài ra, các địa phương cần điều tiết nước hợp lý tại những diện tích có lúa bị ảnh hưởng với phương châm giữ đủ nước ở diện tích cấy từ 1 đến 2cm để láng ruộng, đảm bảo lúa sinh trưởng, phát triển; những diện tích gieo vãi cũng cần có nước láng mặt ruộng.

Thời tiết vẫn còn rét nên cần đảm bảo giữ nước để giữ ấm cho lúa sinh trưởng và phát triển. Bên cạnh đó, về đêm nhiệt độ vẫn có thể xuống dưới dưới 10 độ C, nên tuyệt đối không bón đạm vào giai đoạn này. Bà con chỉ nên sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh và các chế phẩm để kích thích rễ. Chỉ sử dụng phân đạm, phân vô cơ khi thời tiết ấm lên, nhiệt độ trung bình ngày trên 15 độ C. Khi đó thì bà con cần chăm sóc sớm, tỉa dặm đảm bảo mật độ.

Bà Lương Thị Kiểm cũng lưu ý, hiện nay giống lúa ngắn ngày của các công ty giống đều rất dồi dào, giá cả bình ổn như đầu vụ. Vì vậy bà con không nên sử dụng giống thóc thịt để ngâm ủ mà sử dụng các giống xác nhận.

Ông Nguyễn Bá Mỳ, Đội trưởng Đội sản xuất cụm dân cư số 6, xã Nam Trung, huyện Nam Sách cho biết: “So sánh bên cấy và bên gieo thẳng thì mạ bên cấy an toàn 100%, đảm bảo không bị chết. Nhưng diện tích gieo thẳng bộ rễ có màu thâm lắm, HTX bơm nước vào nhưng không biết có khắc phục được bộ rễ hay không. Vụ mùa tới đây, chúng tôi sẽ cấy bằng máy 100%”.

Thái Bình: Diện tích ảnh hưởng không lớn

Tranh thủ tối đa những ngày nắng ấm, ông Ngô Tiến Thoàn (thôn Bắc Sơn, xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cùng vợ tất bật chuyển mạ khay để cấy máy (máy cấy 4 hàng) trên diện tích 30 mẫu ruộng (hơn 3ha).

Ông Ngô Tiến Thoàn tranh thủ thời tiết nắng ráo để cấy 30 mẫu ruộng. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Ngô Tiến Thoàn tranh thủ thời tiết nắng ráo để cấy 30 mẫu ruộng. Ảnh: Minh Phúc.

“Vì trời rét quá nên hôm qua tôi mới cấy, đến giờ đã cấy được 6 mẫu. Trung bình mỗi ngày cấy được 2 - 3 mẫu”, ông Thoàn chia sẻ thêm. Theo ông, những diện tích mạ gieo gặp thời điểm rét đậm, rét hại vừa qua, thiệt hại khoảng 60%. Nhưng bà con nỗ lực khắc phục, tiếp tục gieo thêm mạ, bảo quản mạ để cấy cho kịp thời vụ. Khoảng 2 - 3 hôm nay, thời tiết bắt đầu ấm hơn, bà con ra đồng rất đông”.

Kiểm tra công tác gieo cấy tại xã Quỳnh Thọ, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình cho biết: Thái Bình đã có kế hoạch từ trước để chủ động phòng chống rét đậm, rét hại trong giai đoạn từ ngày 19/2 đến ngày 22/2 vừa qua. Do đó, trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 15 độ C, bà con ngừng gieo cấy và bảo toàn diện tích mạ đã gieo, chủ động ngâm, ủ các giống ngắn ngày để ứng phó với những tình huống bất lợi.

"Qua kiểm tra đồng ruộng, chúng tôi đánh giá đợt rét đậm, rét hại cũng có những diện tích cục bộ bị ảnh hưởng do các diện tích đó được gieo cấy bằng giống lúa chịu rét yếu, đặc biệt là bị ngập xung quanh ngày 19/2”, bà Nga cho biết.

Đến nay, thời tiết đã cho phép, nông dân tiếp tục ra đồng tỉa dặm cũng như dùng máy bơm cục bộ để giữ ẩm cho toàn bộ diện tích lúa xuân đã gieo trồng; cân đối mạ dược giống để gieo cấy vào các diện tích bị ảnh hưởng, đồng thời huy động tất cả nhân lực để tập trung gieo cấy trong tháng 2/2022.

Nam Định: Dự kiến khoảng gần 400ha lúa chết, thối rễ, phải gieo cấy lại

Cũng trong ngày 25/2, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định đã đi kiểm tra tình hình gieo cấy lúa xuân tại các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Quan sát thực tế trên đồng, ông Dũng nhận thấy một số diện gieo thẳng có hiện tượng thiếu nước mặt ruộng. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Sở NN-PTNT cần có văn bản hướng dẫn chi tiết cho các địa phương vận hành hệ thống thuỷ lợi, điều tiết nước hợp lý. Đồng thời tích cực chăm sóc, khôi phục lại những diện tích lúa bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại.

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định (thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo Cục Trồng trọt kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa sau đợt rét đậm, rét hại. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định (thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo Cục Trồng trọt kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa sau đợt rét đậm, rét hại. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết: Vụ xuân năm nay, tỉnh Nam Định gieo cấy khoảng 74.000ha lúa. Nhìn chung đây là năm cực kỳ khó khăn và rất nhiều năm sau lập xuân có đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Tuy nhiên Nam Định đã rất chủ động có văn bản chỉ hướng dẫn các địa phương bảo vệ, chăm sóc tốt diện tích mạ đã có. Và ngay sau Tết Nguyên đán, người dân đã tổ chức gieo cấy và có giải pháp để bảo vệ diện tích lúa đã cấy.

Mặc dù tình hình rét đậm, rét hại như vậy nhưng diện tích lúa thiệt hại của tỉnh Nam Định không lớn, chỉ có khoảng gần 400ha phải cấy và gieo sạ lại. Trước đó, bà con đã gieo mạ bổ sung, thời tiết cũng đang ấm dần lên và các địa phương đã chuẩn bị tốt các điều kiện để tiến hành chăm bón cho lúa nên hi vọng trong thời gian tới đây, lúa sẽ sinh trưởng tốt.

Vụ đông xuân rét kỷ lục sau lập xuân

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT): “Có thể nói vụ đông xuân năm 2021 – 2022 có đợt rét đậm, rét hại kỷ lục sau lập xuân (4/2). Trong đó thể hiện rất rõ đợt rét từ ngày 19/2 đến 23/2, nhiệt độ dưới 10 độ C kéo dài trong nhiều ngày. Điều này đã gây ảnh hưởng đến một số diện tích lúa đông xuân mới gieo cấy, đặc biệt trên một số diện tích gieo sạ vào thời gian từ ngày 12/2 đến 18/2. Tuy nhiên, các địa phương đã chủ động biện pháp ứng phó”.

Cũng theo ông Nguyễn Như Cường, mức độ thiệt hại tuỳ thuộc theo địa phương. Qua kiểm tra sản xuất, cho thấy Hải Dương có diện tích thiệt hại xấp xỉ 1.000ha, Nam Định trên 300ha và các tỉnh khác cũng ghi nhận thiệt hại nhưng mức độ không nhiều.

Hiện tại các địa phương đang tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá các mức độ thiệt hại khác nhau để có giải pháp phù hợp. Ví dụ đối với những diện tích không thể khắc phục được, phải tiến hành gieo sạ lại hoặc cấy lại. Những diện tích có khả năng khắc phục được thì tăng bón phân kali, phân hữu cơ và điều tiết nước phù hợp để khôi phục lại.

Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá, tuy thiệt hại do rét đậm, rét hại đã được ghi nhận, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất vụ đông xuân, vì hiện tại vẫn đang ở khung thời vụ tốt nhất cho gieo cấy.

“Bà con cũng cần bình tĩnh, không nên quá lo lắng vì theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, thời tiết đang có xu hướng ấm lên trong những ngày tới. Đối với sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa, theo kinh nghiệm, chúng tôi thường lo nhiều hơn với những vụ đông xuân ấm, còn với vụ đông xuân lạnh như năm 2021 – 2022, tuy có những khó khăn ban đầu cho những diện tích bị thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, nhưng cũng là một điề kiện rất thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển về sau. Bởi cây lúa, đặc biệt là cây mạ đã được tôi ở lạnh, do đó nó có khả năng sinh trưởng và phát triển rất tốt nếu gặp thời tiết ấm và phù hợp”, ông Nguyễn Như Cường nói.

Bên cạnh đó, với thời tiết lạnh, rét đậm, rét hại như vừa rồi, sâu bệnh sẽ giảm quần thể, giảm khả năng phát sinh và gây hại. “Nhờ ứng phó tốt với tình hình thời tiết, khí hậu, tôi tin tưởng rằng vụ đông xuân 2021 – 2022 sẽ là một vụ đông xuân được mùa”, ông Cường chia sẻ.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.