Thống kê của Vụ Công tác dân tộc địa phương (Ủy ban Dân tộc của Quốc hội) toàn vùng ĐBSCL có hơn 17 triệu người. Trong đó có trên 1,3 triệu người dân tộc, thuộc 43 dân tộc thiểu số cùng sinh sống tập trung tại 9 tỉnh, thành phố chủ yếu là dân tộc Khmer, Hoa, Chăm.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác dân tộc, với quan điểm tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó xác định đầu tư phát triển, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển, góp phần quan trọng vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Hiện nay, việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng ĐBSCL chủ yếu từ nền tảng gìn giữ và phát huy đặc điểm, truyền thống văn hóa của dân tộc. Nhờ đó nhiều giá trị bản sắc dân tộc được phát huy, trở nên phong phú và đa dạng hơn.
Tại tỉnh Hậu Giang, có trên 30.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có gần 2.300 người là hội viên phụ nữ. Những năm qua, thông qua thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Mỗi xã một sản phẩm (OCOP),… đã vận động được phụ nữ dân tộc, tích cực tham gia.
Đối với tỉnh Long An, trong quá trình triển khai thực hiện công tác dân tộc, tỉnh đã lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Qua đó các chương trình đã góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh chưa tới 1%. Tỉnh đã xây dựng thành công 118/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 28 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 4 huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.
Ông Nguyễn Trung Nhân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ đánh giá, nhờ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những đề án, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới, đã làm thay đổi diện mạo, khởi sắc nhiều vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở ĐBSCL.
Nhiều mô hình sản xuất điển hình, hợp tác kinh doanh có hiệu quả được hình thành và nhân rộng, qua đó giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới của các địa phương trong vùng.
Mới đây, tại hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL”, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, để thực hiện hiệu quả Quyết định 1719 ngày 14/10/2021 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 của Chính phủ, thời gian qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Nhân dân và phát huy vai trò giám sát việc tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia đối với vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng tích cực vận động các nguồn lực đầu tư cho các chính sách phát triển thông qua ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, phát triển nguồn nhân lực kết hợp với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc.