| Hotline: 0983.970.780

Nước đập dâng chuyển màu… nước mắm

Thứ Sáu 26/07/2019 , 15:45 (GMT+7)

Hơn một tuần nay, nước tại đập dâng Ngàn Trươi - Cẩm Trang, thị trấn huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đột ngột chuyển màu đỏ đen, đậm đặc không khác gì màu… nước mắm.

Hàng nghìn hộ dân sống quanh khu vực đập dâng và vùng hạ lưu kênh Ngàn Trươi thuộc các huyện Đức Thọ, Can Lộc đang hoang mang vì nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng.
 

Nước đập dâng nhiều lần chuyển màu

Báo NNVN nhận được phản ánh của người dân về việc hơn một tuần nay nước đập dâng hồ chứa nước thủy lợi Ngàn Trươi – Cẩm Trang đột ngột chuyển màu đỏ đen, đậm đặc và bốc mùi hôi thối nên đã tức tốc đến thực địa.

12-52-25_2
12-52-25_4
Nước đập dâng xả xuống kênh Ngàn Trươi phục vụ tưới sản xuất đen như màu nước mắm, bốc mùi hôi nồng nặc.

Tại cửa xả đập dâng, nước đang được đổ xuống kênh Ngàn Trươi phục vụ tưới chống hạn vụ hè thu cho 4 huyện hạ lưu Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà. Nước cuộn từ miệng cửa xả lên rõ mồn một màu đỏ đen, sánh không khác gì màu nước mắm. Một cán bộ huyện Vũ Quang đi cùng hoang mang: “Nước đã ô nhiễm nghiêm trọng lắm rồi. Nếu ngành chức năng không có giải pháp xử lý triệt để sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như hoạt động sản xuất của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Vũ Quang và các huyện hạ lưu Bắc Hà Tĩnh”.

Theo vị này, hiện tượng ô nhiễm nước đập dâng đã diễn ra trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trước đây, màu nước chỉ thi thoảng chuyển sang vàng nhạt. Còn lần này, nước chuyển hẳn màu đỏ đen, đậm đặc và bốc mùi hôi thối nồng nặc.

“Hiện đang có một lớp mùn dày nằm dưới đáy đập dâng. Mỗi lần điều tiết nước từ lòng hồ Ngàn Trươi xuống thì lớp mùn này bị khuấy lên khiến nước chuyển màu ngay”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Vũ Quang nói.

[clip] Nước đập dâng xả xuống kênh Ngàn Trươi đen như màu nước mắm


Vị Phó phòng nhận định, nguyên nhân dẫn đến thực trạng ô nhiễm nước đập dâng là do năm 2016 – 2017, trong quá trình xử lý, làm sạch lòng hồ trước khi tích nước, có một lượng lớn cây và thực bì nằm dưới lòng hồ nay phân hủy chảy xuống đập dâng.

Ngoài ra, còn có một số nguồn xả thải khác có thể xả trực tiếp ra đập dâng gây nên hiện tượng ô nhiễm như: Nước thải sinh hoạt của 175 hộ dân tại thị trấn Vũ Quang; Bệnh viện huyện Vũ Quang; Chi nhánh Nhà máy nước Hương Sơn (Nhà máy nước Vũ Quang) và Nhà máy sản xuất gỗ MDF, HDF, gỗ ván thanh và keo formadehyde của Cty CP Gỗ MDF Thanh Thành Đạt.

Trước đó, trung tuần tháng 6 cũng xảy ra hiện tượng nước chuyển màu tương tự nhưng không nghiêm trọng như lần này. Thời điểm đó, UBND huyện Vũ Quang phối hợp Trung tâm Quan trắc thuộc Sở TN-MT tỉnh, tiến hành lấy mẫu nước quan trắc tại 5 điểm là nguồn xả trực tiếp vào đạp dâng gồm: Vị trí tràn đập dâng; sông Ngàn Trươi; cống xả hồ Ngàn Trươi và 2 điểm trên và dưới Nhà máy gỗ Thanh Thành Đạt.

Kết quả quan trắc cho thấy, 2 mẫu nước tại vị trí tràn đập dâng và dưới Nhà máy gỗ Thanh Thành Đạt có thông số COD (chất mùn từ thực vật) vượt ngưỡng cho phép 1,07 lần. Ngoài ra, 3 mẫu nước tại vị trí tràn đập dâng, trước nhà máy nước Vũ Quang và cống xả hồ Ngàn Trươi cũng đều có thông số Amoni (NH4) và Sắt vượt ngưỡng.

12-52-25_7
Trong khi đó nước lòng hồ thượng nguồn vẫn trong xanh.
Được biết, nước đập dâng bắt nguồn từ 2 nguồn chính là từ hồ thủy lợi Ngàn Trươi và Khe Trươi bắt nguồn từ xã Hương Điền (huyện Hương Khê) và Sơn Thọ (huyện Hương Sơn) đổ vào hòa chung tại vị trí tổ dân số 1, thị trấn Vũ Quang. Hiện tượng ô nhiễm nước chỉ xảy ra tại khu vực đập dâng còn vùng lòng hồ Ngàn Trươi nước vẫn rất trong xanh.

“Chúng tôi rất lo lắng nhưng sự việc vượt quá tầm xử lý của huyện nên chúng tôi đã báo cáo và đề nghị tỉnh vào cuộc. Giải pháp duy nhất bây giờ là làm sạch lòng đập nhưng rất khó bởi nếu xả thì ảnh hưởng đến các huyện hạ lưu mà hút lên thì không biết đổ đi đâu vì lượng mùn dưới lòng đập quá lớn”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa băn khoăn.
 

Dân bỏ nước máy dùng nước giếng

Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là người dân vẫn phải sử dụng nguồn nước đen ngòm này để sinh hoạt và tưới sản xuất. Chị Nguyễn Thị Hương, thị trấn Vũ Quang nói: “Dù nhà máy nước cam kết nước máy cấp cho dân đã xử lý đảm bảo chất lượng nhưng nhìn nguồn nước thô lấy từ đập dâng đang ô nhiễm nghiêm trọng như vậy chúng tôi không thể yên tâm. Thực tình sợ nhưng gia đình tôi vẫn phải nhắm mắt dùng nước máy vì không còn nguồn nào khác”.

Không chấp nhận như chị Hương, gia đình ông Hoàn hàng xóm, trước đây cũng sử dụng nước máy để nấu ăn nhưng gần một năm nay thấy nguồn nước thô nhà máy nước Vũ Quang lấy từ đập dâng ô nhiễm nên ông đầu tư gần 10 triệu đồng khoan giếng để lấy nước phục vụ sinh hoạt.

Ông Trần Quốc Tuyết, Giám đốc nhà máy nước Vũ Quang cho biết nhà máy đang cấp nước sinh hoạt cho hơn 300 hộ dân ở thị trấn Vũ Quang. Hơn một tuần nay, nước thô ở đập dâng Ngàn Trươi tiếp tục xuất hiện màu đỏ đen và có mùi hôi.

“Nước đầu vào như vậy nên chúng tôi phải tăng cường xử lý hóa chất, rất tốn kém. Chúng tôi rất mong, tỉnh có phương án cho nhà máy được lấy nước đầu vào từ lòng hồ, không lấy từ đập dâng nữa để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho người dân”, ông Tuyết kiến nghị.

12-52-25_8
Nhà máy nước Vũ Quang lấy nước thô từ đập dâng ô nhiễm để cấp nước máy cho hơn 300 hộ dân thị trấn Vũ Quang.

Tiếp cận người dân vùng hạ lưu xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, hầu hết bà con đều bày tỏ lo lắng khi phải dẫn nguồn nước lúc đen, lúc đỏ vào ruộng lúa. Một người dân xin dấu tên cho hay, 2 sào lúa gia đình ông khô héo vì hạn cả tháng nay. Tầm 3 ngày trước trực từ sáng tới chiều ông mới dẫn được nước trên kênh Ngàn Trươi vào ruộng. Tuy nhiên phát hiện nước có màu lạ, lo ngại không đảm bảo nên ông chỉ cho nước vào nửa ruộng rồi chặn lại, chờ nước trời.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.