| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lợn bản địa theo hướng an toàn sinh học quy mô nông hộ

Chủ Nhật 26/04/2020 , 10:11 (GMT+7)

Mặc dù tỷ lệ sinh sản thấp, trọng lượng cơ thể nhỏ nhưng lợn bản địa ít bệnh dịch, chịu được chế độ ăn kham khổ; đặc biệt là chất lượng thịt thơm ngon.

Bàn giao con giống cho hộ tham gia mô hình.

Bàn giao con giống cho hộ tham gia mô hình.

Năm 2019, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn; UBND xã Phú Thịnh, Trung Sơn triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa (lợn Mán) theo hướng an toàn sinh học. Mức hỗ trợ 100% con giống, thức ăn hỗn hợp, vắc xin, thuốc thú y, thuốc sát trùng và được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn nái, lợn đực giống. Đã có 9 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình với tổng số lợn là 90 con (trong đó có 9 con lợn đực giống, 81 con lợn nái hậu bị).

Mục đích của mô hình là nhằm giúp giảm tình trạng giao phối đồng huyết, cận huyết và bảo tồn, duy trì, phát triển nguồn gen giống lợn quý, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho các hộ chăn nuôi, đồng thời góp phần nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi. Từ đó tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi lợn bản địa ở miền núi ngày càng hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện mô hình, cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho người chăn nuôi về kỹ thuật phối giống, phối trộn các loại thức ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho lợn nái sinh sản và nuôi con theo từng giai đoạn; kỹ thuật chăm sóc lợn nái hậu bị, lợn chuẩn bị đẻ, sau đẻ, kỹ thuật đỡ đẻ và chăm sóc lợn con, kỹ thuật phòng trị bệnh cho lợn…

Lợn Mán dễ nuôi, chất lượng thịt thơm ngon.

Lợn Mán dễ nuôi, chất lượng thịt thơm ngon.

Anh Phạm Ngọc Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết, để triển khai tốt mô hình xã đã lựa chọn các hộ có tâm huyết, có kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn; thành lập tổ hợp tác chăn nuôi lợn để các hộ học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác thú y và phòng trừ dịch bệnh, đồng thời vận động các hộ thực hiện mô hình sau khi lợn đẻ lứa đầu sẽ đóng góp ủng hộ số lợn con sau cai sữa/hộ bằng với số lợn được nhận hỗ trợ từ mô hình (9 lợn cái, 1 lợn đực) cho các hộ trong xã có nhu cầu để nhân rộng đàn lợn bản địa góp phần tăng thu nhập.

Sau 1 năm triển khai mô hình, đã tập huấn, hướng dẫn cho trên 80 lượt người; tổ chức tham quan, tổng kết cho 150 lượt người tham gia. Toàn bộ số lợn nái trong mô hình đều đẻ lứa đầu, một số con đẻ lứa 2, lứa 3. Số lợn con đẻ ra bình quân một lứa đạt 5 - 7 con/lợn mẹ.

Theo đánh giá của bà con nông dân tham gia mô hình, giống lợn đưa vào mô hình là giống có khả năng thích nghi tốt, kháng bệnh cao, nuôi con khéo, có giá trị kinh tế cao gấp từ 1,5 - 2 lần so với các giống lợn lai, lợn ngoại trên địa bàn và có chất lượng thịt thơm ngon.

Đến các điểm triển khai mô hình mới thấy được niềm vui của bà con nông dân khi thực hiện mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa theo hướng an toàn sinh học. Bà Đặng Thị Thiết, thôn Đát Trà, xã Phú Thịnh phấn khởi cho biết: Tham gia mô hình gia đình bà được hỗ trợ 1 con lợn đực giống, 9 con lợn cái hậu bị. Tận dụng diện tích đất vườn, gia đình bà dùng lưới sắt khoanh vùng và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi. Nhờ chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh đúng theo hướng dẫn kỹ thuật nên đàn lợn của gia đình không bị dịch bệnh, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

"Vừa qua, đàn lợn nái đã đẻ lứa đầu được 40 con, gia đình tôi đã xuất chuồng 20 con, mỗi con có giá từ 1,3 - 1,5 triệu đồng, thu về 25 - 30 triệu đồng, 10 con lợn giống chuyển cho các hộ trong xã có nhu cầu, còn lại 10 con gia đình để nuôi lợn thịt", bà Thiết nói.

Tại thôn Trung Thành, xã Phú Thịnh, gia đình ông Tạ Kim Huế là hộ có tiếng trong chăn nuôi lợn bản địa, thu nhập từ nuôi lợn có năm đạt 100 triệu đồng. Ông Huế cho biết, việc chăm sóc giống lợn bản địa khá đơn giản, chủ yếu tận dụng các loại thức ăn sẵn có tại địa phương như: Rau lang, cây chuối, sắn, ngô, cám gạo... Hiện bình quân mỗi năm, ông duy trì 7 - 9 lợn nái, 1 con lợn đực và trên 20 con lợn thịt. Thu lời từ mô hình nuôi lợn mỗi năm đạt từ 70 - 80 triệu đồng.

Để phát triển nuôi lợn bản thành một nghề chăn nuôi hàng hóa ổn định, lâu dài, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người nông dân về giống, vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật để họ yên tâm sản xuất. Xây dựng mô hình liên kết giữa người chăn nuôi với các nhà hàng, quán ăn để bảo đảm bao tiêu sản phẩm, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm...

    Tags:
Xem thêm
Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Loài dược liệu củ như khoai lang, lãi hơn 250 triệu đồng/ha

HƯNG YÊN Cây địa hoàng trồng 6 tháng sẽ cho thu hoạch, trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 250 triệu đồng/ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.