Chứng kiến những cây gỗ giổi cổ thụ 2 - 3 người ôm bị cưa hạ, chúng tôi chỉ biết thốt lên 2 tiếng “kinh hoàng”!
Gỗ nằm la liệt khắp rừng
Hơn 1 tiếng đồng hồ băng rừng lên đỉnh núi Kon Roi thuộc xã Vĩnh Sơn, chúng tôi tiếp cận được bãi tập kết gỗ đầu tiên. Ở đây, đếm được khoảng 30 súc gỗ giổi (nhóm 3) nằm la liệt trên con đường mòn do lâm tặc kéo gỗ mà thành. Không chỉ vậy, lần theo đường mòn, còn phát hiện thêm nhiều súc gỗ khác nằm rải rác dọc đường.
Nhiều cây gỗ có vết cưa hạ còn mới |
Leo dốc thêm 1 tiếng rưỡi đồng hồ nữa, đoạn đường này mới thật gian nan, chúng tôi phải đối mặt với những con dốc dựng đứng, dưới nhìn lên “trật cổ”, khi leo chân người đi trước chạm mũi người đi sau, có những đoạn phải “bò” mới đi được.
Khi đến hiện trường vụ khai thác, đôi chân ai cũng cứng ngắc như bị “đóng băng”. Tất cả bày ra trước mắt chúng tôi những gốc cây to đến 2 - 3 người ôm đứng chổng chơ, thân đã bị cưa hạ. Có những gốc vết cưa còn mới, có nhiều gốc đã mục ruỗng. Vẫn còn những thân gỗ tròn to đùng nằm phơi mình giữa rừng.
Tại thực địa, có 23 cây giổi đã bị cưa hạ, trong đó có 15 cây vết cưa còn mới, 8 cây đã “nhốm màu sương gió” vì bị đốn đã lâu, tại hiện trường còn 1 số lóng gỗ tròn và gỗ xẻ nằm la liệt. Đo đếm của kiểm lâm, có 134 tấm gỗ xẻ với khối lượng 11,633m3 và 25m3 gỗ tròn, toàn bộ là gỗ giổi đã bị đốn hạ tại khoảnh 4, tiểu khu 142 và khoảnh 8, tiểu khu 145 thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn.
Nhiều cây gỗ to đến 2 - 3 người ôm bị đốn hạ nằm la liệt |
Tuy nhiên, đây không phải là con số cuối cùng, còn nhiều súc gỗ và nhiều lóng gỗ tròn chưa được đánh dấu, đồng nghĩa chúng chưa được đưa vào con số thống kê.
Lâm tặc vung búa như chốn không người
Đây không phải là vụ phá rừng đại trà, mà là khai thác có “chọn lọc”. Lâm tặc chỉ lựa những cây cổ thụ đường kính từ 40cm đến hơn 1m để đốn hạ. Cây đổ đến đâu lâm tặc cưa xẻ ngay thành từng súc có quy cách như nhau, rộng từ 35 - 40cm, dày 25cm. Mỗi súc gỗ trên đầu được khoan thủng 1 lỗ tròn to khoảng 2,5cm.
Lỗ khoan này dùng để buộc vào đó sợi dây dù to bằng ngón tay cái người lớn, để lâm tặc kéo súc gỗ đi trên những đoạn đất bằng. Mặc dù bên kia núi Kon Roi dốc thoải hơn, nhưng lâm tặc chọn tập kết gỗ đưa xuống núi phía sườn bên này là vì có nhiều dốc đứng, có thể thả súc gỗ rơi tự do nhiều đoạn, đỡ tốn sức, đến đoạn đất bằng gỗ mới được kéo bằng sức người.
Có thể lâm tặc “qua mặt” được chính quyền một thời gian khá dài, nhưng với cụ Đinh Ph… (SN 1952), người đồng bào dân tộc Bana có nhà ở tại khu sản xuất thuộc làng Klot Pok (xã Vĩnh Sơn), thì hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ của lâm tặc cụ thấy thường xuyên.
Cụ Đinh Ph. (bên phải) kể chuyện lâm tặc phá rừng |
Công việc của cụ Ph. là đi đặt bẫy trên núi Kon Roi. Hai ba ngày cụ đi thăm bẫy 1 lần, lần nào cụ cũng gặp lâm tặc dang đốn hạ cây hoặc vận chuyển những súc gỗ từ trên núi xuống. Mỗi lần gặp, cụ đều được lâm mời thuốc lá và uống rượu. Thuốc lá cụ đã bỏ, rượu thì thi thoảng cụ uống vài ly.
“Họ (lâm tặc) làm từng nhóm 7 - 8 người, dựng lán trại ăn ngủ luôn trong rừng. Mỗi khi cây đổ ngã thì ngồi ở nhà già nghe cái ầm dội vang cả ngọn núi. Cứ dăm bảy ngày họ chở đi vài xe gỗ. Thấy thì biết vậy chứ không dám mở miệng, sợ bị đốt nhà lắm”, cụ Ph. bộc bạch.
Nhiều súc gỗ xẻ nằm lăn lóc giữa đường mòn |
Theo người dân, lâm tặc bố trí lực lượng cưa hạ cây riêng, vận chuyển gỗ riêng. Thời điểm thuận lợi, chúng đưa xe Chiến Thắng đến tận chân núi Kon Roi để chở gỗ về xuôi. Thậm chí, chúng ngang nhiên phá hàng rào của người dân rào để ngăn bò vào phá rẫy đậu đỗ trồng dưới chân núi, để xe ra vào chở gỗ.
“Trước Tết Nguyên đán năm rồi, già phát hiện họ phá hàng rào của già để xe chở gỗ đi từ rừng ra đường, già phạt họ 200 ngàn đồng”, cụ Ph. kể.
Điều đáng nói, muốn vận chuyển gỗ từ xã Vĩnh Sơn về thị trấn Vĩnh Thạnh chỉ có mỗi con đường độc đạo. Mà theo ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, tuyến đường có đến 2 trạm và 1 chốt chặn, ấy vậy nhưng chẳng hiểu sao gỗ lậu vẫn “lọt” đi được?
“Có thể lâm tặc đã lợi dụng những xe chở gỗ rừng trồng, “lót” những súc gỗ giổi bên dưới những cây keo để qua mắt ngành chức năng vận chuyển về xuôi. Các trạm, chốt, nếu không có tin báo thì không dám chặn xe kiểm tra”, ông Quang giải thích.
Cũng theo ông Đặng Bá Quang, rừng bị lâm tặc tàn phá là rừng giàu, do BQL Rừng phòng hộ huyện Vĩnh Thạnh quản lý. Kiểm lâm huyện nhận được tin báo vụ khai thác gỗ trái phép nói trên vào tối 22/7, ngay ngày hôm sau đến hiện trường để truy bắt thủ phạm, nhưng chúng đã cao chạy xa bay.
Trong lúc truy quét, phát hiện 1 lán trại không có người ở, bên trong có 4 cái võng, quần áo và 1 số xoong nồi chén bát gạo mắm, ngoài ra còn thu giữ tại lán trại này 1 sổ hộ khẩu và 1 điện thoại di động.
“Đây là vụ khai thác gỗ trái phép có tính chất phức tạp, có dấu hiệu tội phạm hình sự, Sở NN-PTN đã chỉ đạo cho Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn Bình Định giám định mức thiệt hại để làm căn cứ xử lý. Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh, huyện cùng các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, làm rõ đối tượng, xác lập hồ sơ để xử lý”, lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Định. |