| Hotline: 0983.970.780

OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Thứ Tư 23/11/2022 , 11:02 (GMT+7)

Chương trình OCOP Lâm Đồng đã góp phần thúc đẩy kinh tế vùng nông thôn phát triển theo hướng gia tăng giá trị. Chương trình nhận được sự quan tâm của người dân, doanh nghiệp.

Lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, địa phương tổ chức xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2018.

Đến nay, toàn tỉnh có 177 sản phẩm OCOP, trong đó 9 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao, 94 sản phẩm 4 sao và 74 sản phẩm 3 sao. Về chủ thể, thời gian qua toàn tỉnh Lâm Đồng có 103 chủ thể tham gia chương trình, cơ cấu chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP gồm 21 hợp tác xã, 58 doanh nghiệp, 19 hộ cá thể và trang trại, 5 chủ thể là tổ hợp tác.

DSC_1759

Sản phẩm phúc bồn tử của Công ty Langbiang.F (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Thời gian qua, chương trình OCOP đã góp phần không nhỏ trong phát triển các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh. Chương trình OCOP cũng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm.

Ông Phạm Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng nhận định, sau 4 năm triển khai, chương trình OCOP đã tiếp cận với nhiều người dân, doanh nghiệp. Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động xúc tiến thương mại cùng với sự thành công của các chủ thể đi trước đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia chương trình. Hiện nay, người dân đã cơ bản hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP và tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã thấy được tiềm năng, thế mạnh của mình và có những giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất.

DSC_4977

Toàn tỉnh Lâm Đồng có 177 sản phẩm OCOP, trong đó 9 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao, 94 sản phẩm 4 sao và 74 sản phẩm 3 sao. Ảnh: Minh Hậu.

Đặc biệt, chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao và các sản phẩm được chứng nhận không ngừng cải tiến mẫu mã.

Xây dựng 20 sản phẩm OCOP cấp quốc gia

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, thời gian qua, cùng với việc hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức 12 đợt xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP tại các sự kiện ở Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Bến Tre, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Nam Định, khu vực Miền Trung -  Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk, tại Festival hoa Đà Lạt và Tuần Văn hóa Trà - Tơ lụa Lâm Đồng tại thành phố Bảo Lộc, tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Đồng Tháp năm 2022…

UBND cấp huyện đã hỗ trợ cho 14 chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên tham gia các đợt xúc tiến thương mại ở sự kiện tại các tỉnh, thàng trong nước.

DSC_2328

Tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2025 có 250 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó 230 sản phẩm cấp tỉnh và 20 sản phẩm cấp Quốc gia. Ảnh: Minh Hậu.

Tỉnh Lâm Đồng xác định, chương trình OCOP đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng bền vững. Chương trình cũng góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Do vậy, từ nay đến năm 2025, tỉnh tập trung phát triển chương trình OCOP và phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 250 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó 230 sản phẩm cấp tỉnh và 20 sản phẩm cấp Quốc gia.

Tỉnh Lâm Đồng tập trung củng cố, nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Đặc biệt ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Đồng thời ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Sở NN-PTNT, từ nay đến năm 2025, địa phương cũng phấn đấu xây dựng các chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát triển làng nghề có sản phẩm OCOP.

DSC_1755

Tỉnh Lâm Đồng có nhiều sản phẩm OCOP độc đáo, mang dấu ấn riêng và bản sắc văn hóa, lịch sử như hồng treo gió, phúc bồn tử, actiso, nấm đông trùng hạ thảo, cà phê, mắc ca... Ảnh: Minh Hậu. 

Để đạt các mục tiêu trên, tỉnh Lâm Đồng đã và đang thực hiện hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp, trong đó  tập trung hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm đạt sao OCOP tham gia xúc tiến thương mại. Đồng thời tập trung tuyên truyền về sự cần thiết của chương trình OCOP để các chủ thể hiểu và tham gia.

Tỉnh Lâm Đồng cũng đưa ra giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó, ngoài chính sách hỗ trợ trực tiếp, chủ thể tham gia chương trình OCOP sẽ được tiếp cận các chính sách của Nhà nước về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng, khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực... Tỉnh Lâm Đồng cũng có chính sách hỗ trợ các chủ thể thông qua các chương trình, dự án, đề án được phê duyệt.  

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, chương trình OCOP mang lại kết quả khả quan trong việc tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Do vậy, thời gian qua ngành nông nghiệp luôn chú trọng công tác tuyên truyền. Theo đó, việc tuyên truyền giúp cho cán bộ, chủ thể hiểu biết về chương trình OCOP để phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.