| Hotline: 0983.970.780

Ông 'quan xã' lộng hành và bao năm bức xúc của người dân: [Bài 2] Nỗi buồn những người góp công 'xây' Vườn Quốc gia

Thứ Ba 14/01/2020 , 09:33 (GMT+7)

Trong khi nguyên Bí thư xã Phú Hiệp (Tam Nông - Đồng Tháp) lộng hành, ngang nhiên chiếm đất của dân, thì nhiều người dân vẫn kêu cứu trong vô vọng.

12-16-28_nh_1
Một góc VQG Tràm Chim, công sức của hàng trăm người trong bao năm ròng.


Trắng tay sau bao năm vất vả

Trở lại xã Phú Hiệp lần này, tôi không khỏi lặng người khi nghe tin anh Lê Văn Duông, sinh năm 1958, một bệnh binh ở ấp K12, xã Phú Hiệp, đã qua đời vì bệnh tật đầy mình.

Nhưng tôi chỉ thấy buồn và cả day dứt vì không giúp gì được cho gia đình anh chứ không ngạc nhiên khi nghe tin anh mất, vì khi gặp anh cách đây 1 năm trong căn nhà rách nát sát tỉnh lộ 843, thấy anh đã yếu lắm. Khi đó, trong ánh mắt, lời nói của anh, tràn đầy hy vọng, rằng tôi sẽ “làm được điều gì đó” giúp anh, giúp bà con.

Gia đình anh Duông có 2ha lúa và hơn 8ha tràm, đây là nguồn thu nhập duy nhất của 2 vợ chồng và 2 đứa con anh. Sau khi bị thu hồi toàn bộ diện tích tràm và đất lúa vì nằm trong ranh Vườn Quốc gia (VQG), gia đình anh trở thành một trong số những hộ “không có tấc đất canh tác” giữa mênh mông đồng ruộng vùng sông nước miền Tây.

Vợ và con trai lớn phải đi Bình Dương, Đồng Nai làm thuê, lay lắt kiếm sống qua ngày. Bản thân anh Duông, sau khi đi bộ đội về, mắc đủ thứ bệnh: gout, tiểu đường, huyết áp, nên không làm được gì, một mình anh lủi thủi trong căn lều.

Những người dân xã Phú Hiệp (anh Lê Văn Duông, bìa phải, đã mất trong nghèo khó) sau khi bị thu hồi đất VQG.

Theo quyết định của tỉnh Đồng Tháp, mỗi hecta tràm chỉ được hỗ trợ 5 triệu đồng, và diện tích tối đa được hỗ trợ là 5ha. Còn đất lúa thì được hỗ trợ 150 giạ lúa/ha (1 giạ lúa tương đương khoảng 22kg), và chỉ hỗ trợ tối đa diện tích 3ha. Do đó, dù có 10ha hay 100ha tràm, lúa, cũng chỉ được hỗ trợ tối đa 25 triệu đồng và số thóc tương đương khoảng hơn chục tấn, bằng năng suất 1ha lúa trong 1 vụ.

“Bây giờ giá một công tràm (khoảng 1.000 cây/công) ngoài thị trường từ 30-35 triệu đồng. Còn cừ tràm nếu ra vựa mua thì cừ nhất (loại 1, dài 5m, đường kính gốc 10-12cm) giá có thể lên đến gần 60 ngàn đồng/cây. Vậy mà một công tràm, họ trả có 500 ngàn đồng. Còn đất lúa thì trả 15 giạ/công”, ông Nguyễn Hữu Hiền, ở xã Phú Hiệp, một trong những người đang khiến nại, nói.

Còn rất nhiều trường hợp đáng thương khác liên quan đến Khu Ramsar Tràm Chim này. Như hộ ông Phan Văn Xinh, bà Lê Thị Ảnh, Cao Thị Bảnh…

Để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc người dân khiếu nại kéo dài hơn chục năm nay, tôi đã tìm gặp những cán bộ lão thành từng bao tháng ngày không quản nắng mưa, dầm mình dưới bùn phèn để trồng rừng.

Họ đều có chung quan điểm rằng, mức bồi thường, hỗ trợ cho người trồng rừng, khai hoang như thế quá rẻ! Và biết thêm một điều rằng, thời điểm lập VQG, phần lớn những người có rừng tràm, có đất lúa bị thu hồi, đều là cán bộ đương chức, mặc dù biết rõ mức bồi thường quá thấp, nhưng vẫn chấp nhận. Nhờ vậy mà số người khiếu nại, đòi quyền lợi không quá nhiều. Hiện nay, những người đang tiếp tục khiếu nại cũng đều từng là cán bộ địa phương.

Là người đề xuất với tỉnh Đồng Tháp về việc thành lập Nông lâm - Ngư trường, trồng tràm, ông Lê Văn Thôi, năm nay gần 80 tuổi, từng trải qua các chức danh: Chủ tịch, Bí thư Huyện ủy Tam Nông, và Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho đến khi về hưu năm 2000, không khỏi trầm ngâm khi tôi nhắc lại chuyện VQG.

“Vùng đất mênh mông này ngày xưa nhiễm phèn nặng, người dân cũng trồng lúa nhưng chỉ trồng được một vụ, năng suất rất thấp, nhiều vụ không có ăn, vì lúa chết. Chỉ có cỏ năng, cỏ lác và cây lúa trời là phát triển được.

Đầu thập niên 1980, khi quyết định thành lập Nông lâm trường, lực lượng ban đầu được “tổng động viên” tham gia trồng tràm là cán bộ, công nhân viên chức nhà nước.

Thời đó, phương tiện đi lại chỉ có ghe, xuồng chống sào thôi chứ chẳng có ghe máy. Đường xá cũng chỉ có đường đất… khó khăn trăm bề. Mỗi lần tổ chức đi trồng rừng là đùm núm theo đủ thứ, từ mắm muối, quần áo đến nước ngọt, vất vả lắm. Vậy mà cuối cùng, cũng biến được vùng đất phèn, hoang hoá mênh mông thành khu rừng như hôm nay”, ông Thôi nhớ lại.

Ông Thôi có đến 800ha tràm, khi thành lập VQG, ông gần như giao trắng cho nhà nước.
 

Vì đâu nên nỗi?

Nguyên nhân khiến người dân có đất liên quan đến VQG Tràm Chim khiếu nại bắt nguồn từ bản vẽ quy hoạch từ những năm cuối niên 1990!

Thời điểm trên, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập VQG Tràm Chim, cơ quan chức năng bắt đầu đi vẽ, lập bản đồ quy hoạch chi tiết. Trong quá trình đo vẽ, bộ phận thực hiện công việc này không biết do vô tình hay “tham lam”, đã “quy về một mối” toàn bộ diện tích đất, từ khu dân cư, đất ở, đất sản xuất, đến trụ sở công… nằm trên tuyến tỉnh lộ 843, bắt đầu từ cầu Tràm Chim (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông), đến gần hết xã Phú Hiệp, dài khoảng 15km.

Ông Lê Phương Thảo (Ba Thảo), cũng là một trong số những cán bộ đầu tiên góp sức gây dựng VQG, trước khi về hưu, ông là Phó giám đốc VQG Tràm Chim, nhớ lại: “Hồi còn là Nông lâm trường, cũng có bản vẽ đàng hoàng.

Ông Ba Thảo, nguyên Phó giám đốc VQG Tràm Chim.

Khi đó, ranh giới Nông lâm trường (VQG Tràm Chim ngày nay) chỉ có khu A1, A2 và A3, được phân ranh giới bằng đê bao và kênh Phú Hiệp. Phần đất từ đê đến lộ 843 rộng 200 mét, là đất nông nghiệp, dân canh tác, sinh hoạt bình thường. Đến khi giao cho mấy ổng quy hoạch thành lập VQG thì “ôm” hết. Thêm 2 khu A4 và A5 nữa, diện tích lên đến 8.000ha.

Theo bản quy hoạch này, toàn tuyến tỉnh lộ 843 bắt đầu từ cầu Tràm Chim đến gần hết xã Phú Hiệp, bao gồm trụ sở 2 xã Phú Đức và Phú Hiệp, huyện đội, bệnh viện Tam Nông, 2 ngôi trường phổ thông và các công trình tâm linh, cùng hàng trăm nhà dân, đất canh tác… đều tọa lạc trên đất thuộc VQG”.

Theo ông Ba Thảo, nhiều năm sau khi bản đồ quy hoạch đã ký, tỉnh Đồng Tháp mới phát hiện ra bản vẽ quy hoạch mới không theo sơ đồ cũ của Nông lâm trường. Lúc này tỉnh mới làm thủ tục xin điều chỉnh ranh giới.

Sau đó, phần đất nằm dọc đường tỉnh lộ 843, chạy dọc qua nhiều xã của huyện Tam Nông sẽ được điều chỉnh theo sơ đồ cũ của Nông lâm trường, tức ranh VQG cách đường 200 mét.

Nhưng, một khu dân cư khác nằm gần khu hành chính VQG rộng 46ha (người dân gọi là khu 46ha), lại không được điều chỉnh lại, vẫn thuộc VQG. Tại đây, từ trước năm 1975 đã có hàng chục hộ dân định cư. Đến năm 1987, khi Nông lâm trường Tràm Chim thành lập, đã “nhận” luôn khu đất này. Toàn bộ 132 hộ dân ở đây khi đó phải di dời và không có bồi thường, vì họ cho rằng đất này thuộc VQG.

“Sau khi VQG thu hồi khu này, chính quyền có lập một khu tái định cư, kêu người dân ra đó ở. Nhưng không phải ở miễn phí, mà phải đóng 17 triệu, gồm 10 triệu tiền đất và 7 triệu tiền nhà. Nhiều người cũng ra đó ở, nhưng không có đất sản xuất, chẳng biết làm gì, nên người thì quay lại đây, người thì bỏ đi Bình Dương, Sài Gòn, làm thuê. Khu 46ha này hiện còn 22 hộ”, anh Hùng, một trong số 22 hộ dân ở khu 46ha nói. Khoảng 2 năm trước, VQG mới bắt đầu xây dựng công trình nhà trên 1 diện tích rất nhỏ. Phần lớn đất còn lại trong khu 46ha này vẫn bỏ hoang.

Nói về chuyện người dân khiếu nại kéo dài đòi quyền lợi liên quan đến VQG, ông Ba Thảo thẳng thắn: “Không trách họ được, vì mức hỗ trợ như vậy đúng là quá rẻ. Bạn bè tôi ai cũng thấy như vậy”.

“Khi thu hồi đất, rừng tràm thành lập VQG, tôi có đề xuất với tỉnh 2 phương án, một là cho người dân khai thác ngay rồi giao đất lại cho VQG, hoặc mua lại cây theo giá thị trường. Nếu mua lại thì cũng không hết bao nhiêu tiền, vì cây tràm mới trồng vài năm, vốn ít, công chăm sóc cũng chưa nhiều.

Hoặc là cứ để họ chăm sóc, bảo vệ, đến khi thu hoạch được thì họ khai thác hoặc bán lại cho VQG, sau đó giao trả đất. Nhưng họ không đồng ý phương án nào.

Đất phèn, bỏ hoang hoá không, nhà nước có làm gì đâu. Không có những người như chúng tôi, thì làm gì có cái gọi là khu Ramsar như bây giờ.

Đúng ra, ngoài việc mua lại cây cho dân theo giá hợp lý, còn phải hỗ trợ thêm cho họ nữa. Vì tôi biết rõ, thời đó làm cực khổ thế nào. Mà nói dân vậy chứ lực lượng trồng rừng khi đó phần lớn là cán bộ”, ông Lê Văn Thôi.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm