| Hotline: 0983.970.780

Phép lịch sự bắt buộc

Chủ Nhật 04/03/2018 , 14:35 (GMT+7)

Ở những cụm ATM của những ngân hàng lớn cho thấy những hình ảnh quen thuộc. Trước tiên là cảnh đỗ xe. Người ta phóng xe đến, người càng trẻ thì độ phóng càng nghênh ngang...

Xe sau đỗ khóa hậu xe đến trước, kiểu “ăn không xem nồi ngồi không xem hướng” đó mà. Nếu khi ấy có chiếc ô tô trờ tới, nghĩa là người này hoặc khoe xế mới xế sang hoặc vội quá, lập tức đám xe máy trên vỉa hè hết cục cựa. Thế nào cũng có cảnh xe máy mắng xe ô tô và nếu không kềm chế, sẽ có màn đấu khẩu chát chúa.

Thứ đến là cảnh chờ trong gian đặt mấy trụ máy. Ngày thường đông vừa, đầu tháng đông nghẹt và trước tết thì hết biết. Người già rút lương hưu, người chưa già, và người trẻ đủ thứ quan hệ với ngân hàng nhưng chỉ có hai cửa để tiền mặt chảy ra: đến trụ ATM hoặc đi vào trụ sở giao dịch. Tiện ích của ATM khỏi phải bàn, quá thân thiện quá văn minh, hoan hô ATM. Nhưng với số đông người Việt, nơi đó lại là nơi thể hiện văn hóa của đám đông, nói tợn hơn, nó là một góc căn cước của chúng ta đấy bạn ạ.

Xếp hàng chờ rút tiền tại các cây ATM (Ảnh: internet)

Tháng nào tôi cũng phải làm thành viên của gian ATM do một ngân hàng sở hữu. Đồ rằng không phải tự dưng mà ngân hàng A được liên đới với Bảo hiểm xã hội còn ngân hàng B thì không. Nhưng thôi, đó là “bí mật quốc gia”, cỡ hưu trí như chúng tôi không nên biết. Chỉ biết rằng vì vậy mà đầu tháng ở các trụ ATM của ngân hàng này bao giờ cũng quá tải và, chưa được mấy ngày thì thế nào 3 máy cũng có ít nhất 1 máy bị liệt. Do người già thao tác mù mờ máy dễ bị rối nhớ, hay là do cái gì, trời mới biết.

Không giống cảnh chờ ở phòng chờ của máy bay giá rẻ đâu nhé. Nơi đó rất đông dân lam lũ nhưng dù sao người ta cũng giũ sạch lấm láp để đến phi trường và tâm lý con người nói chung, vào nơi nghiêm sạch con người ta cũng giữ mình nghiêm sạch. ATM là nơi con người hiện ra với chân dung vội vã nhất của ngày thường, khi họ cần ngay một số tiền vừa phải của mình, xong thì lao đi ngay, không ai có thời giờ làm quen với ai cả. Vì vậy mà xin lỗi quý bạn đọc, ở đó khi đông người chờ thì mùi trần ai cũng đậm đặc.

Còn mùi gì nữa? Ấy là mùi của bứt rứt, nóng nảy, đợi chờ, kềm chế… Không có ai để càu nhàu, không có ai để chất vấn, không có ai gây chiến để tham chiến… nghĩa là, chỉ một đám người với mấy cái máy lạnh tanh. Chỉ có chúng, lũ máy ấy có quyền: nuốt thẻ, từ chối, vặn vẹo, hoặc là… hết tiền mà làm ra vẻ bằng mấy từ “xin lỗi” lãng xẹt!

Thây kệ, đã là máy thì trách chúng cũng bằng thừa! Vấn đề là cái đám người trước những cái máy. Việc chen ngang diễn ra khá thường xuyên. Nếu chen đúng chỗ tôi đang đứng, tôi sẽ lên tiếng: “Tới phiên cô, cháu còn sau người kia kìa”. Tôi có uy của người già, kẻ chen vào không dám cãi. Nhưng tôi cũng ngại “giáo huấn” thêm một câu nữa, coi chừng lát sau mình sẽ bị đạp vào xe khi đang bon trên đường! Thời buổi gì nhìn nghiêm cảnh cáo hay nhắc khéo một câu cũng phải dè chừng, sợ trả thù, mà đã có gì quá để gọi là oán với thù?

Việc chen lấn ấy cũng không quá đáng nhưng khó chịu nhất là cảnh này. Cảnh gì bạn biết không? Cảnh người chờ sau cứ nhìn chằm chằm vào thao tác của người đang rút tiền? Sao vậy? Sao vậy nhỉ? Sao chuyện lịch sự tối thiểu ấy mà người Việt mình cũng mắc phải? Sao vậy? Thật tình tôi luôn bất bình với cảnh ấy và luôn lên tiếng uốn nắn. Cánh trẻ thường giật mình nhận ra, xoay người quay đi chữa thẹn. Cánh đàn ông đứng tuổi mới khó, họ không nói không rằng, họ lầm lì không nhìn dán vào gáy và hai tay của người đang thao tác nữa. Nhưng không vẻ lúng túng nào, họ không quen nghe góp ý, chỉnh đốn họ nữa, còn lâu nhé!

Tưởng rằng xếp hàng chỉ có thời bao cấp của nước ta ư? Không đâu, cả thế giới đã và vẫn còn xếp hàng, ở các xứ văn minh, đi toa-lét cũng xếp hàng. Chỗ nào có từ hai người trở lên là xếp hàng. Ở một bảo tàng của Mỹ, tôi thấy một bà cụ ngồi xe lăn kiên nhẫn xếp hàng trước quầy bán táo. Mua một trái táo hay một que kem cũng phải xếp hàng, thế thôi. Không ưu tiên, kể cả người già, trừ những người trong hàng tự nguyện nhường cho cụ. Bởi như thế nào là già?

Tính tự giác phải đi cùng với giáo dục, nếp sống và luật pháp. Nhiều thập kỷ như vậy nó sẽ thành máu thịt, thành nhu cầu, thành ý thức, thành hành vi của văn hóa. Ở ta, nhà trường có dạy bảo không, gia đình có nhắc nhở không và luật pháp có ra tay với những hành động vô ý thức, vô văn hóa không? Mong rằng khi chưa có đủ những thứ kể trên thì “Đừng nhìn chăm chăm vào khi người ta đang sử dụng ATM” là động thái lịch sự tối thiểu có tính bắt buộc đấy bạn nhé!

(Kiến thức gia đình số 9)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?