| Hotline: 0983.970.780

Phép tỉnh thua lệ làng?

Thứ Ba 08/04/2014 , 10:18 (GMT+7)

Được cấp phép nhưng gần một năm nay, những hộ dân làm nghề khai thác cát ở tổ 20, phường Kim Long (TP. Huế) lại phải nộp “lệ phí” lên đến tiền triệu cho "cò".

Gần một năm nay, những hộ dân làm nghề khai thác cát ở tổ 20, phường Kim Long (TP. Huế) điêu đứng khi công việc khai thác cát ở khu vực mỏ được UBND tỉnh TT- Huế cấp phép, lại phải nộp “lệ phí” lên đến tiền triệu cho "cò".

Tỉnh cho thì…về tỉnh mà khai thác

Phải ngừng công việc mấy hôm nay nhưng những hộ dân ở tổ 20, phường Kim Long vẫn chưa thôi ấm ức, bức xúc vì bị thu tiền “bảo kê” khai thác cát. Ông Nguyễn Văn Lánh, chủ thuyền TTH 20703, người có 3 đời làm nghề khai thác cát trên thượng nguồn sông Hương cho biết: "Từ mấy tháng nay đã xảy ra tình trạng người dân thôn Vỹ Dạ (xã Thủy Bằng, TX Hương Thủy) ngang nhiên đứng ra thu “lệ phí” tiền khai thác cát.

Đỉnh điểm là ngày 20/3 vừa qua, khi 5 thuyền gồm các ông Nguyễn Văn Lánh, Nguyễn Đình Hoang, Nguyễn Đình Tý, Võ Văn Đỏ, Trần Văn Lực đang khai thác cát ở bãi bồi thuộc thôn Hạ (xã Dương Hòa, TX Hương Thủy) thì một nhóm người ở thôn Vỹ Dạ dùng 2 thuyền máy (chủ thuyền là ông Thắng và ông Bé), chở khoảng 20 thanh niên trong thôn dùng dao, rựa, gậy gộc bắt 5 thuyền chúng tôi mang về bến thôn Vỹ Dạ để “nộp phạt” vì dám khai thác cát trên khu vực sông của họ".

Những hộ dân này lăm lăm vũ khí hăm dọa và đưa ra mức “lệ phí” phải nộp là 2 triệu đồng/thuyền, nếu không nộp đủ tiền thì sẽ tháo dỡ, tịch thu máy móc và giam thuyền lại. Còn nếu tái phạm sẽ phạt gấp đôi, với mức 4 triệu đồng/thuyền. Họ cũng điện báo cho hai người mang sắc phục công an xuống “làm chứng” việc bắt giữ thuyền. Ông Lánh kể tiếp, ông đã giải thích cho họ là khu vực này đã được UBND tỉnh cấp phép nhưng họ bỏ ngoài tai, họ còn bảo “ủy ban tỉnh cho phép thì về ủy ban tỉnh mà khai thác”.

Ông Nguyễn Đình Hoang, một chủ thuyền bức xúc cho biết, bãi bồi thuộc thôn Hạ (xã Dương Hòa) là khu vực đã được UBND tỉnh TT- Huế cấp phép, giao cho ông Trần Vĩnh là chủ DNTN khai thác thăm dò. Thời hạn khai thác là 5 năm, trên diện tích 3ha. Các ông khai thác cát trong vùng được cấp phép lại phải nộp một thứ "lệ phí’’ không rõ ràng, không có biên lai thu nhận lên đến tiền triệu là hết sức vô lý.

Việc hàng chục hộ dân ở thôn Vỹ Dạ sử dụng hung khí đe dọa và thu tiền trái phép đã gây khó khăn trong sinh kế của những hộ dân vốn có nghề khai thác cát từ lâu nay trên sông Hương. Theo 5 hộ dân khai thác cát bị bắt “nộp phạt”, sau khi thương lượng với các đối tượng ở thôn Vỹ Dạ, họ đã “hạ giá” xuống còn 1,5 triệu đồng/thuyền.

Các đối tượng này cử một người phụ nữ chừng 50 tuổi đứng ra thu của 5 hộ dân ở phường Kim Long 7,5 triệu đồng, sau đó mới tiến hành thả chủ thuyền và phương tiện ra về. “Một thuyền khai thác được 10 khối cát, bán được 700 nghìn đồng, chi phí hết gần chục lít dầu, chưa kể công cán. Nộp phạt kiểu vô lý như thế thì bọn tui chỉ có nước chế.”- ông Nguyễn Văn Lánh, chủ thuyền TTH 20703 than thở.

Cũng theo nhiều chủ thuyền ở Kim Long, không chỉ người dân thôn Vĩ Dạ mà trong thời gian gần đây, ở thôn Bằng Lãng cũng xuất hiện một nhóm người đứng ra thu tiền “bảo kê” khai thác cát từ 50-100.000 đồng/thuyền. Nếu không nộp đủ tiền thì các đối tượng dùng vũ khí hăm dọa, hay đứng trên bờ ném đá, gây thương tích.

Không chủ trương thu "lệ phí"

Theo nhiều chủ thuyền khai thác cát ở Kim Long, nghề khai thác cát là nghề truyền thống nhiều đời của gia đình họ. “Chỗ tỉnh cấm thì không cho, chỗ tỉnh cho thì người dân bản địa cấm. Như thế khác nào triệt đường sống của những hộ gia đình làm nghề như chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hoang, một chủ thuyền than thở.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng thừa nhận: “Tình trạng người dân Vỹ Dạ thu tiền của các chủ thuyền khai thác cát là có thật. Địa phương hoàn toàn không có chủ trương này. Số tiền trên phải được trả lại cho các chủ thuyền. Thu như thế là sai, dù số tiền được dùng vào mục đích gì đi nữa”.

Ông Thái cho biết thêm, thời gian gần đây, xuất hiện các nhóm hộ không biết từ đâu đến, thường đứng ra ‘"thu phí’’ 50-100.000 đồng của các chủ thuyền khai thác cát trên sông Hương, địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng để chấn chỉnh, xử lý tình trạng trên.

Còn về việc có sự xuất hiện bóng dáng của những người mang sắc phục công an ra “làm chứng” việc thu tiền “bảo kê” của những hộ dân là chủ thuyền ở phường Kim Long, ông Thái cho biết: “Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi có cử hai đồng chí công an đến nắm tình hình ngay tại hiện trường, sau khi hai đồng chí này về, những hộ dân ở Vỹ Dạ mới thu tiền của các chủ thuyền”.

Ông Trần Vĩnh, chủ DNTN Trần Vĩnh cho biết: "Khu vực chúng tôi khai thác cát thăm dò ở thôn Hạ, xã Dương Hòa là bãi bồi được UBND tỉnh TT- Huế cấp phép khai thác hẳn hoi. Nếu những chủ thuyền đã khai thác đúng địa điểm được cấp phép, người dân thôn Vỹ Dạ ra ngăn cản, thu phí “bảo kê” tiền triệu như thế là sai hoàn toàn".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.