| Hotline: 0983.970.780

Phim nông thôn ra rạp

Thứ Hai 15/09/2014 , 10:16 (GMT+7)

“Những đứa con của làng” là một bộ phim truyện nhựa về đề tài hậu chiến ở nông thôn miền Trung sắp ra mắt khán giả. 

Báo NNVN đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà SX của bộ phim.

Thưa bà, được biết bộ phim “Những đứa con của làng” sắp khởi chiếu ở các rạp trên toàn quốc, giữa thời buổi các rạp đầy rẫy những bộ phim chủ yếu mang tính giải trí thì việc lựa chọn đề tài nông thôn dường như hơi “kén khán giả” thì phải?

Chị nói đúng. Đề tài nông thôn bao giờ cũng kén khán giả, hay nói đúng hơn là vì đề tài này nhân vật không có hay ít có cơ hội ăn mặc đẹp, ít có yếu tố câu khách theo dòng giải trí như gái xinh, trai đẹp, scandal...

Thật ra nông thôn bây giờ đời sống cũng không thua kém thành phố là mấy, cũng có nhiều người giàu ăn chơi, xây lâu đài biệt thự khủng.

Đề tài không quan trọng. Quan trọng là kịch bản viết như thế nào, có hay và hấp dẫn không chứ không phải do đề tài nông thôn hay thành phố. May mắn, kịch bản phim “Những đứa con của làng” của tác giả Phạm Dũng thuộc dạng kịch bản hay.

Thông điệp trong “Những đứa con của làng” là gì?

Là tình thương yêu, đoàn kết hòa hợp dân tộc cần thiết phải có để cùng nhau xây dựng làng của mình ngày một đẹp lên, giàu có lên - muốn vậy phải xóa bỏ hận thù, chia cắt từ trong lòng người mà ra hoặc do lịch sử để lại. Bởi vì dù gì thì họ cũng đều là những “đứa con” của ngôi làng đó.

Đây là câu chuyện xảy ra ở một ngôi làng miền Trung trước và sau năm 1975 nên nó còn mang những yếu tố lịch sử của đất nước. Phim lồng tiếng Quảng phổ thông và bối cảnh, con người, tính cách cũng đậm chất của miền quê này.

“Những đứa con của làng” nhận được dự án tài trợ của Nhà nước, điều này tất nhiên là thuận lợi, nhưng liệu đó có phải là lý do khiên bà chọn kịch bản này không? Đặc biệt là từ trước đến nay làm phim về những đề tài dạng này thường khá nặng tính tuyên truyền?

Lúc đầu là thích kịch bản cái đã, sau mới tính xin kinh phí SX như thế nào. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí mới là quan trọng nhất. Không có nó thì mọi mong muốn tốt đẹp sẽ không thể trở thành hiện thực. May mắn là kịch bản sau khi trình lên đã được Hội đồng duyệt Kịch bản Trung ương thông qua.

Khi đặt “Những đứa con của làng” trong thời của phim giải trí kiểu mỳ ăn liền này bà có bị áp lực nào không? Nhất là trong bối cảnh nó ra rạp cùng mùa với rất nhiều bộ phim được quảng bá rầm rộ?

Áp lực lớn nhất của ê kíp làm phim là làm sao phim hay. Vậy thôi! Phim thuộc dòng gì cũng phải hay, hấp dẫn. Có được hai điều này thì cũng yên tâm một phần. Phần tiếp theo phải PR cho tốt. Quảng cáo rất quan trọng. Anh không quảng cáo sao mọi người biết bộ phim anh nói về cái gì - cái này phải nhờ đến truyền thông.

Hơn thế, phim rất cần các chủ rạp thiện chí ưu ái phim Việt trong việc phát hành để đưa nó đến với người xem. Hệ thống phát hành hiện nay đa phần các cụm rạp lớn là của tư nhân (kể cả người nước ngoài và người Việt) nên họ cân nhắc tính toán kỹ lắm.

Làm phim đã khó, phim được nhận lời ra rạp còn khó hơn nhất là đề tài nông thôn luôn bị mặc cảm là “ít hấp dẫn”!

Liệu “Những đứa con của làng” có “chiêu trò” gì để lôi kéo khán giả đến rạp hay không?

Chiêu trò thì cũng có đấy. Đó là tình yêu đầy tính nhân văn vị tha của người một người đàn ông tên Bè (Huy Cường) hơi ngơ ngơ nhưng tốt bụng, ngơ ngơ nhưng sống vì dân làng, ngơ ngơ nhưng nói câu nào cũng đúng...

12-37-40_nh
Phim có duy nhất một nhân vật nữ trẻ có tên Bưởi (Thúy Hằng) - con gái trưởng làng làm nghề chèo đò qua sông

Là một ông Thập (NSƯT Trung Anh) - trưởng làng kinh qua chiến đấu, mất mát một phần cơ thể trong chiến tranh, luôn kiên định lập trường yêu ghét rõ ràng. Là Đông (Trần Bảo Sơn) là con của xã trưởng thời trước năm 1975, dù đã đi xa, rất giàu có nhưng luôn muốn về làng để góp sức mình xây dựng quê hương.

Phim có duy nhất một nhân vật nữ trẻ có tên Bưởi (Thúy Hằng) - con gái trưởng làng làm nghề chèo đò qua sông. Và biết bao biến cố đi qua đời chị với cái nghề này khi cây cầu bắc qua con sông không thành. Cây cầu hiện thực chưa bắc xong, cây cầu trong lòng người bắc sang được lòng nhau càng khó hơn. Đương nhiên cạnh đó còn nhiều mảng miếng, “chiêu trò” hấp dẫn khác mang đậm đặc tính kịch, mà phải chờ xem phim mới thẩm thấu hết được.

Xét cho cùng, nông thôn luôn có những đề tài hấp dẫn, ví dụ như “Cánh đồng bất tận”, liệu “Những đứa con của làng” có phải phải là sự tiếp tục cho dòng phim về đề tài nông, đưa nông thôn lên màn ảnh rộng? Bà nghĩ sao và liệu có thực sự tin vào điều đó?

Nông thôn hiện nay có rất nhiều chuyện có thể làm phim hay, rất hay. Các nghệ sĩ cũng rất thích và quan tâm đến đề tài này. Nhưng thích là một chuyện, tìm được kịch bản hay, ưng ý về dòng này hơi khó. Khó nữa - như tôi đã nói là tìm được nhà đầu tư (bất kể Nhà nước hay tư nhân). Nhưng có lẽ Nhà nước cần nhảy vào thì đúng hơn. Tạo nhiều cơ chế, chính sách về mọi mặt, nhất là tài chính để làm đòn bẩy cho nghệ sĩ đi và viết và dựng thành phim về nông thôn để chiếu rạp.

Xin cảm ơn bà!

Xem thêm
‘Giao hưởng Điện Biên’ ngân nga tiếng lòng văn nghệ sĩ

‘Giao hưởng Điện Biên’ là trường ca của nhà thơ Hữu Thỉnh, ra mắt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, có nhiều hình ảnh văn nghệ sĩ tham gia cách mạng.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Quảng Trị Marathon 2024: Chốt phương án bảo đảm an toàn cho vận động viên

Sau khi thực địa đường chạy, Ban tổ chức Quảng Trị Marathon 2024 - Hành trình về Đất lửa đã thống nhất các phương án đảm bảo an toàn cho vận động viên.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.