| Hotline: 0983.970.780

Phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản chuyển biến tốt [Bài 2]: Chủ động quan trắc, ngăn ngừa từ sớm

Thứ Sáu 24/11/2023 , 09:08 (GMT+7)

Hà Tĩnh Thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng nước định kỳ, đột xuất là giải pháp tốt nhất cảnh báo sớm dịch bệnh, ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.

Năm 2023, mặc dù diện tích thả nuôi các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ bằng cùng kỳ năm 2022 (đạt hơn 7.400ha) nhưng sản lượng lại tăng hơn 3,5% so với năm 2022 (đạt hơn 16.800 tấn).

Các chỉ tiêu về nuôi trồng, năng suất, sản lượng nuôi ngọt và mặn lợ, sản xuất và ương dưỡng giống thủy sản đều đạt và vượt chỉ tiêu định hướng kế hoạch UBND tỉnh giao.

Đây là những con số minh chứng cho hiệu quả của “cuộc cách mạng” áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng cũng như chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh từ xa.

Hoạt động thu mẫu, quan trắc, cảnh báo sớm các loại dịch bệnh và môi trường của cơ quan chuyên môn đã góp phần giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất cho người dân. Ảnh: Thanh Nga.

Hoạt động thu mẫu, quan trắc, cảnh báo sớm các loại dịch bệnh và môi trường của cơ quan chuyên môn đã góp phần giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất cho người dân. Ảnh: Thanh Nga.

“Chúng tôi vẫn thường nói với bà con “nuôi nước trước khi nuôi cá, nuôi tôm”. Việc đảm bảo ổn định môi trường nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chu kỳ sản xuất.

Vì vậy, định kỳ trước các vụ thả giống, Chi cục sẽ phối hợp các đơn vị chức năng quan trắc mẫu nước, môi trường vùng nuôi để khuyến cáo đến người dân các biện pháp quản lý môi trường, ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất”, bà Nguyễn Thị Hoài Thúy, Trưởng phòng nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) thông tin.

Theo bà Thúy, trong năm 2023, Chi cục Thủy sản đã tổ chức thu mẫu và kiểm tra môi trường tại 7 vùng nuôi tôm tập trung trên 7 huyện, thị xã ven biển và thành phố Hà Tĩnh.

Đồng thời, Chi cục cũng phối hợp Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản Miền Bắc - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I lấy mẫu, quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh tại 3 vùng nuôi tôm chủ yếu theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến, gồm: xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà; xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh và Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân.

Song hành với Chi cục Thủy sản, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác quản lý dịch bệnh là Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng thực hiện giám sát dịch bệnh chủ động, nhất là vào đầu vụ nuôi xuân hè, sau đợt mưa lớn nhằm cảnh báo sớm, hướng dẫn người nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống.

Tham mưu trình Trung ương cấp hỗ trợ cho Hà Tĩnh 35 tấn hóa chất Chlorine từ nguồn dự trữ Quốc gia, phân bổ để các địa phương triển khai phòng chống dịch bệnh thủy sản.

Tuy nhiên, việc cảnh báo có đạt được hiệu quả hay không cần có sự phối hợp, chấp hành của người nuôi trồng. Ảnh: Thanh Nga.

Tuy nhiên, việc cảnh báo có đạt được hiệu quả hay không cần có sự phối hợp, chấp hành của người nuôi trồng. Ảnh: Thanh Nga.

Trong trường hợp có thủy sản nuôi chết, Chi cục phối hợp địa phương kịp thời kiểm tra, thu mẫu, chẩn đoán xác định dịch bệnh, cung ứng hóa chất, hưỡng dẫn kỹ thuật xử lý dịch bệnh. Nhìn chung, các ổ dịch trong năm nay được phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho rằng, hiện hay dịch bệnh chủ yếu phát sinh nhiều trên tôm nuôi và nhuyễn thể, còn cá thường bị sốc nước do biến đổi các chỉ số đột ngột.

Ở những vùng thực hiện tốt cảnh báo về các nguy cơ dịch bệnh, môi trường, thời tiết trước vụ sản xuất thì quá trình nuôi trồng bà con sẽ hạn chế được rủi ro và ngược lại. Tất nhiên, khuyến cáo kịp thời phải đi đôi với ý thức chấp hành của người sản xuất.

“Hồi đầu tháng 10/2023, khoảng 50 tấn cá chẽm nuôi lồng bè trên sông Nghèn, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà đột ngột chết trong đêm, gây thiệt hại tiền tỷ cho hàng chục hộ dân.

Vấn đề đáng bàn là trước đó, ngành chuyên môn và chính quyền xã đã khuyến cáo, đốc thúc bà con thu hoạch nhằm tránh mưa lũ nhưng bà con không thực hiện nên mới dẫn đến sự cố đáng tiếc”, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nhớ lại.  

Về lâu dài, để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, người dân cần đầu tư nuôi thâm canh, thâm canh công nghệ cao nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ảnh: Thanh Nga. 

Về lâu dài, để phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, người dân cần đầu tư nuôi thâm canh, thâm canh công nghệ cao nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ảnh: Thanh Nga. 

Những tháng cuối năm, thời tiết ở Hà Tĩnh bất lợi cho hoạt động nuôi trồng thủy sản nên hầu hết các vùng nuôi chỉ thả giống để bảo vệ ao, hồ. Riêng một số vùng nuôi tôm ngoài trời, người dân tập trung cho công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng ao nuôi để chuẩn bị sản xuất vụ xuân hè năm 2024.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh khuyến cáo, về lâu dài, các địa phương cần rà soát, đánh giá bài bản hiệu quả các vùng nuôi tôm để chuyển đổi dần sang nuôi thâm canh, thâm canh công nghệ cao. Với những vùng nuôi quảng canh thì nên gắn trách nhiệm cho người dân, giám sát tốt để hạn chế dịch bệnh, áp dụng nuôi xen canh cá đối, cá rô phi, cá dìa nhằm làm sạch tạp chất, vật chủ truyền bệnh…

Cùng với đó, người dân cần nâng cao ý thức trong theo dõi môi trường, dịch bệnh và báo cáo kịp thời cho chính quyền; không giấu dịch, tự ý xả tôm chết ra môi trường không qua xử lý, làm dịch bệnh bùng phát khó kiểm soát.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.