Nhưng hơn một năm qua công trình trái phép không bị cưỡng chế mà còn “mọc” thêm những công trình khác có quy mô lớn hơn, kiên cố hơn gấp nhiều lần...
Xử lý vi phạm theo kiểu "vận dụng lắt léo"
Ngày 22/5/2014, UBKT Thành ủy Hà Nội có kết luận số 89 về việc kiểm điểm trách nhiệm một số cán bộ các phòng chuyên môn của UBND huyện Gia Lâm và cán bộ cơ sở liên quan đến những sai phạm trong thực hiện phương án nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu đồng Cánh Buồm, xã Ninh Hiệp.
Đồng thời cũng yêu cầu UBND huyện phải xử lý các công trình xây dựng trái phép theo đúng luật định và phải báo cáo kết quả về UBKT Thành ủy trước ngày 30/6/2014.
Tuy nhiên, suốt một năm qua, UBND huyện Gia Lâm đã “phớt lờ” Kết luận 89 của UBKT Thành ủy Hà Nội, cố tình không xử lý các vi phạm tại khu Cánh Buồm.
Việc UBND huyện Gia Lâm bất chấp ý kiến của UBKT Thành ủy, dung túng cho các công trình vi phạm tồn tại, đã khiến cho gia đình ông Lý Duy Thành trở nên khinh nhờn pháp luật.
Một lần nữa ông Thành ỷ thế anh trai hiện đang là Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy tiếp tục cho xây dựng thêm nhiều công trình có quy mô lớn hơn, kiên cố hơn trên đất nông nghiệp.
Trước đây khuôn viên của khu sinh thái trái phép mang tên “Cánh Buồm Xanh” của ông Thành từng bị lập biên bản bởi hành vi xây dựng 1 nhà lục giác, nhà sàn, 18 ki ốt, nhà ở cho nhân viên, 1 nhà gỗ tre, 4 nhà chòi xung quanh phục vụ kinh doanh ăn uống, 1 nhà tập luyện thể thao.
Đến nay ông Thành còn ngang nhiên cho làm thêm cả sân bóng, xây thêm cả nhà nghỉ 2 tầng trên đất nông nghiệp mà không hề bị xử lý. Tất nhiên, hành vi vi phạm của ông Thành có thể “qua mắt” được UBND xã Ninh Hiệp, UBND huyện Gia lâm nhưng không thể che mắt được nhân dân xã Ninh Hiệp.
Dư luận lập tức lên án và đặt câu hỏi vì sao UBND huyện Gia Lâm không nghiêm túc thực hiện kết luận 89, xử lý cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép, di rời trụ sở Cty Cánh Buồm Xanh ra khỏi khu đất nông nghiệp?
Đến lúc này, UBND huyện Gia lâm mới vội vàng tiến hành kiểm tra việc khắc phục, tiến hành lập biên bản hành chính và yêu cầu gia đình ông Thành phá bỏ các công trình vi phạm.
Ngày 10/7/2015, UBND huyện Gia Lâm có văn bản chỉ đạo dừng kí hợp đồng chu kì tiếp theo với ông Thành nhưng vẫn để hướng mở sẽ chuyển sang kí hợp đồng 1 năm để ông Thành khắc phục sai phạm.
Để tỏ ra cứng rắn, UBND huyện Gia Lâm cũng buộc ông Thành phải tháo bỏ các công trình vi phạm trước ngày 15/8/2015 gồm: "Nhà lục giác và các lều lán xung quanh ao thả cá; chấm dứt các hoạt động dịch vụ không đúng với nội dung phương án như: Kinh doanh dụng cụ thể dục thể thao; hoạt động nhà thi đấu cầu lông, thể hình...”.
Văn bản của UBND huyện Gia Lâm thoạt nhìn có vẻ “nghiêm túc” nhưng thực tế chỉ yêu cầu ông Thành phá bỏ những lều lán dựng bằng tre nứa mà không hề đả động tới việc phá bỏ các công trình kiên cố như: 3 nhà sàn, nhà thể dục thể thao, nhà nghỉ 2 tầng và 18 ki ốt xây dựng trái phép.
Đồ rằng, nếu đợi UBND huyện Gia Lâm làm xong một quy trình xử lý vi phạm nữa thì khu sinh thái Cánh Buồm Xanh của ông Lý Duy Thành sẽ được ghi tên vào kỉ lục Guiness Việt Nam vì có "tốc độ xây dựng trái phép nhanh nhất”. |
Đối với những công trình vi phạm trên, văn bản của huyện Gia Lâm không đề cập trực tiếp dưới dạng “công trình xây dựng trái phép” cần phải phá bỏ mà khéo léo chuyển thành “hoạt động dịch vụ kinh doanh dụng cụ thể dục thể thao” và chỉ yêu cầu chấm dứt hoạt động kinh doanh.
Quanh co, bao biện
Trả lời Báo NNVN về nguyên nhân huyện Gia Lâm để chậm hàng năm trời không xử lý vi phạm tại khu đồng Cánh Buồm Xanh, ông Trần Văn Tường – Phó Bí thư Huyện ủy Gia Lâm cho rằng, Huyện ủy, UBND đã họp rất nhiều lần về việc này tuy nhiên “xử lý không dễ vì từng việc đều phải theo quy trình”.
Riêng đối với trường hợp của đồng chí Lý Duy Thanh - Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lâm biết em trai là Lý Duy Thành vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng đất đai trong suốt thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn, Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm đã nghiêm túc kiểm điểm đối với đồng chí Thanh.
“Đồng chí Thanh đã phải đọc bản kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc trước 10 ủy viên thường vụ Huyện ủy và tất cả mọi người đều đóng góp ý kiến đối với đồng chí Thanh”, ông Tường cho biết.
Tuy ông Tường trả lời báo chí với những câu từ rất mạnh mẽ nhưng thực tế diễn ra lại khác hẳn những điều ông nói.
Thứ nhất, kết luận của UBKT Thành ủy Hà Nội yêu cầu Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm có báo cáo xử lý vụ việc trước ngày 30/6/2014, vậy nhưng sau khi báo chí phản ánh sự “phớt lờ” thực hiện kết luận này thì tới tận ngày 16/7/2015, UBND huyện Gia Lâm mới gửi báo cáo về UBKT Thành ủy. Như vậy cho thấy lãnh đạo huyện Gia lâm chưa nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thành ủy.
Thứ hai, không hiểu huyện Gia Lâm họp bao nhiêu lần, thực hiện quy trình xử lý vi phạm như thế nào và ông Lý Duy Thanh đã tự kiểm điểm sâu sắc đến đâu nhưng quy trình xử lý vi phạm của huyện chưa xong, bản kiểm điểm của ông Thanh còn chưa ráo mực thì em trai ông Thanh đã kịp thời mở rộng hoạt động kinh doanh: Làm sân bóng, xây thêm cả dãy nhà nghỉ hai tầng.