| Hotline: 0983.970.780

Phụ huynh lên tiếng: Hướng nghiệp chỉ là bình phong

Thứ Bảy 23/04/2022 , 11:15 (GMT+7)

Trước một tệ nạn nhức nhối và phản giáo dục như vậy, đã có quá ít phụ huynh dám lên tiếng để công khai sự thật...

LTS: Vì thành tích ảo mà ngăn cản học sinh lớp 9 thi lên lớp 10, thực trạng bất công và đau lòng đó đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trước một tệ nạn nhức nhối và phản giáo dục như vậy, đã có quá ít phụ huynh dám lên tiếng để công khai sự thật.

Anh Ngô Đăng Vinh, một phụ huynh có con học lớp 9 năm ngoái tại Hà Nội đã vượt qua rất nhiều những rào cản để dũng cảm chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam câu chuyện của con anh, một câu chuyện khiến chúng ta phải suy nghĩ và hành động mạnh mẽ, thiết thực cho tương lai của thế hệ trẻ.


Xin anh giới thiệu đôi nét về bản thân và sự việc năm ngoái của con trai mình.

Tôi là Ngô Đăng Vinh. Năm ngoái con tôi học lớp 9, trường THCS T.X.T, Hà Nội. Sang kỳ 2 của lớp 9, trong lớp của cháu những em có học bạ kém đều được cô kêu là hãy chuyển qua trung tâm vừa học vừa làm, nhưng tôi không đồng ý, vì tôi muốn dù gì thì cháu vẫn cần phải học lên THPT, nên tôi đã tính đến phương án là nếu cháu không thi được công lập thì sẽ cho cháu đi học trường dân lập.

Bài liên quan

 Trước lúc cháu tốt nghiệp, cô cũng gọi đến gợi ý là nếu cam kết không thi công lập thì cô cho thi lại các môn để được tốt nghiệp cấp 2. Và tôi đồng ý, sau khi đã quyết định cho con đi học dân lập.

Thú thực là lúc ấy tôi cũng đã hiểu rằng việc cô “tạo điều kiện” cho các cháu tốt nghiệp cũng một phần là vì thành tích của các cô và nhà trường nữa; nhưng lại không thể ngờ được rằng tính chất của nó lại nghiêm trọng như vậy - đến nỗi nhiều em đã bị tước quyền thi và học, vốn là một quyền hiến định của các cháu.

Trường tư học phí cao, nhưng gia đình tôi cố gắng thì cũng sẽ thu xếp được cho cháu, nên tôi quyết định làm theo lời đề nghị của cô giáo; nhưng sẽ có rất nhiều gia đình khác mà việc lựa chọn cho con học tư thục là không hề dễ dàng. Chỉ hình dung ra việc nhiều em ở trong diện được “mời làm việc” để định hướng như con nhà tôi nhưng gia đình không đủ điều kiện cho các cháu đi học dân lập rồi phải dang dở con đường học vấn, thấy đau xót và giận dữ.

Khi được cô giáo và nhà trường mời làm việc, anh có phải viết hay ký vào một cam kết nào đó với nội dung không thi vào lớp 10 công lập?

­Có. Mà lá đơn ấy là cô soạn sẵn rồi, mình chỉ đọc và ký thôi. Nội dung chi tiết của nó thì tôi không nhớ chính xác hết được nhưng cơ bản là: Gia đình thấy năng lực của cháu thế nọ thế kia, và khả năng là cháu không thi được vào trường công lập nên gia đình quyết định là cho cháu học dân lập, không tham gia thi vào lớp 10 công lập. Rồi ký xác nhận vào đấy.

Anh đánh giá thế nào về tính hợp lý và hợp pháp của một lá đơn như thế?

­Tôi nghĩ việc học và thi là quyền hiển nhiên của các cháu. Lựa chọn thi hay không thi, vào công lập hay dân lập cũng là quyền tự quyết đương nhiên của phụ huynh và học sinh, nên một lá đơn như thế là thừa, nếu không nói là vi phạm về mặt hành chính. Nhưng “thừa” mà nhà trường lại triển khai thì rất khó để giải thích nếu không viện đến lý do là muốn ngăn chặn một cách chắc chắn việc học sinh sẽ thi vào lớp 10.

Vậy tại sao anh lại quyết định ký vào một lá đơn như thế?

À, lúc đó tôi đã quyết định cho cháu học dân lập. Nhưng muốn vào được dân lập cũng phải được nhà trường công nhận tốt nghiệp đã chứ. Mà nhà trường lại nói rằng nếu cam kết không thi thì sẽ tạo điều kiện cho cháu tốt nghiệp, bằng cách cho làm lại các bài thi và kiểm tra, nên tôi ký. Thực ra, mình có ký hay không thì nhà trường vẫn sẽ cho các cháu tốt nghiệp thôi, bây giờ đi học mà đúp thì khó hơn lên lớp. Vì nó [đúp] cũng là ảnh hưởng đến thành tích mà, nhà trường sẽ không dám cho các cháu đúp đâu. Còn việc ký đơn thì để nhà trường chắc chắn rằng các cháu sẽ không tham gia thi vào lớp 10 công lập, làm ảnh hưởng đến thành tích chung mà thôi.

Hiện nay, trước thông tin nhiều nhà trường ép không cho học sinh thi vào lớp 10 để tạo ra thành tích ảo, các nhà trường ấy giải thích rằng đó là hướng nghiệp, chứ không phải ép. Với tư cách là phụ huynh, anh có suy nghĩ thế nào về cách giải thích ấy?

Tôi nghĩ, cái gọi là hướng nghiệp ấy chỉ là bình phong, nhằm che chắn cho động cơ thật sự phía sau của các nhà trường, đó là thành tích. Vì hướng nghiệp thì không phải chỉ có “hướng” cho mỗi học sinh được cho là học yếu, học sinh nào cũng cần hướng nghiệp, và hướng nghiệp công khai chứ không phải chỉ gọi riêng phụ huynh của một số em tới để ra điều kiện như thế (dù trước đó trong cuộc họp phụ huynh thì giáo viên cũng đã nói tới, nhưng chi tiết thì làm việc riêng với từng phụ huynh); và hướng nghiệp lại càng không bao giờ là việc phải ký vào một lá đơn cam kết không thi vào lớp 10 như thế cả. Ở đây, tôi nghĩ, vì để bao biện cho việc làm sai trái của mình, người ta đang làm méo mó hai chữ “hướng nghiệp” vốn rất tích cực và đúng đắn.

Anh đánh giá thế nào về việc ép học sinh không thi vào lớp 10 mà dư luận đang đặc biệt quan tâm này?

Tôi ngày xưa là 12 năm “học sinh cá biệt”, học lực trung bình, hạnh kiểm “xấu” nhưng thi cấp 3 vẫn vào được trường tốt nhất (theo đánh giá của người lớn khi đó), thi đại học vẫn “nhất Y”. Nếu ngày đó mà có kiểu “định hướng” sai trái như thế này thì không biết bây giờ tôi đã thành cái gì mất rồi! Biết đâu, nhiều đứa trong số những đứa trẻ bị ép học trường nghề hay phải nghỉ học giữa chừng cũng là vừa đã bị tước luôn mất cơ hội, phải từ bỏ ước mơ, sinh ra ức chế, trầm cảm… rồi hỏng cả cuộc đời, chỉ vì “thành tích” của nhà trường và các cấp quản lý.

Học tập là quyền hiến định đã đành; còn xét về giáo dục thì con người có những gia đoạn phát triển khác nhau, không ai giống ai, có người học cấp 2 thì giỏi nhưng lên cấp 3 thì yếu dần đi, lại có những người lên cấp ba mới giỏi, rồi có người vào đại học mới phát tiết, thậm chí về già mới “nổi đình nổi đám”. Việc dán cho một cái nhãn là “dốt”, là “yếu”, là “không có năng lực” ngay từ khi các em còn học lớp 9 là việc rất phản giáo dục và không chấp nhận được. Nó thể hiện sự thiếu hiểu biết về con người. Mà đối với những người làm giáo dục thì sự thiếu hiểu biết ấy là không thể chấp nhận được.

Xin chân thành cảm ơn anh.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.