Trăm dâu đổ đầu … phụ huynh
Một số phụ huynh có con đang theo học tại trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn phản ánh, năm học 2021 – 2022 con em họ phải đóng góp từ 20 – 23 khoản phí, quỹ ... Một số khoản đóng góp “cứng” bắt buộc theo quy định nhưng cũng có rất nhiều khoản quỹ hết sức vô lý. Ban Giám hiệu Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn gọi những khoản đóng góp ấy là tiền thu được từ vận động, tự nguyện, xã hội hóa và không mở tài khoản, sổ sách theo dõi, giám sát thu chi.
Ông T.V.T, một phụ huynh có con đang học lớp 1 tại Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn cho biết, dù được miễn tiền học phí nhưng các khoản khác phải nộp cũng lên đến gần 4 triệu đồng. Ông T. cho rằng, trong điều kiện địa phương chưa đủ tiềm lực để đầu tư, xã hội hóa xây dựng cơ sở vật chất trường học là cần thiết. Tuy nhiên, điều khiến ông bức xúc là xã hội hóa giáo dục đã bị “biến tướng”. Tiền xã hội hóa, vận động, tự nguyện trở thành những khoản tiền không thể không đóng.
“Ngoài các khoản thu bắt buộc theo quy định, nhà trường đặt ra rất nhiều khoản thu khác rất vô lý nhưng không đưa ra tại các cuộc họp phụ huynh để xin ý kiến. Thực chất là các giáo viên chủ nhiệm đọc các khoản thu, phụ huynh hoặc học sinh ghi vào giấy rồi cứ thế biết để nộp, không ai dám phản ứng gì dù họ đều rất bức xúc” – ông T. khẳng định.
Theo tìm hiểu của PV NNVN, phụ huynh có con em theo học tại trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn đã phải nộp các khoản thu bắt buộc như: Quỹ cha mẹ học sinh (50.000 đồng), quỹ vệ sinh môi trường (50.000 đồng), nước uống (50.000 đồng), số liên lạc điện tử (80.000 đồng), giấy kiểm tra (30 – 40.000 đồng), tiền gửi xe (120.000 đồng), quỹ đội (25.000 đồng), quỹ nhân đạo (10.000 đồng), bảo hiểm y tế (563.000 đồng), tăm tre, vòng tay nhân ái, quỹ biên giới ...
Các khoản thu dưới danh nghĩa “vận động”, “tự nguyện” gồm: Quỹ khuyến học (100.000 đồng), xã hội hóa giáo dục (200.000 đồng), quỹ lớp (300.000 đồng), mua máy chiếu và tivi (150.000 đồng), tiền quét dọn (100.000 đồng), tiền phô tô đề thi, tiền ghế đá, tiền học tăng cường (1,2 triệu đồng), tiền học sinh xã ngoài (từ 700 nghìn đồng - 1 triệu đồng) ...
Bà Mai Thị Mai – Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn xác nhận, năm học 2021 – 2022, tổng số khoản thu bắt buộc và vận động tự nguyện của trường là 23 khoản, nếu cộng gộp một số khoản thu nhỏ cũng tới 20 khoản.
Theo bà Mai, các khoản thu bắt buộc đã được trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Nga Sơn phê duyệt. Các khoản đóng góp “vận động”, “tự nguyện” đã được hội nghị ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường thông qua từ đầu năm học.
Tuy nhiên, căn cứ vào các biên bản họp phụ huynh đầu năm, một số khoản thu dù không được thông qua nhưng nhà trường vẫn tổ chức thu. Một số một số khoản thu không được phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn phê duyệt nhà trường vẫn thu. Thậm chí, Phòng GD&ĐT phê duyệt một đằng, nhà trường thu… một nẻo.
Theo kế hoạch thu chi ngoài ngân sách năm học 2021 – 2022 của trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn được trưởng phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn phê duyệt thì tiền quét dọn vệ sinh (vệ sinh môi trường) là 50.000 đồng, nhưng nhà trường đã thu tới 150.000 đồng (100.000 đồng quét sân trường, 50.000 đồng quét lớp học).
Nhà trường lạm thu và “cắt phế” tiền học thêm
Cũng theo bà Mai, việc dạy thêm (học tăng cường buổi 2) không được phòng GD&ĐT phê duyệt mà do nhà trường thống nhất với phụ huynh và tự đặt ra mức thu 1,2 triệu đồng/học sinh/năm. Quan điểm thu là để đủ bù chi, trả tiền cho các thầy cô giáo dạy thêm.
Về dạy và học thêm, bà Mai lý giải, các khối 1,2 theo quy định sẽ được bố trí dạy học 2 buổi/ngày/tuần. Các khối 3,4,5 không bắt buộc bố trí học 2 buổi/ngày tất cả các ngày trong tuần nếu không đủ giáo viên. Vì vậy phụ huynh có nhu cầu “gửi con” nhờ nhà trường dạy và trông hộ nên đều thống nhất nộp khoản tiền 1,2 triệu đồng/em/năm học.
Điều đáng nói, số tiền này hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn chia đều đầu học sinh và thu tất cả các học sinh từ khối 1 đến khối 5.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV NNVN, tất cả các biên bản họp đại diện hội cha mẹ học sinh trường tiểu học thị trấn Nga Sơn đầu năm học 2021 – 2022 không thể hiện nội dung thu này. Rất nhiều khoản quỹ “vận động”, “tự nguyện” như: Quỹ khuyến học, xã hội hóa giáo dục, mua máy chiếu và tivi, thu tiền học sinh xã ngoài … cũng không thể hiện trong biên bản họp đại diện phụ huynh của toàn trường đầu năm học.
Bà Bùi Thị Hằng - Phó hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn lại cho biết, nhà trường không trực tiếp thu chi tiền học thêm mà giao cho giáo viên chủ nhiệm. Ban giám hiệu nhà trường được các giáo viên “trích” lại 25% trên tổng số tiền thu được. Số tiền này chia cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và những người làm công tác hành chính, văn thư, còn lại được chi cho liên hoan, du lịch …
VTrường Tiểu học thị trấn Nga Sơn có 812 học sinh, dự kiến năm học này trường thu được 974 triệu đồng tiền học thêm buổi 2. Theo xác nhận của BGH nhà trường, khoản tiền thu này không được mở sổ sách kế toán để theo dõi việc thu chi.
Năm học 2021 – 2022, trường tiểu học thị trấn Nga Sơn còn vận động thu 700.000 – 1 triệu đồng/học sinh từ địa phương khác (ngoài địa bàn thị trấn) theo học để mua bàn ghế do không được UBND thị trấn Nga Sơn đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Sơn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nga Sơn rất bất ngờ về các khoản thu, tổng số tiền thu tại trường tiểu học thị trấn Nga Sơn: “Tôi rất bất ngờ khi nghe thông tin này”.
Theo ông Sơn, ngoài các khoản thu bắt buộc hoặc vận động do phòng GD&ĐT huyện phê duyệt, nhà trường muốn “vận động xã hội hóa” thì phải triển khai xây dựng kế hoạch, tổ chức họp bàn thống nhất với ban đại diện cho mẹ học sinh của trường từ đầu năm và phải thể hiện bằng biên bản. Nếu vận động thu tự nguyện nhưng không họp bàn và thể hiện bằng biên bản là sai quy trình. Việc nhà trường tổ chức học thêm, học tăng cường có thu tiền là trái quy định.
“Phòng sẽ báo cáo và tham mưu cho chủ tịch UBND huyện thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận để có hướng xử lý” – Ông Sơn cho biết thê
Bà Mai Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn thông tin thêm, năm học 2020 – 2021 khi bà đang làm hiệu trưởng trường Tiểu học Nga Thanh (Nga Sơn) thì tại trường này cũng triển khai các khoản thu “tự nguyện”, “vận động” như đang thực hiện tại trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn. Hiện tại, ngoài trường tiểu học thị trấn Nga Sơn, nhiều trường tiểu học trên địa bàn huyện Nga Sơn có số lượng các khoản thu và mức thu cao hơn trường bà(?). Vì vậy, việc trường Tiểu học thị trấn Nga Sơn thu các khoản thu trên là “không có gì nghiêm trọng.