| Hotline: 0983.970.780

Phú Thọ ưu ái DN Thái Sơn 'móc ruột' sông Lô khiến dân mất đất sản xuất?

Thứ Hai 27/08/2018 , 08:15 (GMT+7)

Suốt từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân các xã Tử Đà, Bình Bộ (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) liên tục gửi đơn thư cầu cứu vì tình trạng mất đất sản xuất từ vấn nạn khai thác cát bất chấp pháp luật của Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P.

Điều đáng nói, UBND tỉnh Phú Thọ lại có nhiều động thái ủng hộ doanh nghiệp đầy tai tiếng, bất chấp phản đối của người dân.

Dọc bờ sông Lô, đoạn qua các xã Tử Đà, Bình Bộ huyện Phù Ninh có chiều dài khoảng 5 km. Từ lâu, nơi đây đã trở thành đại công trường khai thác cát khi UBND tỉnh Phú Thọ liên tục cấp phép cho các doanh nghiệp, đặc biệt là Công ty Thái Sơn Bộ Q.P móc ruột dòng sông.

Hậu quả do Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P gây ra ở xã Tử Đà

Cụ thể, từ năm 2013 Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát trên sông Lô thuộc địa bàn xã Tử Đà. Thực tế chứng minh, trong quá trình hoạt động khai thác cát của Công ty Thái Sơn, không những tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn các xã ven sông trở nên rất phức tạp, mà còn gây sạt lở một diện tích rất lớn đất nông nghiệp của người dân. 

Theo thống kê, cả xã Tử Đà có khoảng 1.200 hộ dân, nhưng trong đó có tới 90% số hộ có diện tích bị sạt lở do tình trạng khai thác cát gây ra.

Hàng loạt những diện tích đất nông nghiệp, những bờ bãi, những đê kè và cả trạm bơm phục vụ tưới tiêu sản xuất bị sạt lở. Tự bao đời, Tử Đà là xã thuần nông với những bãi bồi uốn lượn, trải dài dọc theo bờ tả sông Lô. Nhưng nhiều năm trở lại đây, những người nông dân chất phác xứ này ngày ngày đau đớn nhìn dòng sông nuốt dần đất sản xuất nông nghiệp – thứ được ví như nồi cơm của họ.

Đi dọc các bãi bờ sông Lô, hàng loạt cánh đồng bị sạt lở tạo thành những taluy lởm chởm, những vở sông bị khoét hàm ếch cao 5-7m còn rất mới. Chưa hết, những vết nứt chạy dài hàng chục mét chi chít ở các bãi ngô không biết sẽ ập xuống sông bất cứ lúc nào…

Trong lá đơn đề nghị mới nhất gửi đến Báo NNVN, Ban Công tác mặt trận khu 7 xã Tử Đà, thay mặt người dân địa phương phản ánh: Nhân dân khu 7 có diện tích đất trồng ngô nằm dọc bờ sông Lô từ năm 1990 đến nay. Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã kết hợp với một số cát tặc khai thác , nạo vét vào tận chân ruộng ngô gây sạt lở, mất một diện tích lớn.Đơn cũng nêu: Trong quá trình khai thác, Công ty  Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn đã không tuân thủ quy định của pháp luật.

“Tàu khai thác của Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn đã tiến sâu vào bờ khai thác cát, hậu quả là bờ sông bị sạt lở, tạo thành những vách dựng đứng cao 4-5m. Hàng ngàn m3 đất nông nghiệp trồng ngô của người dân đã bị cuốn trôi. Chúng tôi phải chặt những cây ngô sắp cho bắp để làm thức ăn cho trâu, bò. Bởi nếu không chặt thì cũng bị cuốn trôi theo dòng nước. Trạm bơm thủy lợi cung cấp nước cho cánh đồng lúa của xã Tử Đà, gần vị trí mỏ khai thác, cũng đang đứng trước nguy cơ bị đổ sập”, người dân khu 7 xã Tử Đà bức xúc.

Không chỉ riêng khu 7, khu 3,4, khu 8,9, người dân mất đất liên tục có đơn cầu cứu nhưng các cơ quan chức năng ở Phú Thọ vẫn tỏ ra thờ ơ.

Đơn cầu cứu của người dân xã Tử Đà

Từ năm 2017, tình hình người dân bức xúc nhiều quá,  UBND xã Tử Đà đã lập đoàn kiểm tra phát hiện 3 tàu phao có gắn phễu sàng cát tại khu vực soi Âm Sa làm 2 vị trí bị sạt lở đất nông nghiệp xuống sông Lô.

Vị trí 1 đất sản xuất nông nghiệp thuộc diện tích đất khu 8 bị sạt lở xuống sông với chiều dài 128 mét, chiều rộng từ 3 mét làm mất trên 384m2 đất nông nghiệp đang trồng hoa màu của người dân. Vị trí 2 thuộc đất sản xuất nông nghiệp tại khu 9 bị sạt xuống sông với chiều dài 10 mét, chiều rộng bình quân 5,5 mét làm mất 55m2 đất nông nghiệp.

Người dân tố cáo tàu hút cát gây sạt lở đất sản xuất

Xã Tử Đà đã yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn bồi thường thỏa đáng phần diện tích đất nông nghiệp của các hộ bị sạt lở do hành vi khai thác cát sỏi gây ra; yêu cầu công ty có trách nhiệm cắm mốc giới, phao tiêu chỉ giới vị trí khai thác, tuân thủ thời gian khai thác đúng biên bản cam kết với các cấp có thẩm quyền, đồng thời, xã đã xin ý kiến chỉ đạo của huyện, thông báo tới Công an huyện Phù Ninh về tình trạng khai thác cát làm mất đất sản xuất nông nghiệp của dân. UBND xã Tử Đà cũng báo động, trạm bơm tại khu 9 xã Tử Đà phục vụ tưới tiêu cho hàng trăm hécta đất sản xuất nông nghiệp của huyện Phù Ninh đang có nguy cơ bị cuốn trôi bất cứ lúc nào…

“Trước phản ánh của người dân khu 8, khu 9 có đất nông nghiệp đang canh tác, sản xuất tại khu 3, khu 4 bị Công ty Thái Sơn khai thác cát gây sạt lở, ngày 10/2/2017 xã Tử Đà thành lập Đoàn kiểm tra xuống hiện trường và phát hiện 3 phao cẩu. Trước tình hình trên, UBND xã Tử Đà đã có báo cáo lên UBND huyện Phù Ninh để có biện pháp chỉ đạo, quản lý và bảo vệ phần diện tích đất canh tác của nhân dân”, báo cáo nêu.

Ngoài việc mất đất sản xuất, từ ngày UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn khai thác cát, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Tử Đà hết sức phức tạp. Đầu tháng 12/2016, tại khu vực khai thác cát thuộc khu 8, 9 xã Tử Đà, người dân đã phát hiện 4 quả mìn tự chế, với 7 kíp nổ được cài đặt tại khu vực gây sạt lở. Rất nhiều lần người dân tự đấu tranh với tàu thuyền khai thác nhưng họ bị dọa giết, dọa đánh đập.

Trong những lá đơn cầu cứu gửi cơ quan chức năng, những người dân mất đất yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ không tiếp tục cấp phép cho Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P nhưng trớ trêu thay, mặc cho bức xúc của nhân dân, các ngành chức năng Phú Thọ vẫn tiếp tục “tạo điều kiện” cho doanh nghiệp này khai thác.

Theo tìm hiểu của NNVN, ngày 16/10/2017, ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ký giấy phép khai thác khoáng sản cho phép Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P tiếp tục khai thác cát sông Lô. Giấy phép ghi rõ căn cứ vào đơn và hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp, trong khi bức xúc của hàng trăm hộ dân mất đất gần như không được đếm xỉa.

Đe dọa trạm bơm xã Tử Đà

Với “lá bùa” của UBND tỉnh Phú Thọ, chắc chắn người dân xã Tử Đà sẽ phải tiếp tục chấp nhận thảm kịch mất đất sản xuất và cuộc sống bị đảo lộn bởi nguy cơ sạt lở thường xuyên đe dọa.

Ông Hà Kế Tài – Chủ tịch UBND xã Tử Đà cho biết: Hiện tượng sạt lở do Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P khai thác cát gây ra khiến người dân bức xúc. UBND xã cũng đã có báo cáo gửi cấp trên và họ đang tạm dừng để hoàn thiện thủ tục.

Để ngăn chặn tình trạng khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sỏi trái phép trên các tuyến sông chạy qua địa bàn, thời gian qua, Phú Thọ đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành nhằm phát hiện, xử lý vi phạm; lập các tổ chốt an ninh trực 24/24 giờ tại các xã là điểm nóng về tình trạng khai thác cát sỏi để theo dõi, giám sát các hoạt động khai thác cát sỏi. 

Phú Thọ cũng yêu cầu các doanh nghiệp khai thác trong chỉ giới được cấp phép; đăng ký số lượng, chủng loại, biển hiệu các phương tiện tàu, thuyền khai thác cát sỏi của đơn vị và đăng ký hộ khẩu tạm trú, tạm vắng của công nhân vận hành khai thác với UBND các xã có mỏ và cơ quan chức năng liên quan. Đồng thời, tỉnh này cũng yêu cầu các ngành chức năng phối hợp với chính quyền địa phương dọc tuyến sông Lô kịp thời phát hiện hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, hoạt động khai thác cát sỏi khu vực này vẫn diễn ra rầm rộ, bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp phản đối của người dân.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.