3 doanh nghiệp đạt chứng chỉ FSC
Ông Lê Văn Bé, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, thời gian qua công tác bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo nên có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể, năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt hơn 45%, còn cuối năm 2023 trên 47%. Hàng năm, diện tích trồng rừng bình quân khoảng trên 7.000 ha đạt vượt kế hoạch đề ra. Cùng với đó, để phát triển và quản lý rừng bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn triển khai thực hiện đến các chủ rừng, doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh.
Đến nay toàn tỉnh Phú Yên có 14 chủ rừng gồm 5 Ban quản lý rừng phòng hộ; 2 Ban quản lý rừng đặc dụng và 7 công ty, doanh nghiệp đã xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, với tổng diện tích hơn 138.400 ha. Đặc biệt hiện tỉnh có 3 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC) với diện tích hơn 11.500 ha, trong đó Công ty TNHH Bình Nam hơn 5.000 ha; Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI hơn 4.600 ha và Công ty TNHH Một thành viên Bảo Châu Phú Yên gần 2.000 ha.
Ông Trần Đăng Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Bảo Châu Phú Yên cho biết, thời gian qua việc quản lý rừng FSC đã mang lại cho công ty nhiều thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, rừng trồng cho năng suất và chất lượng cao hơn từ 15-20% so với trồng bình thường. Hơn nữa, rừng FSC khi đưa vào chế biến sẽ đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường, góp phần gia tăng giá trị cho công ty.
“Hiện nay chúng tôi có khoảng 5.000 ha rừng. Những năm qua, chúng tôi tập trung nguồn kinh phí cho trồng rừng. Nay phần lớn rừng đã đến tuổi khai thác nên công ty có nguồn nguyên liệu ổn định để chế biến phục vụ cho xuất khẩu. Đặc biệt các nhà máy chế biến gỗ của công ty đã đầu tư bàn bản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản. Vừa qua, chúng tôi đã có 3 chuyến hàng dăm xuất sang thị trường Nhật Bản”, ông Khoa chia sẻ.
Được biết, hiện Công ty TNHH Một thành viên Bảo Châu Phú Yên có 2 nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ phục vụ xuất khẩu tại khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu (thị xã Sông Cầu). Trong đó, nhà máy viên nén có công suất 60.000-70.000 tấn/năm; còn nhà máy dăm có công suất từ 70.000-80.000 tấn/năm, góp phần tạo công ăn việc làm gần 500 lao động.
Tiếp tục nâng giá trị rừng
Theo ông Lê Văn Bé, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, mục tiêu quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng, cũng như thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
“Chúng tôi đang khuyến khích các chủ rừng, doanh nghiệp trồng rừng tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong các khu rừng thực hiện quản lý rừng bền vững, nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhu cầu sản xuất, chế biến sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu. Từ đó, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo đối với người làm nghề rừng, cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Lâm nghiệp”, ông Bé chia sẻ.
Do đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Phú Yên tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thấy được lợi ích từ việc trồng rừng gỗ lớn, tiến tới liên kết các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng trên địa bàn tỉnh để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Từ đó góp phần tăng tỷ lệ diện tích rừng có chứng chỉ, phù hợp với chiến lược phát triển, kế hoạch lâm nghiệp của địa phương.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến này toàn tỉnh có gần 2.900 rừng gỗ lớn. Các đơn vị chủ rừng đang tiếp tục rà soát quỹ đất, có điều kiện phù hợp để phát triển trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị rừng trồng và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.