| Hotline: 0983.970.780

Phục hồi sinh kế chưa thấy, bò vừa trao tay đã chết

Thứ Tư 25/03/2020 , 10:39 (GMT+7)

Trâu, bò dự án cấp cho dân bị phản ánh có dấu hiệu nâng giá, có con được vài ngày đã lăn đùng ra chết. Câu chuyện xảy ra tại huyện Bá Thước (Thanh Hóa).

Bò dự án lăn đùng ra chết

Ngày 21/3, hàng chục hộ dân xã Ái Thượng, huyện Bá Thước được cấp bò Chương trình phục hồi thu nhập thuộc dự án giải phóng mặt bằng QL217 vay vốn ADB lần 2.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau đã có hộ đã phải “bán chạy” bò, có con lăn đùng ra chết. Người dân cho rằng, giá trâu bò được cấp cao hơn giá cả thị trường nhiều lần nhưng không nhận thì mất quyền lợi.

Bò được cấp cho hộ ông Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Văn Đức đã chết sau 4 ngày nhận. Ảnh: Võ Dũng.

Bò được cấp cho hộ ông Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Văn Đức đã chết sau 4 ngày nhận. Ảnh: Võ Dũng.

Ngày 21/3, con bò 20 triệu đồng nhà cung ứng định giá được cấp cho hai anh em ông Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Văn Đức tại xóm Thung Tâm, xã Ái Thượng. Tuy nhiên, chiều 23/3, khi bò đang được chăn dắt thì bỗng nhiên khựng lại, không đi nổi nên phải khiêng về chuồng. Đến sáng 24/3 nó lăn đùng ra chết.

“Khi bò chết, huyện, xã, bên cung ứng về và đem đi chôn. Ông Thuấn, người cung cấp bò đã đưa chúng tôi 1 triệu đồng để chôn bò, bù thêm cho hai gia đình 8 triệu đồng và thống nhất sẽ không được cấp bò nữa. Trước đó, vì thấy bò không đáng giá 20 triệu đồng, gia đình tôi yêu cầu cấp tiền nhưng bên dự án không chịu. Trên đường dắt bò về, lái buôn chỉ trả giá 8 triệu đồng”, ông Đức cho hay.

Theo ghi nhận của PV, bò chết được chôn tại chân đồi, chỉ cách nhà ông Đức chừng 500-600m. Điểm chôn này rất sơ sài, trên bề mặt không được rải vôi bột, không có biển cảnh báo. “Mộ bò” thấp ngang mặt đất.

Hố chôn bò rất sơ sài, không có biển cảnh báo. Ảnh: Võ Dũng.

Hố chôn bò rất sơ sài, không có biển cảnh báo. Ảnh: Võ Dũng.

Còn ông Trương Viết Giang, xóm Thung Tâm lại rơi vào tình cảnh dở khóc, dở cười. Khi lên nhận bò, ông Giang chọn con có thẻ tai số 40, được định giá 14,5 triệu đồng. Vì giá trị bò cao hơn mức hỗ trợ nên ông phải đối ứng 4,5 triệu đồng. Tuy nhiên, trên đường dắt bò về nhà, lái buôn đi theo chỉ trả giá 8 triệu đồng. Đến trưa 24/3, chân bò sưng vù không đi được nên bên cung ứng đã xuống bốc lên xe chở đi.

“Ai cũng bảo giá bò quá cao so với thị trường nhưng nếu không nhận thì mất tiền hỗ trợ nên đành chịu. Về được vài bữa thì bò phát bệnh, bên cung ứng bảo đem về chữa trị và sẽ cấp lại cho tôi”, ông Giang cho biết.

Bò cấp cho gia đình ông Bùi Văn Tiến và Trương Văn Chiên được định giá 18 triệu đồng nhưng, gầy guộc. Ảnh: Võ Dũng.

Bò cấp cho gia đình ông Bùi Văn Tiến và Trương Văn Chiên được định giá 18 triệu đồng nhưng, gầy guộc. Ảnh: Võ Dũng.

Hai gia đình ông Bùi Văn Tiến và Trương Văn Chiên, thôn Thung Tâm cũng rơi vào cảnh oái oăm. Con bò đeo thẻ tai số 3 còi cọc, bước đi xiêu vẹo nhưng vẫn được định giá 18 triệu đồng. Vì hai gia đình được dự án hỗ trợ 20 triệu đồng nên sau khi cân đối, bên cung ứng bò trả lại cho 2 gia đình số tiền 2 triệu đồng. Ông Tiến cho hay, trên đường dắt về có người trả giá giá 6 triệu đồng nhưng ông không bán.

Theo ông Tiến, nếu tính trọng lượng hơi theo cách của cánh thợ buôn thì nó chỉ nặng gần 80 kg nhưng thực tế không như lý thuyết.

Theo ông Tiến, cánh lái buôn đánh giá nó nặng chưa đến 80 kg. Ảnh: Võ Dũng.

Theo ông Tiến, cánh lái buôn đánh giá nó nặng chưa đến 80 kg. Ảnh: Võ Dũng.

“Một mình tôi có thể bế bổng lên thì không thể nặng 80kg được. Ấy thế mà họ định giá những 18 triệu đồng. Chúng tôi được cấp nhưng chỉ biết nhận chứ có phản ứng cũng chẳng được việc gì”, người đàn ông nặng chưa đến 70 kg bế bổng con bò trên 2 tay vừa nói với giọng bức xúc.

Ông Tiến cho biết thêm, trong xã có nhiều hộ bức xúc vì phải “mua” trâu bò với giá cao hơn rất nhiều so với ngoài thị trường. Có hộ như ông Trương Văn Viễn, con bò được định giá 18 triệu đồng nhưng do còi cọc, kén ăn nên đã bán lại với giá 8 triệu đồng.

Trâu bò chưa tiêm đủ vắc xin theo quy định đã đem cấp cho người dân

Theo ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, Dự án nâng cấp, mở rộng QL 217 khiến trên 1,5 nghìn hộ dân trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng. Để tạo sinh kế cho người dân, Ngân hàng ADB cho vay, hỗ trợ số tiền 10 triệu đồng/hộ.

Số tiền này được quy thành hiện vật, có thể là trâu bò, mua sắm vật dụng hoặc hỗ trợ đào tạo nghề. Nếu giá trị hiện vật lớn hơn 10 triệu đồng, các hộ sẽ phải đối ứng. Tổng số tiền được hỗ trợ trên 10 tỷ đồng. Trâu bò dự án phải được thú y huyện chứng nhận về việc kiểm soát dịch bệnh.

Do đời sống khó khăn nên đa phần người dân chọn phương án hai hộ nhận 1 con trâu bò để giảm số tiền đối ứng. Ban giải phóng mặt bằng huyện sau khi thống kê danh sách, nhu cầu hướng dẫn người dân đến gặp trực tiếp “nhà thầu” để trao đổi, mua bán.

Hai tay ông Tiến  có thể bế bổng. Ảnh: Võ Dũng.

Hai tay ông Tiến  có thể bế bổng. Ảnh: Võ Dũng.

Theo danh sách Phòng NN-PTNT huyện Bá Thước cung cấp (không ký và đóng dấu), sau 3 đợt hiện đã có 69 hộ được cấp trâu bò với tổng số tiền dự án chi là 690 triệu, chưa kể tiền “đối ứng” của người dân.

Khi được hỏi về hồ sơ liên quan đến hợp đồng; tiêm phòng vắc xin, ông Nguyễn Văn Tâm, Phó phòng NN&PTNT huyện Bá Thước chỉ cấp được “Giấy chứng nhận tiêm phòng gia súc” do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cấp.

Theo đó, số bò ông Mai Văn Thuấn, một chủ trang trại tại xã Ban Công cấp cho người dân được tiêm 1 liều vắc xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng vào ngày 25/1/2020, không thể hiện số thẻ tai trên giấy chứng nhận tiêm phòng. Khi đem cấp cho người dân, số trâu bò trên chưa được tiêm vắc xin LMLM lần 2, chưa lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá tỷ lệ bảo hộ.

Ông Nguyễn Văn Tâm lý giải: “Số trâu bò này được thu mua trên địa bàn huyện nên trước khi tiêm vắc xin để cấp cho người dân thì đã được tiêm 1 lần vắc xin rồi vì tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bắt buộc đối với trâu bò ở Bá Thước đạt 100%(?)”.

Tuy nhiên, khi PV hỏi căn cứ đâu để khẳng định số trâu bò trên được thu mua trên địa bàn huyện thì ông Tâm cho rằng, đó là thông tin đơn vị cung ứng đưa ra.

Ông Nguyễn Ngọc Đại (ngoài cùng bên trái), Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bá Thước thừa nhận có những thiếu sót trong kiểm dịch đối với trâu bò dự án . Ảnh: Võ Dũng.

Ông Nguyễn Ngọc Đại (ngoài cùng bên trái), Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bá Thước thừa nhận có những thiếu sót trong kiểm dịch đối với trâu bò dự án . Ảnh: Võ Dũng.

Giải thích vì sao bò dự án chết nhưng không lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm, ông Nguyễn Ngọc Đại, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bá Thước cho biết: “Bò chết không rõ nguyên nhân nhưng không phải bị lở mồm long móng. Chúng tôi đã tiêu hủy theo Luật Thú y nhưng không lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm. Tôi là giám đốc, phụ trách mảng BVTV nên không rõ mảng thú y. Cái này thì phải hỏi anh Nguyễn Quang Chiến, Phó Giám đốc phụ trách mảng chăn nuôi thú y", ông Đại phân trần.

Năm 2019, dự án giảm nghèo bền vững (30a và 135) triển khai tại huyện Bá Thước. Thời điểm đó, người dân được thụ hưởng cũng phản ứng vì trâu bò kém chất lượng. Đầu tháng 3/2020, dự án hỗ trợ sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo nâng cấp QL 217 tại huyện Cẩm Thủy cũng được triển khai. Ngay sau đó, người dân cũng bức xúc vì chất lượng trâu bò được cấp không tương xứng với “đồng tiền bát gạo”.

Một cán bộ công tác trong ngành thú y cho biết, kiểm dịch nội tỉnh đã được bãi bỏ nhưng việc cấp trâu bò dự án vẫn phải căn cứ theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ NN&PTNT. Trâu bò dự án vẫn phải tiêm phòng 2 loại vắc xin tụ huyết trùng và LMLM. Các giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ cấp bò dự án bao gồm biên bản tiêm phòng gia súc (có gắn số thẻ tai) và phiếu trả lời kết quả xét nghiệm do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối với trâu bò, ngoài 1 liều vắc xin  tụ huyết trùng thì vắc xin LMLM tiêm lần 1 và nhắc lại sau 21-28 ngày. Kể từ ngày tiêm mũi vắc xin cuối cùng, phải sau 14-21 ngày mới lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá hàm lượng kháng thể. Theo yêu cầu, tỷ lệ bảo hộ (cả LMLM và tụ huyết trùng) phải đạt trên 70% mới cho lưu hành.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.