| Hotline: 0983.970.780

PVcombank Thanh Hóa: Sử dụng con dấu của ngân hàng để lừa khách?

Chủ Nhật 09/07/2023 , 17:02 (GMT+7)

Bà Quyến bất ngờ vì được thông báo nợ quá hạn từ Ngân hàng PVcomBank sau khi khách hàng đã cầm trong tay hợp đồng thanh lý nợ tại ngân hàng này.

Thanh lý hợp đồng nhưng vẫn chưa hết nợ với PVcombank?

Tháng 7/2018, bà Bùi Thị Quyến (thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) vay khoảng 200 triệu đồng tại Phòng giao dịch phường Đông Thọ, Ngân hàng PVcomBank Chi nhánh Thanh Hóa

Do đến hạn thanh toán tiền vay, Hà Duy Phương (cán bộ Phòng giao dịch phường Đông Thọ - Ngân hàng PVcomBank chi nhánh Thanh Hóa) đã trao đổi với bà Quyến và đứng ra lo khoản tiền trả cho ngân hàng.

Sau khi nhận được biên bản thanh lý hợp đồng nợ đối với nhà băng này, bà Quyến đã hoàn lại số tiền 200 triệu đồng cho Hà Duy Phương (khoản tiền chị Quyến nhờ Phương trả nợ thay trước đó). Tuy nhiên, đến ngày 16/4/2020, khách hàng này bỗng dưng nhận được thông báo của ngân hàng với nội dung “thông báo nợ quá hạn” với số tiền hơn 200 triệu đồng (bao gồm cả gốc và lãi).

Tháng 4/2020 bà Quyến nhận được thông báo nợ của ngân hàng PVcomBank. Ảnh: Quốc Toản.

Tháng 4/2020 bà Quyến nhận được thông báo nợ của ngân hàng PVcomBank. Ảnh: Quốc Toản.

Bất ngờ trước thông báo trên, bà Quyến đã đến trực tiếp Phòng giao dịch phường Đông Thọ để đối chất. Tại đây, lãnh đạo Phòng giao dịch cho khách hàng biết, Hà Duy Phương chưa nộp tiền vào tài khoản ngân hàng để trả khoản nợ cho bà Quyến và toàn không biết sự việc trên.

Nghi ngờ lãnh đạo và nhân viên Phòng giao dịch phường Đông Thọ (Ngân hàng PVcomBank chi nhánh Thanh Hóa) có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, bà Quyến đã gửi đơn đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa để làm rõ hành vi có liên quan.

“Từ tháng 5/2019 trở đi, tin nhắn báo nợ lãi hằng tháng trong máy điện thoại của tôi bỗng dưng bị cắt, trong khi nợ tại ngân hàng vẫn còn. Tháng 8/2019, Hà Duy Phương đưa cho tôi biên bản thanh lý hợp đồng nợ có chữ ký và con dấu của lãnh đạo Phòng giao dịch phường Đông Thọ để minh chứng khoản nợ của tôi đã được tất toán.

Tôi nghi ngờ có sự thông đồng giữa lãnh đạo Phòng giao dịch phường Đông Thọ và Hà Duy Phương nhằm chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng của khách hàng. Bởi lẽ, nếu ngân hàng gửi tin nhắn báo lãi đều đặn theo tháng thì ông Phương có đưa hàng trăm biên bản hợp đồng thanh lý nợ, tôi cũng không chuyển trả khoản tiền 200 triệu đồng cho cán bộ này”, bà Quyến cho hay.

Phòng giao dịch phường Đông Thọ, ngân hàng PVcomBank chi nhánh Thanh Hóa, nơi Hà Duy Phương từng làm việc. Ảnh: Quốc Toản.

Phòng giao dịch phường Đông Thọ, ngân hàng PVcomBank chi nhánh Thanh Hóa, nơi Hà Duy Phương từng làm việc. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Quyến cũng cho rằng, Phòng giao dịch PVcomBank phường Đông Thọ phải có trách nhiệm với khoản nợ của bà. Bởi lẽ, tại Biên bản thanh lý hợp đồng với ngân hàng, con dấu mang tên “Phòng giao dịch Đông Thọ, ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam, Chi nhánh Thanh Hóa" là đúng hình dấu của ngân hàng PVcomBank.

“Con dấu đóng trong biên bản thanh lý hợp đồng nợ là con dấu thật, đã được xác nhận qua giám định. Nếu là con dấu giả thì ông Phương phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình, nhưng đây là dấu thật nên ngân hàng phải chịu một phần trách nhiệm. Nếu ngân hàng không xử lý dứt điểm việc này để bảo vệ quyền lợi khách hàng, tôi sẽ khởi kiện nhà băng này tới tòa án”, bà Quyến cho biết. 

Kết quả giám định cho thấy, con dấu của phòng giao dịch Đông Thọ, Ngân hàng PVcomBank chi nhánh Thanh Hóa là đúng hình dấu của ngân hàng này. Ảnh: Quốc Toản.

Kết quả giám định cho thấy, con dấu của phòng giao dịch Đông Thọ, Ngân hàng PVcomBank chi nhánh Thanh Hóa là đúng hình dấu của ngân hàng này. Ảnh: Quốc Toản.

Hiện nay, ngân hàng đã đẩy khoản nợ của bà Quyến thành nợ quá hạn. Không đồng ý với cách xử lý khoản nợ của nhà băng, khách hàng này đề nghị ngân hàng chờ kết luận điều tra hoặc khi bản án của tòa án có hiệu lực thì mới thực hiện trách nhiệm trả nợ (nếu có).

Phóng viên Báo NNVN đã liên hệ với lãnh đạo ngân hàng PVcomBank chi nhánh Thanh Hóa để cung cấp và đề nghị giải đáp thắc mắc của khách hàng liên quan tới hoạt động tín dụng của ngân hàng này, nhưng bị từ chối.

Ngân hàng có trách nhiệm gì với khoản nợ của khách hàng?

Nhận định về vụ việc nêu trên, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật hợp danh Minh Bạch (Hà Nội) cho rằng: "Trong trường hợp này, bị hại trong vụ án chiếm đoạt tài sản tại ngân hàng PVcomBank là bà Quyến. Khách hàng này có quyền yêu cầu tòa án buộc Hà Duy Phương hoàn trả lại số tiền nói trên. Riêng khoản lãi quá hạn sẽ được xác định là 1 loại thiệt hại mà khách hàng và ngân hàng phải chịu do hành vi của Phương gây ra".

Đối tượng Hà Duy Phương (áo đen, đứng giữa) vừa bị bắt để phục vụ điều tra. Ảnh: Công an Thanh Hóa.

Đối tượng Hà Duy Phương (áo đen, đứng giữa) vừa bị bắt để phục vụ điều tra. Ảnh: Công an Thanh Hóa.

Luật sư Trần Tuấn Anh đề nghị làm rõ trách nhiệm của pháp nhân là Ngân hàng PVcomBank trong quản lý con dấu, quản lý nhân sự, để đối tượng Phương có thể dễ dàng sử dụng con dấu của Ngân hàng thực hiện hành vi phạm tội. Từ đó có thể áp dụng các quy phạm pháp luật của Luật Dân sự về người của pháp nhân gây thiệt hại thì pháp nhân cũng phải có trách nhiệm liên đới bồi thường đối với thiệt hại đã gây ra cho khách hàng.

"Ông Phương là người của pháp nhân (Phòng giao dịch phường Đông Thọ, ngân hàng PVcomBank chi nhánh Thanh Hóa). Khi người của pháp nhân gây thiệt hại cho người ngoài thì khách hàng có quyền yêu cầu pháp nhân bồi thường và ngân hàng có quyền yêu cầu ông Phương bồi hoàn lại thiệt hại. Bên cạnh đó cơ quan cảnh sát điều tra cũng cần xem xét đến dấu hiệu đồng phạm trong vụ việc nêu trên", Luật sư Trần Tuấn Anh nhận định.

Biên bản thanh lý hợp đồng nợ có dấu và chữ ký của lãnh đạo phòng giao dịch phường Đông Thọ thể hiện nội dung, bà Quyến đã hoàn trả đầy đủ nợ gốc và lãi và các chi phí liên quan tới khoản vay theo hợp đồng. Toàn bộ hồ sơ gốc đã được bà Quyến chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra. Ảnh: Quốc Toản.

Biên bản thanh lý hợp đồng nợ có dấu và chữ ký của lãnh đạo phòng giao dịch phường Đông Thọ thể hiện nội dung, bà Quyến đã hoàn trả đầy đủ nợ gốc và lãi và các chi phí liên quan tới khoản vay theo hợp đồng. Toàn bộ hồ sơ gốc đã được bà Quyến chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra. Ảnh: Quốc Toản.

Trong một diễn biến có liên quan, hiện nay, Hà Duy Phương đã bị khởi tố về hành vi lập khống, chiếm đoạt tài sản diễn ra tại Ngân hàng PVcomBank.

Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, Hà Duy Phương là cán bộ tín dụng của Ngân hàng PVcomBank, Phòng giao dịch Đông Thọ. Từ năm 2018 đến năm 2019, Hà Duy Phương đã lập khống 46 hồ sơ cho vay tín chấp để chiếm đoạt hơn 8,5 tỷ đồng của chính ngân hàng nơi Phương làm việc rồi bỏ trốn.

Sau một thời gian điều tra, xác minh, củng cố chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ngày 18/3/2020 cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định truy nã đặc biệt đối với Hà Duy Phương. Hiện Hà Duy Phương đã bị bắt để phục vụ công tác điều tra.

Câu hỏi đặt ra là: Một mình Hà Duy Phương có thể thực hiện được các vụ chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn như vậy không? Ngân hàng này có dấu hiệu buông lỏng quản lý về hoạt động tín dụng không? Trách nhiệm của Ngân hàng PVcomBank trước những thiệt hại của khách hàng được xác định như thế nào? 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.