| Hotline: 0983.970.780

Vay tiền không được giải ngân nhưng vẫn trở thành 'con nợ' của PVcomBank

Chủ Nhật 02/07/2023 , 06:14 (GMT+7)

Dù không nhận được tiền giải ngân từ Ngân hàng PVcomBank thế nhưng người dân vẫn biến thành 'con nợ' của nhà băng này.

Ngân hàng PVcomBank Thanh Hóa chưa có phát ngôn chính thức về vụ việc có liên quan tới ông Hà Duy Phương. Ảnh: Duyên Nguyễn.

Ngân hàng PVcomBank Thanh Hóa chưa có phát ngôn chính thức về vụ việc có liên quan tới ông Hà Duy Phương. Ảnh: Duyên Nguyễn.

Bỗng dưng trở thành… con nợ

Chị N.L (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) được xem là khách hàng quen thuộc của Ngân hàng PVcomBank chi nhánh Thanh Hóa. Năm 2018, do cần vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, chị N.L thông qua ông Hà Duy Phương (cán bộ tín dụng) để vay khoản tiền 200 triệu đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian chờ đợi, chị N.L không nhận được khoản vay này như cam kết của cán bộ tín dụng.

“Năm 2018, ông Phương nói Ngân hàng PVcomBank đang có chương trình ưu đãi nên hứa giúp gia đình hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Cán bộ này đề nghị tôi ký tên để hoàn tất thủ tục có liên quan để rút tiền. Không lâu sau đó, ông Phương thông báo lại rằng, do trục trặc nên ngân hàng không thể giải ngân số tiền nói trên”, chị N.L chia sẻ.

Bẵng đi một thời gian, chị N.L làm hồ sơ để vay vốn tại ngân hàng khác thì nhận được thông báo, khách hàng vẫn chưa thanh toán khoản “nợ xấu” nói trên tại Ngân hàng PVcomBank Thanh Hóa nên không thể giải ngân vốn vay.

Không nhận được tiền vay, nhưng bị gán khoản nợ từ trên trời rơi xuống, chị N.L trực tiếp đến ngân hàng PVcomBank Thanh Hóa để đối chất nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía đơn vị có trách nhiệm. Thời điểm này (khoảng năm 2019), ông Phương cũng rời khỏi địa phương và cắt liên lạc.

“Ngân hàng nói rằng, hồ sơ, thủ tục vay vốn có chữ ký của tôi. Bây giờ nhân viên ngân hàng bỏ trốn thì tôi phải chịu khoản nợ đó. Khi nào xử lý xong khoản nợ đó tôi mới được xóa 'nợ xấu'. Nhưng thực tế, tôi không nhận được bất cứ khoản tiền vay nói trên từ Ngân hàng PVcomBank bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.

Tại sao tôi không phải là người trực tiếp nhận tiền, cũng không có bằng chứng ghi lại cảnh nhận tiền tại ngân hàng và ngân hàng cũng không chuyển khoản vay đó vào tài khoản của tôi, nhưng vẫn bắt chúng tôi có trách nhiệm với khoản 'nợ xấu' này? Ông Phương rút số tiền đó cho ai vay là chuyện riêng của họ, tại sao bắt chúng tôi gánh nợ cho người khác?”, chị N.L bức xúc.

Được biết, tổng số tiền lãi và gốc hiện nay đã lên tới hơn 300 triệu đồng do người vay (có thể là một cá nhân khác nhận khoản tiền này) không thanh toán số nợ và lãi vay đúng hạn.

Ngân hàng PVcombank chi nhánh Đông Thọ từng là nơi làm việc của ông Hà Duy Phương.

Ngân hàng PVcombank chi nhánh Đông Thọ từng là nơi làm việc của ông Hà Duy Phương.

Cũng theo chị N.L, sau khi sự việc xảy ra, cơ quan Cảnh sát điều tra đã nhiều lần mời chị đến làm việc để làm rõ các thông tin có liên quan. Tại các buổi làm việc, chị N.L khẳng định, bản thân không hề liên quan gì tới khoản vay hay “nợ xấu” của Ngân hàng PVcomBank Thanh Hóa.

Việc bỗng dưng biến thành con nợ của PVcomBank Thanh Hóa khiến việc kinh doanh của gia đình chị N.L gặp khá nhiều khó khăn.

“Giờ muốn vay cũng không ai cho vì họ bảo chưa thanh toán khoản “nợ xấu” tại Ngân hàng PVcomBank. Việc cho vay và quy trình giải ngân vốn vay thuộc trách nhiệm của ngân hàng chứ không thể đổ lỗi cho chúng tôi. Tại sao Ngân hàng PVcomBank lại để cán bộ rút tiền một cách dễ dàng như vậy trong khi người cần vay thì không nhận được tiền vay, nhưng vẫn bị mang tiếng nợ xấu”, anh M.H (chồng chị N.L) chia sẻ.

Nhân viên làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Lãnh đạo ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới chứ? Tại sao lại bắt người dân phải chịu trách nhiệm về khoản nợ mà chúng tôi không có liên quan gì?

Một mình ông Phương liệu có thể làm được việc đó không (rút tiền - PV). Trong khi ngân hàng thì bảo chúng tôi chờ đợi thêm thời gian nữa để giải quyết vụ việc. Chúng tôi là dân làm ăn, chờ đến chết mới được giải quyết hay sao?”, anh M.H bức xúc.

Đại diện PVcomBank Thanh Hóa vẫn chưa có phát ngôn chính thức từ vụ việc này.

PVcomBank có trách nhiệm gì?

Nhận định về vụ việc này, Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, chị N.L cần đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ các vấn đề cụ thể, gồm: Các văn bản quy định về trình tự thủ tục của ngân hàng trong cho vay và nhận tiền khi giải ngân; các tài liệu liên quan đến việc giải ngân 200 triệu đồng; diễn biến chi tiết và cụ thể trên thực tế của những người đã tham gia giải ngân, nhận tiền vay; việc quản lý tín dụng sau khi giải ngân (việc không trả gốc và lãi nhưng chị N.L vẫn không hay biết).  

"Theo thông tin cung cấp, có thể thấy chị N.L không có trách nhiệm phải trả số tiền gốc, lãi 200 triệu đồng vì ngân hàng chuyển giao quyền sở hữu.

Số tiền thuộc diện 'nợ xấu' hiện nay tại ngân hàng (nợ gốc và lãi) không thuộc nghĩa vụ của chị N.L, nên được giải quyết theo hướng trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự. Chị N.L có thể khởi kiện ngân hàng trong vụ án dân sự (nếu vụ án hình sự không được giải quyết)", Luật sư Trần Đức Phượng chia sẻ.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM.

Luật sư Trần Đức Phượng cho biết thêm: "Việc quản lý nội bộ trong các tổ chức tín dụng đã có các quy định, quy chế và thủ tục rất rõ ràng, cụ thể. Trường hợp của chị N.L, dù ông Hà Duy Phương có đưa chị này ký trước giấy tờ, thậm chí là ký khống (tờ trên giấy trắng) thì Hà Duy Phương cũng không thể nhận được tiền khi ngân hàng giải ngân. Bởi lẽ, việc giải ngân phải được chị N.L ký giấy nhận tiền mặt, hoặc ký giấy nhận nợ..)".

Xác định rõ hành vi phạm tội

Theo tài liệu của Cơ quan điều tra, Hà Duy Phương là cán bộ tín dụng của Ngân hàng PVcomBank chi nhánh Đông Thọ. Từ năm 2018 đến năm 2019, Hà Duy Phương đã lập khống 46 hồ sơ cho vay tín chấp để chiếm đoạt hơn 8,5 tỷ đồng của chính ngân hàng nơi Phương làm việc rồi bỏ trốn.

Sau một thời gian điều tra, xác minh, củng cố chứng cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ngày 18/3/2020 cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định truy nã đặc biệt đối với Hà Duy Phương.

Sau khi có thông tin về một công dân mang CMND tên là Nguyễn Hải Tùng, sinh năm 1989, quê quán ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đang xin tạm trú tại một nhà dân ở thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa có khuôn mặt và hình thể giống Hà Duy Phương, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã cử tổ công tác trực tiếp vào Khánh Hòa để xác minh, phối hợp truy bắt đối tượng.

Đối tượng Hà Duy Phương (áo đen, đứng giữa) vừa bị bắt giữ và di lý về Thanh Hóa. Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp.

Đối tượng Hà Duy Phương (áo đen, đứng giữa) vừa bị bắt giữ và di lý về Thanh Hóa. Ảnh: Công an Thanh Hóa cung cấp.

Tại thành phố Cam Ranh, sau khi xác định chính xác đối tượng mang CMND tên là Nguyễn Hải Tùng chính là Hà Duy Phương, tổ công tác của Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công an thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa bắt gọn đối tượng và di lý về Công an tỉnh Thanh Hóa để phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm.

Tại Công an tỉnh Thanh Hóa, Hà Duy Phương khai nhận: Sau khi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 8,5 tỷ đồng của Ngân hàng PVcomBank chi nhánh Đông Thọ, Phương đã lên mạng xã hội đặt mua một CMND giả mang tên Nguyễn Hải Tùng, sinh năm 1989, quê quán ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng và gắn ảnh chân dung của mình vào để lẩn trốn.

Nhận định về vụ việc này, Luật sư Trần Đức Phượng cho rằng, mấu chốt của vấn đề là, cần làm rõ việc nhân viên ngân hàng có thực hiện đúng quy trình giải ngân vốn vay hay không. Thậm chí có thể điều tra, làm rõ nghi vấn đồng phạm nếu cán bộ cấu kết với Hà Duy Phương để qua mặt cán bộ kiểm soát và cấp trên để thực hiện hành vi lừa đảo. Cũng có thể xem xét trường hợp bộ phận kiểm soát của ngân hàng không phát hiện ra sự giả mạo hồ sơ nên đối tượng có cơ hội thực hiện mục đích. Như vậy, đối tượng có thể dùng các cách thức khác nhau để đạt mục đích nhận tiền rồi chiếm đoạt. 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.