Tuy nhiên, do sự quy hoạch bất hợp lý, thiếu sự tham vấn ý kiến người dân, sau 7 năm, các khu tái định cư (TĐC) này thành nơi trồng cỏ voi nuôi bò. Có những khu TĐC bố trí cho trăm hộ dân nhưng chỉ vài mái nhà có hơi người.
Chẳng biết làm gì để sống
Về Bảo Thắng, không khó tìm ra các điểm TĐC bị bỏ hoang. Một người dân nói vui, các anh đi qua chỗ nào ít nhà dân, có hàng đèn cao áp rỉ sét, cỏ voi mọc um tùm, ấy là khu TĐC. Nghe vừa hài hước nhưng cũng vô cùng chua xót.
Khu TĐC An Hồng rộng lớn, điện, đường hiện đại nhưng vắng hơn chùa bà Đanh |
Điểm chúng tôi tìm về đầu tiên là xã Sơn Hà, nơi nằm ven con sông Hồng, có cao tốc cắt ngang địa bàn. Sơn Hà có khu hai TĐC đó nằm ở thôn An Hồng và An Thắng với tổng diện tích 3,4 ha được đầu tư xây dựng từ năm 2010. Trong đó, khu TĐC thôn An Hồng được đâu tư với quy mô gần 1 ha cho 35 hộ dân về ở. Khu còn lại dành chung cho 76 hộ dân thuộc hai thôn An Thắng và An Trà.
Chúng tôi vẫn tưởng đến nhầm chỗ, trong khi vị cán bộ địa chính xã Sơn Hà chỉ tay quả quyết: “Giới thiệu với các anh, đây là khu TĐC An Hồng”. Nhìn quanh một vòng, chúng tôi chỉ thấy hai ngôi nhà cấp bốn nằm len lỏi giữa những bãi cỏ voi cao quá đầu người.
“Đã 7 năm, nhưng đến thời điểm này cả khu TĐC mới có 7 hộ về ở. Trong đó 5 hộ thuộc diện TĐC tại chỗ, 2 hộ chuyển từ nơi khác về mua đất ở. Diện tích còn lại chủ yếu là trồng rau, cỏ voi, mía...”, cán bộ địa chính xã Sơn Hà thủng thẳng.
Nhưng lô đất thành những rừng cỏ voi xanh tốt |
Hai ngôi nhà, cổng không đóng, bên trong dựng xe máy nhưng chúng tôi gọi khản cổ không có lời đáp. Không gian im lìm như chiếc cột điện cao thế đeo lủng lẳng bên mình hộp công tơ rỉ sét. Cũng theo vị cán bộ địa chính, từ khi được lắp đặt tới giờ, chưa một lần những chiếc cột điện cao áp này sáng đèn. Cũng chẳng biết sau bao năm, bóng còn sáng hay không. Xung quanh khu TĐC, hệ thống đường giao thông, cống ngầm được xây dựng bài bản nhưng chưa kín dấu chân người.
Gia đình bà Vũ Thị Loan, một trong những hộ hiếm hoi đang sinh sống tại khu TĐC cho biết, trước đây, nhà có 4 sào ruộng và gần 5.000 mét vuông đất rừng, mỗi năm gia đình thu về gần 2 tấn lúa và một khoản thu không nhỏ từ rừng.
Sau khi dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai triển khai, toàn bộ diện tích đất gia đình bà Loan bị thu hồi phục vụ cho dự án. Gia đình bà được cấp bù mảnh đất 216 mét vuông tại khu TĐC An Hồng. Về nơi ở mới, đất sản xuất thì không còn, cầm 205 triệu đồng tiền đền bù, bà Loan đi vay mượn thêm, dựng căn nhà hết gần 400 triệu.
Hai hộ dân dựng nhà, ở côi cút giữa rừng cỏ voi |
Bà Loan ngậm ngùi, may mà bà có tí lương hưu gọi là có đồng ra đồng vào chứ cũng chật vật lắm. Chi tiêu chính của cả gia đình bà giờ đây chỉ trông chờ vào tiền công đi làm mộc của chồng - ông Lê Văn Trừ, 61 tuổi. Mỗi ngày công, ông Trừ được chủ xưởng trả lương khoảng 250 nghìn đồng. Nhưng công việc cũng bập bõm, ngày nghỉ ngày làm. Như hôm chúng tôi đến, không có việc, ông Trừ chỉ quanh quẩn ở nhà làm bạn với cái điếu cày.
“Khổ nhất là về đây không có nước sinh hoạt, chúng tôi phải bỏ gần 2 chục triệu đồng để đào giếng mà chỉ hỗ trợ 2 triệu đồng/giếng. Cùng với đó hệ thống cống rãnh chẳng hiểu xây dựng thế nào mà khi chúng tôi về ở tới giờ nước thải sinh hoạt không thể thoát đi được, chúng tôi muốn nuôi con lợn con gà cũng phải đắn đo vì không biết nước thải xả đi đâu”, ông Trừ than phiền.
Ông Hoàng Mạnh Phúc, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, cho biết hiện, cả hai khu TĐC của xã hiện mới có 17 hộ dân về ở, trong khi thiết kế là 111 hộ. Theo ông Phúc, trên 70% người dân trong xã làm nông nghiệp, khi bố trí về các khu TĐC theo quy định mỗi hộ được cấp từ 120 - 300 mét vuông.
Bên cạnh đó, theo quy định những hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất thì được bố trí một suất TĐC, chính vì vậy rất nhiều hộ còn đất sản xuất tại nơi ở cũ nên họ không thiết tha về nơi ở mới.
Tương xứng với đó, trong hộp điện chỉ có 2 chiếc công tơ còn đang quay |
“Nói thật với các anh, bà con có chuyển về ở cũng chẳng biết làm gì để sống, đất thì chật, buôn bán thì đâu phải ai cũng biết bởi bao năm này bà con chỉ biết làm nông nghiệp thôi. Một số hộ về ở tận dụng mặt bằng để trồng cỏ voi chăn nuôi, trồng cây mía hay rau để ăn vậy thôi chứ cũng chẳng dám làm gì hơn bởi đâu phải đất của mình. Cũng vì không có người về ở nên hệ thống đền điện chiếu sáng từ khi được lắp đặt đến giờ cũng chưa bao giờ bật cả, chẳng biết giờ còn hoạt động được không”, ông Phúc chia sẻ.
Huyện không nắm được quy hoạch?
Chia sẻ về những bất cập trên địa bàn, ông Vũ Xuân Nghiêm, Phó phòng Tài nguyên môi trường huyện Bảo Thắng cho biết, để bố trí cho 4.300 hộ bị mất đất bởi dự án, tỉnh Lào Cai đã cho xây dựng 6 khu TĐC chạy dọc từ thị trấn Phố Lu tới xã Gia Phú. Đến thời điểm này, chỉ có khu TĐC khu vực trung tâm của thị trấn Phố Lu và xã Gia Phú là người dân về ở tương đối đông. Còn 4 khu TĐC: An Hồng, An Thắng (xã Sơn Hà), Nam Hải (xã Sơn Hải) và thôn Vàng 1, xã Xuân Giao thì người dân về ở mới chỉ được khoảng 20%.
“Theo Quyết định 68 của UBND tỉnh Lào Cai thì đối với những hộ bị thu hồi trên 30% đất sản xuất thì được bố trí chuyển đổi nghề nghiệp bằng cách bố trí một suất đất dịch vụ hoặc một suất đất TĐC. Như vậy, các hộ không bị thu hồi nhà ở, không phải di chuyển chỗ ở nhưng bị thu hồi trên 30% đất sản xuất thì được giao 1 suất đất TĐC nhưng hầu hết bà con chưa sử dụng đến. Đối với những hộ phải di chuyển thì diện tích đất được giao quá chật họ không biết làm gì để sống nên rất nhiều hộ chuyển nhượng lại để đi mua đất ở những nơi có thể sản xuất chăn nuôi được", ông Nghiêm cho hay.
Công việc bập bõm, ngày nghỉ, ông Trừ chỉ còn biết làm bạn với cái điếu cày |
Cũng theo ông Nghiêm, góc nhìn từ cơ sở, đối với các dự án phải di dân TĐC thì Nhà nước cũng cần bố trí cho phù hợp và tham vấn ý kiến từ người dân. Ví dụ, với những vùng nông thôn không nhất thiết phải xây dựng các khu TĐC tập trung mà có thể hỗ trợ trực tiếp bằng tiền để người dân tự chuyển đổi hoặc bà con có thể chuyển đổi diện tích đất còn lại để tiếp tục canh tác sử dụng và không bố trí TĐC. Còn nếu bố trí TĐC tập trung thì phải bố trí cả đất ở và đất nông nghiệp.
Vậy tại sao, cơ quan chức năng không tham vấn ý kiến của người dân trước khi xây dựng? Đại diện Phòng Tài nguyên môi trường huyện Bảo Thắng cho biết, việc xây dựng 6 khu TĐC này được UBND tỉnh Lào Cai giao trực tiếp cho Sở Giao thông - Vận tải Lào Cai, mà cụ thể là BQL đền bù và GPMB đường cao tốc. Đơn vị chuyên môn cấp huyện cũng không nắm được việc quy hoạch cũng như tổng kinh phí xây dựng của những khu TĐC “thèm” hơi người này!
+ Ngược về thành phố Lào Cai, khu TĐC thôn Nam Hải của xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng cũng vắng vẻ, buồn thiu. Theo thiết kế, khu TĐC Nam Hải có tổng diện tích thiết kế là 13,6ha cho 111 hộ mất đất từ dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đến nay, khu TĐC này cũng mới chỉ có gần 30 hộ về ở. Cả một khu TĐC được đầu tư xây dựng với hệ thông điện, đường hiện đại... cũng được bao phủ bởi màu xanh của lau lách. + “Với diện tích được bố trí nhỏ như vậy, người dân cũng chỉ đủ để làm nhà ở. Sau này, nếu người dân có về đông, tập trung chăn nuôi lợn, gà, xã cũng sẽ ra thông báo cấm. Vì diện tích nhỏ hẹp, chăn nuôi nhiều ắt sinh ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới toàn khu vực dân cư”, ông Hoàng Mạnh Phúc, Chủ tịch UBND xã Sơn Hà khẳng định. |