| Hotline: 0983.970.780

Quy hoạch thủy sản gắn chặt giữa bảo tồn và khai thác

Thứ Sáu 29/10/2021 , 16:22 (GMT+7)

Các địa phương cần thắt chặt quản lý những nghề, ngư cụ đánh bắt hủy diệt, phân bổ hợp lý vùng khai thác và cấm khai thác để khôi phục nguồn lợi thủy sản.

Tại hội thảo “Góp ý dự thảo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đặc biệt lưu ý các địa phương: Muốn phát triển ngành thủy sản bền vững, công tác bảo tồn và khai thác nguồn lợi thủy sản phải được gắn chặt với nhau.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Phúc.

“Bảo tồn bao giờ cũng phải gắn với khai thác, khai thác bao giờ cũng phải đi đôi với bảo tồn, hai yếu tố này đi chệch hướng nhau là sẽ phát sinh vấn đề”, Thứ trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện nay, công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản vẫn chưa đạt được như mong muốn, trong khi ở nhiều địa phương, cường lực khai thác của các đội tàu ở mức quá cao, dẫn tới nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, các địa phương cần xem xét giảm cơ cấu đội tàu, vừa đảm bảo an sinh, vừa đảm bảo hiệu quả, giảm thất thoát sau khai thác, gắn với quốc phòng an ninh.

Bên cạnh đó, để phát triển tốt công tác bảo tồn, các địa phương cần phải thắt chặt việc quản lý những nghề, ngư cụ đánh bắt hủy diệt, có chính sách phân bổ hợp lý vùng khai thác và cấm khai thác để nguồn lợi thủy sản có điều kiện khôi phục.

Về chất lượng các khu bảo tồn biển, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ quan ngại: Hiện, cả nước đã quy hoạch và đưa vào hoạt động mới 12 trong tổng số 16 khu bảo tồn biển. Tuy nhiên, chất lượng các khu bảo tổn vẫn chưa thực sự tốt, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhân sự chưa chuyên sâu…

Trong khi, Việt Nam đã cam kết với thế giới sẽ xây dựng một ngành thủy sản phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. Do đó, vấn đề đặt ra là phải nhanh chóng kiểm đếm, thống kê đánh giá lại diện tích, chất lượng các khu bảo tồn.

Khi xây dựng quy hoạch thủy sản, phải để công tác bảo tồn và khai thác nguồn lợi thủy sản luôn song hành với nhau. Ảnh: TL. 

Khi xây dựng quy hoạch thủy sản, phải để công tác bảo tồn và khai thác nguồn lợi thủy sản luôn song hành với nhau. Ảnh: TL. 

Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý công tác xây dựng quy hoạch cần chú ý đến vấn đề biến đổi khí hậu, hạ tầng thủy sản (kể cả khai thác và nuôi trồng vẫn còn yếu kém) để tính toán, đưa ra quy hoạch khoa học, phù hợp cho cả trên đồng nuôi và ngoài biển.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị tổ tư vấn xây dựng quy hoạch, phát huy tinh thần cầu thị, trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan, các địa phương, các căn cứ pháp lý, thực tiễn… để tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá chính xác để điều chỉnh các nội dung quy hoạch cho phù hợp.

 “Xây dựng quy hoạch là để thực hiện, nên khi đưa vào thực hiện phải mang lại hiệu quả thực sự”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.