| Hotline: 0983.970.780

Quyết giữ thương hiệu cà phê Khe Sanh

Thứ Tư 06/04/2016 , 14:15 (GMT+7)

Chiến lược tái canh hiệu quả cây cà phê Arabica trên địa bàn huyện Hướng Hóa là một trong những nội dung cấp bách của tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được tỉnh Quảng Trị quyết tâm thực hiện để giữ thương hiệu cà phê Khe Sanh có được tầm vóc quốc tế.

08-23-05_huong-ho-2
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói chuyện với người trồng cà phê Khe Sanh

Bắt bệnh cho cà phê

Cách đây 5 năm, cây cà phê Quảng Trị lên đến đỉnh cao, xuất khẩu thu ngoại tệ về cho đất nước. Khi ấy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về thăm người trồng cà phê Khe Sanh, Hướng Hóa, ông nhắn nhủ, Quảng Trị cố gắng giữ lấy thương hiệu cà phê Khe Sanh, một thương hiệu nếu làm tốt sẽ có sức hút rất lớn vì Khe Sanh quá nổi tiếng, cả thế giới đều quan tâm.

Cây cà phê của tỉnh Quảng Trị được trồng tập trung chủ yếu tại huyện Hướng Hóa, tâm điểm bắt đầu từ Khe Sanh với giống chủ lực là cà phê chè Catimor thuộc dòng Arabica, có diện tích hơn 4.600ha, trong đó 4.300ha cà phê cho sản phẩm.

Khi đang trên đỉnh cao, ngành hàng cà phê Quảng Trị đã hội nhập với thị trường quốc tế. Bằng chứng là Cty TNHH Thái Hòa Quảng Trị xây dựng được thương hiệu cà phê Khe Sanh. Các khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch, chế biến đều được thực hiện theo bộ nguyên tắc 4C, cho ra sản phẩm cà phê sạch, chất lượng cao, đạt bộ tiêu chuẩn quốc tế nên đã tham gia vào thị trường tiêu dùng châu Âu.

Các Cty Đại Lộc, Tân Lâm, Thái Hòa đã xuất khẩu hàng chục vạn tấn cà phê nhân sang các nước Đức, Italia, Hà Lan. Sản phẩm cà phê Quảng Trị được đánh giá cao về chất lượng. Thương hiệu cà phê Khe Sanh được bạn hàng quốc tế ưa chuộng bởi hương thơm và vị ngon độc đáo.

Tuy nhiên, khi đang làm ăn tốt thì bắt đầu xuất hiện ý thức dễ dãi trong giới làm cà phê ở huyện Hướng Hóa. Tình trạng sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê không tuân thủ quy trình, chạy theo lợi nhuận trước mắt. Số lượng NM được cấp phép hoạt động tràn lan, chưa tính đến khả năng của nguyên liệu, đã gây ra hiện tượng tranh mua, tranh bán…

Một nguyên nhân khác, cà phê Hướng Hóa phần lớn được trồng lại từ năm 1994 - 1995, hiện có hơn 70% diện tích quá già cỗi. Người nông dân trồng cà phê rất thụ động, họ làm theo truyền thống, không tưới nước, chủ yếu chờ trời mưa.

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật hạn chế, chủ yếu dùng phân hóa học để bón với phương thức bón rải trên đất, không dùng phân hữu cơ, đất trồng cà phê ngày càng thoái hóa, nhiều vườn cây nhanh lão hóa, sinh trưởng và phát triển kém.

Kết quả năng suất, chất lượng, sản lượng và giá bán giảm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người trồng cà phê. Năng suất cà phê nhân bình quân hàng năm đạt 1,7 tấn/ha (thấp hơn trung bình cả nước 1 tấn/ha), sản lượng đạt khoảng 7.000 tấn nhân. Năm 2015, năng suất nhân thấp, chỉ có 1,36 tấn/ha, sản lượng 5.810 tấn.

Phải có giống tốt, chất lượng cao

Trước thực trạng trên, tỉnh Quảng Trị xây dựng chiến lược tái canh hiệu quả cây cà phê Arabica trên địa bàn huyện Hướng Hóa, xem đó là nội dung cấp bách trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Trị.

Mới đây, tại hội thảo tham vấn xây dựng chiến lược tái canh cà phê Arabica cho Hướng Hóa, Sở NN-PTNT đề nghị Cục Trồng trọt và Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên hỗ trợ tỉnh đánh giá hiện trạng sản xuất và tiêu thụ cà phê, đề xuất giải pháp phát triển cà phê bền vững, phù hợp trên địa bàn. Chọn tạo và cung ứng cho tỉnh giống cà phê Arabica thuần chủng. Phối hợp giúp tỉnh Quảng Trị xây dựng Bộ quy trình tái canh cây cà phê phù hợp địa bàn huyện Hướng Hóa.

Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, cho biết, chiến lược tái canh tập trung vào 10 xã trồng cà phê chủ lực trên địa bàn huyện Hướng Hóa, bao gồm: xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh, Tân Liên, Tân Lập, Ba Tầng và Húc.

08-23-05_huong-ho-1
Quảng Trị đang thực hiện chiến lược tái canh cà phê

Phấn đấu giai đoạn từ năm 2015 đến 2020, diện tích tái canh cây cà phê đạt 1.000ha đến 1.500ha, đến năm 2025 tổng diện tích tái canh được 2.500ha. Hàng năm tái canh từ 200ha đến 300ha cây cà phê theo dạng cuốn chiếu, vùng canh tác nào, hộ nông dân nào có diện tích già cỗi nhiều được ưu tiên tái canh trước.

Theo ông Hiền, vấn đề được quan tâm hàng đầu là nguồn giống phải bảo đảm chất lượng khi thực hiện tái canh. Chọn tạo, nhân giống cà phê Arabica thuần chủng được xem là khâu quyết định để đảm bảo tái canh cà phê bền vững cho Hướng Hóa; cần sớm có chính sách hỗ trợ thực hiện tái canh.

Băn khoăn số tiền 120 tỷ đồng

Một vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là tổng kinh phí cần phục vụ tái canh giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến 120 tỷ đồng, tương đương với 1.500ha cà phê được tái canh. Đây là nguồn vốn đầu tư rất lớn đối với các hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn.

Hiện người trồng cà phê và DN ở địa phương này đã nợ gần 300 tỷ đồng của các ngân hàng trên địa bàn để phục vụ cho việc trồng, chế biến, xuất khẩu cà phê. Nông dân âu lo vì các DN ở Hướng Hóa không còn nguồn tiền để thu mua cà phê cho họ. Tính toán sơ bộ nếu muốn mua hết 50 ngàn tấn cà phê của mỗi vụ cần 300 tỷ đồng. Trong lúc các DN đã hết tài sản thế chấp ngân hàng.

Giải quyết vướng mắc trên, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh sẽ kiến nghị với Bộ NN-PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tìm giải pháp phù hợp, sớm chỉ đạo xem xét cho các DN ở Quảng Trị đang nợ tiếp tục được vay vốn đầu tư phát triển, cùng nông dân thực hiện tái canh cà phê. Ngoài ra, tỉnh sẽ sớm có chính sách hỗ trợ cho người trồng cà phê thực hiện tái canh các vườn cà phê già cỗi.

“Cà phê là cây lâu năm nên tái canh lần này phải chọn được những giống tốt, chất lượng cao. Phát triển cà phê phải luôn thích ứng với biến đổi khí hậu, hết sức chú ý đến vấn đề môi trường, nước tưới. Phải tìm ra phương án tưới nước phù hợp và tiết kiệm cho cà phê, không thể làm theo kiểu nhờ trời như bấy lâu nay. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê nhân phục vụ xuất khẩu. Tập trung giữ thương hiệu cho cà phê Khe Sanh và phát triển lên ngang tầm quốc tế”, ông Đồng nói.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất