| Hotline: 0983.970.780

Rừng xanh lưu dấu kiểm lâm: [Bài 6] Đứng lên sau ‘nỗi đau Du Già’

Thứ Năm 06/06/2024 , 07:30 (GMT+7)

Trở lại câu chuyện: Làm thế nào để giữ được rừng, gương mặt của các kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già bỗng trở nên trầm ngâm…

Đứng lên sau “đại án rừng Ngọc Minh”

Không giấu giếm câu chuyện buồn cách nay 3 năm trước: Vụ án phá rừng nghiến cổ thụ ở rừng đặc dụng Du Già xảy ra khiến 5 cán bộ kiểm lâm bị bắt giam, Hạt trưởng Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già Lệnh Thế Tuyển coi đó là bài học lớn và càng củng cố thêm quyết tâm giữ rừng.

Tháng 6/2021, vụ chặt phá trái phép hơn 140 cây nghiến cổ thụ tại rừng đặc dụng Du Già được cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang khởi tố. 5 cán bộ kiểm lâm bị khởi tố cùng tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già đi tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già đi tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Những cán bộ này với chức trách, nhiệm vụ được giao đã không thường xuyên xuống địa bàn để nắm tình hình, kiểm tra diện tích rừng được giao quản lý… để xảy ra tình trạng khai thác rừng trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng: Trên 140 cây gỗ nghiến (nhóm IIA) bị chặt hạ có giá trị trên 7 tỉ đồng. Ngoài ra, hơn 20 đối tượng khai thác rừng trái phép đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Bắc Mê khởi tố.

Trong vụ án này, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Tân bị khởi tố, bắt tạm giam. Vụ phá rừng nghiến Du Già xảy ra tại 2 thôn Lùng Càng và Khâu Lừa (xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê) được coi là vụ phá rừng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay tại Hà Giang. Đó là những cây gỗ quý phải mất hàng trăm năm mới thành những tán rừng.

Những người liên quan tới sai phạm phá rừng, buông lỏng trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, với những cán bộ kiểm lâm ở lại với rừng Du Già, tiếp tục nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng…Đó là một bài học lớn.

Những xóm bản của xã Thượng Tân (huyện Bắc Mê) nằm trong lõi rừng đặc dụng Du Già. Ảnh: Kiên Trung.

Những xóm bản của xã Thượng Tân (huyện Bắc Mê) nằm trong lõi rừng đặc dụng Du Già. Ảnh: Kiên Trung.

Sau vụ việc xảy ra, tháng 10/2021, tỉnh Hà Giang ban hành Đề án và ra Quyết định sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tách Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Du Già khỏi BQL rừng đặc dụng Du Già – chủ rừng để trực thuộc quản lý của Chi cục Kiểm lâm. Sau quyết định này, anh Lệnh Thế Tuyển được điều động từ Hạt Kiểm lâm Phong Quang về phụ trách, giữ vai trò Hạt trưởng.

“Về nhận nhiệm vụ trong bối cảnh ấy, nói thực tôi cảm thấy rất nhiều áp lực bởi bài học 'đại án phá rừng Ngọc Minh' vẫn còn đó. Khi ấy, tâm lý của các kiểm lâm viên của Hạt, nhất là anh em Trạm Kiểm lâm Thượng Tân đều đi xuống. Việc đầu tiên cần làm, đó là làm công tác tư tưởng, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc và vực dậy tinh thần của anh em”, anh Tuyển chia sẻ.

Quyết tâm đi cùng hành động: Lệnh Thế Tuyển bỏ tiền cá nhân và xã hội hóa, kêu gọi đóng góp để có số tiền gần 100 triệu đồng cải tạo lại chiếc “nhà nổi” vốn là một con thuyền cũ để làm chỗ ăn nghỉ các kiểm lâm cắm bản tại thượng nguồn sông Gâm. Đây là tuyến tuần tra chủ lực đường thủy, mượn con sông Gâm chảy qua địa phận xã Thượng Tân ở nơi đầu nguồn. Con sông Gâm đi xuyên qua đại ngàn Du Già “vô tình” trở thành đường tuần tra của những người giữ rừng.

Với hơn 30km đường sông chạy xuyên qua lõi rừng đặc dụng, công tác tuần tra, bảo vệ rừng gặp khó khăn vì đối tượng dễ dàng tẩu tán tang vật bằng cách thả xuống lòng sông. Ảnh: Kiên Trung.

Với hơn 30km đường sông chạy xuyên qua lõi rừng đặc dụng, công tác tuần tra, bảo vệ rừng gặp khó khăn vì đối tượng dễ dàng tẩu tán tang vật bằng cách thả xuống lòng sông. Ảnh: Kiên Trung.

Kể từ đó, những chuyến tuần rừng được lên kế hoạch chi tiết và triển khai trở lại. Câu chuyện buồn rồi cũng đi qua, nhưng quan trọng nhất, nó để lại cho anh em một bài học lớn, đó là luôn tự giác, trách nhiệm hết mình với nhiệm vụ được giao, không buông lỏng quản lý, tuần tra…

Có mặt trên chiếc “nhà nổi” của các cán bộ Trạm Kiểm lâm Thượng Tân, trong đó 3 nhân viên của Hạt, một cán bộ kiểm lâm huyện Bắc Mê tăng cường vào cuối tháng 5, chúng tôi được tận thấy những thiếu thốn về vật chất, tinh thần của những người hằng ngày giữ màu xanh rừng. Các anh đều nhà xa, được giao nhiệm vụ ở nơi thâm sơn cùng cốc, nơi ăn ở là một chiếc thuyền cũ, nếu không được tu sửa lại có lẽ sẽ nhầm tưởng đó là một chiếc chòi canh: Ngày mưa thì dột, ngày nắng ngồi trong thuyền cũng đổ mồ hôi, dù thuyền neo đậu ngay trên sông.

Trong thuyền, một chiếc phản gỗ không có chân đặt tịt trên ván thuyền làm giường nằm; một chiếc bàn nhỏ với mấy chiếc ghế mini như của học sinh mẫu giáo; một chiếc bếp ga – nơi đun nấu hằng ngày kê sát vách thuyền…

Vẻ đẹp hoang sơ của rừng đặc dụng Du Già.

Vẻ đẹp hoang sơ của rừng đặc dụng Du Già.

 
Rừng đặc dụng Du Già bên thượng nguồn sông Gâm. Ảnh: Kiên Trung.

Rừng đặc dụng Du Già bên thượng nguồn sông Gâm. Ảnh: Kiên Trung.

“Các anh xuống dịp này là thuyền đã được cải tạo tươm tất rồi. Anh em cũng đoàn kết sinh hoạt nấu cơm cùng nhau. Trước, mỗi người một niêu, cơm ai người nấy lo. Có đoàn kết nội bộ, có nề nếp, kỷ luật từ trong cuộc sống sinh hoạt thì mới xốc tinh thần lên được”, Hạt trưởng Lệnh Thế Tuyển bộc bạch.

Chúng tôi có dịp được tham gia chuyến tuần rừng trên sông Gâm cùng các anh để trực tiếp ghi nhận cung đường hằng ngày các anh vẫn đi. Anh Bàn Văn Khương – người dân tộc Dao (xã Thượng Tân), một trong những hộ dân nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng đã tình nguyện “hiến” con thuyền hằng ngày vẫn chở khách của gia đình để làm phương tiện tuần tra.

Ở thượng nguồn sông Gâm. Những khúc sông rộng mênh mông, nhìn thật xa những khu dân cư nhỏ xíu như những cây nấm mọc lên sau cơn mưa; những vách đá thẳng đứng; những cánh rừng nghiến già sừng sững trên núi đá. Thuyền đi vào khúc sông hẹp hai bên là hai vách đá. Gió núi từ khe lùa ra mang theo hơi nước lạnh toát. Khung cảnh thực sự kỳ vĩ, nhưng cũng đầy huyền bí...

Làm gì để giữ được rừng?

Đây là một câu hỏi khó, và đầy nhức nhối!

Đán Anh Tú, sinh năm 1984 có thâm niên cắm bản giữ rừng 12 năm liên tục, trong đó phần lớn anh chốt giữ, bảo vệ rừng ở xã Thượng Tân, đồng nghĩa với chiếc nhà nổi bập bềnh trên mặt sông Gâm là ngôi nhà thứ hai của anh.

Một ngôi nhà người Mông nằm trong lõi rừng đặc dụng Du Già. Ảnh: Kiên Trung.

Một ngôi nhà người Mông nằm trong lõi rừng đặc dụng Du Già. Ảnh: Kiên Trung.

Năm 2017, trong một chuyến tuần tra bảo vệ rừng trên sông, đoàn công tác của anh Tú phát hiện một chiếc thuyền máy vận chuyển gỗ khai thác trái phép thuộc nhóm quý hiếm. Khi thấy lực lượng chức năng, những người trên chiếc thuyền kia đã tẩu tán tang vật bằng cách thả xuống sông…

“Mùa thủy điện tích nước, thượng nguồn sông Gâm sâu tới vài chục mét. Dưới lòng sông toàn những hang hốc đá sâu hoắm. Đối tượng tẩu tán tang vật nên rất khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm, vì không có bằng chứng. Qua vụ việc, anh em chúng tôi không dùng biện pháp ngăn chặn đó nữa, thay vào đó là tôi lập phương án mật phục các địa điểm mà các đối tượng tập kết ven rừng, ven sông, từ đó đã xử lý được nhiều vụ việc, khởi tố được nhiều đối tượng”, Tú chia sẻ.

Thượng Tân là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Mê, với tỷ lệ hộ nghèo lên tới 70%. Xã có 5 thôn bản, 440 hộ với khoảng 2.500 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc Dao, Tày, Mông, Kinh cùng sinh sống. Địa giới hành chính của xã nằm giữa lõi rừng đặc dụng Du Già, trong khi đó, đất canh tác nông nghiệp của bà con rất hạn chế.

Người dân đánh bắt thủy sản trên sông Gâm.

Người dân đánh bắt thủy sản trên sông Gâm.

Một nương ngô ngay dưới chân rừng nghiến cổ thụ của rừng đặc dụng.

Một nương ngô ngay dưới chân rừng nghiến cổ thụ của rừng đặc dụng.

Những bè nuôi thủy sản trên sông Gâm bị phụ thuộc vào mực nước sông Gâm, và phụ thuộc vào việc tích - xả nước của Thủy điện Na Hang. Ảnh: Kiên Trung.

Những bè nuôi thủy sản trên sông Gâm bị phụ thuộc vào mực nước sông Gâm, và phụ thuộc vào việc tích - xả nước của Thủy điện Na Hang. Ảnh: Kiên Trung.

“Mọi năm, nước rút sớm thì bà con còn canh tác được một vụ lúa ven bờ sông. Như năm nay nước rút muộn, sẽ không có đất để canh tác. Không có đất canh tác ổn định, theo lối quảng canh, bà con lại lên rừng phát nương làm rẫy nên rất khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại cơ sở”, Tú nói rồi trỏ tay chỉ bến thuyền du lịch ngay sát mép sông, nơi chiếc nhà nổi của Trạm Kiểm lâm Thượng Tân cắm thuyền neo đậu.

Trên bản đồ vệ tinh, khúc sông chúng tôi đang đứng hiển thị như một biển hồ lưng chừng núi, ở độ cao trên 1.000 mét. Cách Thượng Tân hơn 30km, lưu vực phía dưới của sông Gâm là thủy điện Na Hang (Tuyên Quang). Mọi sinh hoạt, sản xuất của những xã vùng thượng nguồn như Thượng Tân đều phụ thuộc vào việc sử dụng nguồn nước của nhà máy thủy điện. Hằng năm, từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch, thủy điện xả nước, dân Thượng Tân mới có đất ven bờ để trồng trọt. Cũng tương ứng như thế, 6 tháng còn lại thủy điện tích nước, các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên lòng sông mới triển khai được. Do đó, dù là trồng trọt hay nuôi trồng, một năm chỉ canh tác được một vụ.

Trở lại câu chuyện: Làm thế nào để giữ được rừng, Lệnh Thế Tuyển, Đán Anh Tú và các kiểm lâm viên của Hạt Kiểm lâm Du Già gương mặt bỗng trở nên trầm ngâm…

Sông Gâm thượng nguồn mùa nước cạn, người dân tranh thủ trồng trọt ở những khu đất ven bờ sông. Khi nước lên, sẽ không có đất để sản xuất. Ảnh: Đán Anh Tú.

Sông Gâm thượng nguồn mùa nước cạn, người dân tranh thủ trồng trọt ở những khu đất ven bờ sông. Khi nước lên, sẽ không có đất để sản xuất. Ảnh: Đán Anh Tú.

Vụ án chưa từng có ở Hà Giang khi 140 cây nghiến cổ thụ hằng trăm năm tuổi bị chặt hạ trái phép vào năm 2021 như đã nói, có 20 đối tượng bị khởi tố. Đó là vụ việc điển hình. Những vụ việc nhỏ lẻ mà lực lượng kiểm lâm đã ngăn chặn được, người vi phạm đều là người dân địa phương, là dân tộc ít người, cuộc sống nghèo khổ, khó khăn, không biết chữ, không nói được tiếng Kinh.

Làm nhà thiếu cái cột thì lên rừng. Làm chuồng trâu, chuồng gà… thiếu cái thanh chắn cửa cũng lên rừng. Đang làm công trình phụ, thiếu gỗ, cũng lên rừng. Theo quy định, mỗi một vụ khởi tố hình sự là trên 1 m3 gỗ quý hiếm và trên 3 m3 đối với gỗ thông thường. Người dân vào rừng chặt một cành nghiến về vào việc, đo đếm chưa đủ khối lượng để khởi tố, chỉ có thể xử lý hành chính, nhắc nhở, vận động, tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết không tái phạm…

Cái khó trong giữ rừng ở Bắc Mê, nó liên quan đến câu chuyện rất đời thường như thế!

“Vì vậy phải đẩy mạnh vận động, tuyên truyền, giao rừng, khoán cho bà con trông coi bảo vệ rừng, trả tiền bảo vệ rừng cho người dân để bà con có tiền mua gạo, mua cái ăn, cái mặc. Bên cạnh đó là tăng cường tuần tra, kiểm tra. Cho nên, các kế hoạch tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng được lên lịch, phân công tới từng tổ cơ động phòng chống cháy rừng, tới từng kiểm lâm viên, tuần tra các tuyến đường quốc lộ 34 đoạn từ xã Minh Ngọc đi xã Du Già; tuyến đường bộ và đường thủy xã Lạc Nông – Thượng Tân; tuyến đường từ xã Tùng Bá về TP. Hà Giang và các tuyến đường liên thôn. Ngoài ra, phải là sự vào cuộc đồng bộ của BQL rừng đặc dụng Du Già, chủ rừng; sự phối hợp của chính quyền địa phương và sự tham gia của người dân”, Hạt trưởng Lệnh Thế Tuyển nói.

Bến đò Thượng Tân mùa nước cạn. Ảnh: Đán Anh Tú.

Bến đò Thượng Tân mùa nước cạn. Ảnh: Đán Anh Tú.

Một tuần, Trạm Kiểm lâm Thượng Tân phải đi tuần 3 lần/tuần, cả trên sông và trên núi với diện tích 7.500ha rừng bổ đều cho 3 cán bộ chốt giữ. Năm 2021, cây cầu treo vào xã được khánh thành, Thượng Tân xóa bỏ được cái thế “xã ốc đảo trên núi”. Huyện, xã cũng có chủ trương phát triển du lịch khám phá trên sông, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, với đặc thù nửa năm sông có nước, nửa năm cạn gần như trơ đáy, thì cả hai chủ trương trên cũng đều không phải là sinh kế bền vững.

Bên mâm cơm trưa đãi khách có nắm rau dớn rừng mà các anh hái được trên đường tuần tra mà chúng tôi vừa được tham gia, Đán Anh Tú thật thà: “Tôi vào Thượng Tân, rồi sang xã Minh Ngọc, rồi lại quay về Thượng Tân khi đứa con lớn mới 4 tuổi, giờ cháu sắp lên lớp 10. Bẵng đi cái mà đã 12 năm  cắm bản, chỉ sợ lâu không về, con nó lại không nhận ra mặt bố!”.

Tôi nhận thấy câu chuyện của Đán Anh Tú không phải là tếu táo. Nó là một áp lực lớn và là câu chuyện chung của những người giữ rừng: Rừng cần họ túc trực 24/24 để bảo vệ; vợ con cũng cần họ gần bên để có trụ cột, và những người dân bản địa sống trong lõi rừng, cũng bức bách bởi áp lực lo nồi cơm nhà mình hằng ngày có thứ để cho vào…

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

HANE trao tặng 1,5 triệu cây xanh cho quân và dân huyện đảo Trường Sa

HANE vừa tổ chức lễ trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và dân huyện đảo Trường Sa 1,5 triệu cây xanh, góp phần 'Xanh hóa Trường Sa' giai đoạn 2024 - 2030.

Chính sách đồng quản lý phát huy hiệu quả trong phòng chống cháy rừng

Hậu Giang Thực hiện chính sách đồng quản lý giúp Hậu Giang hạn chế, kiểm soát được tình trạng người dân ra vào rừng trái phép, nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất