| Hotline: 0983.970.780

Quản lý thuốc BVTV - nhìn từ cơ sở

Sản xuất chè, nửa mừng nửa lo

Thứ Ba 18/03/2014 , 10:30 (GMT+7)

Vì lợi ích trước mắt, không ít người làm chè vẫn chưa đảm bảo nguyên tắc của việc sử dụng thuốc BVTV, cho dù họ có hay không ý thức về tác hại của thuốc.

Khi khảo sát thị trường và việc sử dụng thuốc BVTV trên cây chè tại Thái Nguyên, tín hiệu mừng là phần lớn người SX đã nhận thức được việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV độc hại.

Tuy nhiên, khi nói một đằng làm một nẻo thì giữa nhận thức và hành động là cả một khoảng cách. Chính vì vậy, thực tế của thị trường và việc sử dụng thuốc BVTV tại một số nơi khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

Quy luật cung cầu

Song hành với các loại thuốc trong danh mục cho phép được kinh doanh, những loại thuốc lậu, thuốc cực độc đã bị cấm sử dụng vẫn có ngạch riêng để tồn tại, lưu hành. Xuất phát từ ý tưởng đi tìm những loại thuốc BVTV độc hại đó, PV NNVN trong vai một ông chủ trang trại đã đến một vài cửa hàng, đại lý tại TP Thái Nguyên để tìm mua. Câu trả lời chung mà chúng tôi nhận được là những loại thuốc đó đã bị cấm lâu rồi, không bán nữa.

Tuy nhiên, người bán hàng cũng hướng dẫn mua loại thuốc có công năng tương tự. Nghe qua câu chuyện trên, một nông dân cả quyết: “Các anh lạ thì người ta không bán, chứ anh muốn mua bao nhiêu tôi cũng có thể mua cho anh”.

Lão nông còn đọc vanh vách, thuốc Triozan nay được thay thế bằng Endoso, một lọ thả xuống 1 sào ao thì không một con vật nào dưới nước sống nổi, nếu phun lên một sào ruộng thì giun dưới chín tầng đất cũng ngoi lên chết. Thuốc Ken Tan phun lên chè để diệt nhện đỏ, chẳng những nhện chết mà người phun có khi cũng say thuốc mà nôn mửa thậm chí ngất lịm…

Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến vùng chè Vô Tranh và Tức Tranh. Đây là 2 vùng chè lớn của huyện Phú Lương. Xã Vô Tranh là nơi từng có dư luận về việc người làm chè sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ dẫn đến số người tử vong vì bệnh ung thư tăng đột biến.

Ông Lục Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết, với 4 xóm được cấp chứng nhận làng nghề chè, xã Vô Tranh hiện là địa phương có số làng nghề làm chè nhiều nhất của huyện Phú Lương. Qua đó, nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc BTVTV cũng được cải thiện đáng kể so với trước đây.

Anh PVQ, một người dân xã Vô Tranh đề nghị được giấu tên vì chơi thân với nhiều người của làng nghề chè cho biết, trên thực tế, việc sử dụng thuốc BVTV hiện nay vẫn vô tội vạ. Phun một lần không hết sâu thì phun lần 2, lần thứ 2 chưa đạt thì trộn kết hợp thuốc của 2 lần vào phun tiếp. Nếu vẫn chưa thấy sâu chết thì mua loại cực độc về phun diệt tất cả các loại sâu trong một lần phun.

Anh Q đã liên hệ với bạn là chủ cửa hàng thuốc BVTV tại xã và đề nghị được liệt kê vài loại thuốc cực độc hiện có như Triozan, Monitor, Pezan, Kasai… “Anh lên ngửi thử một bữa xem có chịu nổi không?”, anh Q nói.

16-36-17_img_0013
Thuốc BVTV thu giữ được gửi nhờ bị xì, bục vỏ đang phân hủy

Anh Vũ Văn Nghị, một người dân xã Vô Tranh cho biết, trong một lứa chè kéo dài từ 45 - 50 ngày, có nhiều hộ phun tới 7 lần. Theo anh Nghị, có một nghịch lý rích rắc là chính những hộ phun nhiều mới được coi là thâm canh tốt, làm ra sản phẩm chè ngon.

Điều khó hiểu ấy được giải thích như sau: Nhiều thương lái khi nhá chè (nhai thử chè), lại thích chè được phun thuốc triệt để. Chỉ như vậy, chè mới đậm. Nếu chè không được phun thuốc trừ sâu triệt để thì lá và búp thường phồng rộp, mất đi chất vị của chè.

Lý giải về mâu thuẫn đó, nhiều cán bộ chuyên môn về chè cho rằng, sản phẩm chè được khẳng định về chất lượng ngoài cảm nhận trực quan còn phải qua kiểm nghiệm. Việc đánh giá chè như trên là không chính xác vì mới chỉ là yếu tố trực quan nên không thể kết luận chè ít bị sâu bệnh, thậm chí cũng chưa thể đánh giá hết tác hại của dư lượng thuốc BVTV trong sản phẩm.

Điều đáng lo lắng là dù có hay không ý thức sâu sắc về tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV nhưng vì lợi ích trước mắt, không ít người làm chè vẫn chưa đảm bảo nguyên tắc của việc sử dụng thuốc BVTV.

Anh Trần Văn Điệp ở xóm Đồng Hút, xã Tức Tranh bộc bạch, dù không muốn nhưng vẫn phải phun. Đơn giản vì không phun thì chắc chắn không có chè để hái. Phun ít không được thì phải phun nhiều. Phun các loại thuốc nhẹ không ổn thì phải phun thuốc nặng (độc hại). Cứ ra cửa hàng hỏi họ sẽ bán cho.

Có thể nói, việc sử dụng thuốc BVTV của một số hộ làm chè phụ thuộc khá nhiều vào các chủ cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Thực tế đó phổ biến ở các “vùng lõm” về trình độ thâm canh. Có quá nhiều thuốc, quá nhiều hoạt chất, bản thân các chủ cơ sở kinh doanh còn chưa hiểu biết hết chứ đừng nói đến người nông dân.

Vì vậy, nhiều người chọn mua thuốc bằng cách mượn vỏ chai hay bao bì thuốc BVTV của hàng xóm để đi mua. Thậm chí là mô tả về triệu chứng bệnh trên nương chè để chủ cửa hàng bán cho thuốc gì thì dùng thuốc đó.

Vượt tầm quản lý

Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 850 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Đến nay, cơ quan quản lý Nhà nước không có con số thống kê về số hãng, số công ty kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn. Ông Đào Đức Vinh, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục BVTV Thái Nguyên cho biết, Chi cục hiện chỉ có 4 cán bộ chuyên làm công tác thanh kiểm tra việc chấp hành các điều kiện kinh doanh như giá kệ đựng thuốc, phòng chống cháy nổ, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề…

Là thủ phủ của trà Việt, với gần 19.000 ha, Thái Nguyên đứng thứ hai trong cả nước về diện tích trồng chè, sau tỉnh Lâm Đồng và là tỉnh dẫn đầu về năng suất, chất lượng chè với sản lượng chè búp tươi đạt gần 200.000 tấn/năm.
Người làm chè Thái có trình độ thâm canh và nhận thức tốt về việc sử dụng thuốc BVTV trên cây chè. Tuy nhiên, vẫn còn những người làm chè sử dụng thuốc BVTV trên cây chè không tuân thủ nguyên tắc. Thực tế trên có nguyên nhân từ việc tổ chức quản lý và sự vào cuộc chưa quyết liệt của chính quyền cơ sở.

Chi cục chưa phát hiện được cơ sở nào kinh doanh thuốc ngoài danh mục.Việc thanh kiểm tra gặp nhiều khó khăn vì các chủ cơ sở thông tin cho nhau khi có đoàn kiểm tra nên họ đồng loạt đóng cửa hàng.

Số lượng các cơ sở kinh doanh quá lớn, lại len lỏi đến tận các thôn bản nên không thể kiểm soát hết.

Trong khi đó, việc thu giữ thuốc BVTV vi phạm lại không có nơi bảo quản.

Mới đây, số thuốc thu giữ do Chi cục gửi tại kho của Cty CP BVTV Thái Nguyên đã bị cơ quan quản lý thị trường và Công an tỉnh yêu cầu làm rõ.

Về cơ chế quản lý, hiện có rất nhiều loại thuốc BVTV sai về nhãn mác, cơ quan BVTV đã lập biên bản để xử lý đối với chủ các cơ sở kinh doanh.

Để kiểm soát chặt chẽ vi phạm trên, việc khảo nghiệm, cấp phép đã vượt thẩm quyền của Chi cục BVTV.

Mặt khác, việc phát hiện, lập biên bản và xử lý vi phạm trong sử dụng thuốc BVTV đối với người làm chè là không thể thực hiện.

Mặc dù UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định về việc quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa hề vào cuộc.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm