Đây là đánh giá của đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trong buổi làm việc với Ban Quản lý Dự án (BQL) chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT Cần Thơ ngày 24/5.
Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, nhận thấy máy cấy là thiết bị nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân, BQL Dự án VnSAT Cần Thơ đã nhiều lần kiến nghị đưa thiết bị này vào danh mục thiết bị hỗ trợ của dự án. Qua đó, đến nay toàn thành phố đã hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư 6 máy cấy cho các HTX trên địa bàn.
Bên cạnh kết quả đó, các nội dung triển khai của dự án đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, có nhiều nội dung đạt và vượt so với kế hoạch đề ra như: Số lớp tập huấn chương trình 3 giảm 3 tăng (3G3T) thực hiện 557 lớp với tổng diện tích 31.794 ha (đạt 104%); đào tạo kỹ thuật 1 phải 5 giảm (1P5G) hoàn thành 411 lớp trên tổng diện tích 22.256 ha (đạt 102%).
Từ các lớp tập huấn trên, diện tích áp dụng theo quy trình 3G3T đạt đến 28.138 ha và 1P5G là 17.849 ha, vượt xa so với mục tiêu đề ra. Qua đó, tỷ lệ tăng lợi nhuận của nông dân trên một hecta đạt 33,3% so với nông dân ngoài dự án.
Trong bối cảnh giá phân bón ở mức cao, một trong những mục tiêu chương trình Dự án VnSAT hướng tới là giảm mật độ sạ, giảm lượng phân đạm, thuốc BVTV. Sau nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn cụ thể tại đồng ruộng cho bà con nông dân, BQL Dự án VnSAT Cần Thơ đã ghi nhận được những thay đổi tích cực trong tư duy sản xuất của bà con nông dân.
Phải kể đến như từ năm 2015 – 2022 mật độ sạ đã giảm từ 180 kg/ha xuống còn 100 kg/ha, mặc dù so với khuyến cáo của ngành nông nghiệp mật độ này vẫn còn ở mức cao. Tuy nhiên nông dân đã nhận thức được tác động của việc giảm mật độ sạ hợp lý đối với các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, đặc biệt là đối với nông dân trong vùng dự án. Về tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận trở lên chiếm trên 80%, tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao đến năm 2022 là 96%. 100% diện tích sản xuất lúa đã áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ và thu hoạch.
Trước dự án nông dân trên địa bàn thành phố sử dụng phân đạm với mức cao trung bình 130 kg/ha phân đạm. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng chi phí sản xuất lúa, kéo theo ô nhiễm môi trường. Thế nhưng đến nay thói quen sử dụng phân bón này đã có nhiều thay đổi giảm xuống còn 90 kg/ha. Việc giảm lượng giống gieo sạ đã hạn chế tình trạng phát sinh dịch hại, kéo giảm số lần phun thuốc BVTV từ 3 lần/vụ xuống còn 1 lần/vụ.
Cam kết với Ngân hàng Thế giới, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ cho hay, định hướng thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, cây con giống. Quản lý danh sách, mạng lưới cộng tác viên trong lĩnh vực này để đảm bảo đội ngũ cộng tác viên có trình độ nhất định. Thực hiện việc tư vấn cho nông dân trong sản xuất đúng với quy trình của ngành nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị.
Trong giai đoạn gia hạn dự án đến tháng 6 năm 2022, BQL Dự án VnSAT TP Cần Thơ thực hiện 10 tiểu dự án đầu tư cơ sở hạ tầng công tại 4 quận/huyện với diện tích phục vụ gần 8.256 ha đất nông nghiệp. Thực hiện nâng cấp đê bao kết hợp giao thông nông thôn 39,53 km, 37 cầu giao thông nông thôn
Trước đó, sáng cùng ngày đoàn đã tham dự lễ khánh thành công trình tiểu dự án nâng cấp mặt bờ bao tuyến kênh 8 tháng 3, kết hợp với giao thông nông thôn phục vụ sản xuất lúa tại xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Theo BQL Dự án VnSAT Cần Thơ, đây là một trong những công trình quan trọng góp phần phát triển hệ tầng nông thôn, cải thiện đời sống kinh tế xã hội của người dân trong vùng, đặc biệt là tạo điều kiện bảo vệ sản xuất và kết nối giao thông nội vùng sản xuất lúa gạo của xã Thạnh Lộc.
Về tổng quan, công trình có chiều dài 4.308 m; trên tuyến có 2 cầu kênh 600 và Xẻo Nín với chiều dài mỗi cầu là 23,5 m; mặt đê bao rộng 3m bằng bêtông cốt thép. Đáng phấn khởi nhất, thời gian thi công công trình, hoàn thành và đưa vào sử dụng được đánh giá nhanh trong 255 ngày, đảm bảo khép kín vùng đê bao nguyên liệu lúa gạo của xã, đồng thời tạo giao thông thông thoáng, thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản địa phương.
Dịp này đoàn cũng ghé thăm hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lợi, tại xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh. Qua trao đổi với ban lãnh đạo hợp tác xã (HTX), đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới rất phấn khởi, khi Dự án VnSAT đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập, giảm giá thành sản xuất cho bà con xã viên.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT