| Hotline: 0983.970.780

Sợ hãi người chồng gia trưởng

Thứ Năm 04/03/2021 , 10:24 (GMT+7)

Chồng cháu thuộc loại gia trưởng nặng, gàn, sĩ diện. Cháu ôm con ra đi, khi nó mới 4 tuổi. Anh gầm rú, gào thét, đe nẹt, sỉ vả, đủ cả.

Cô kính mến!

Khi yêu ai cũng ao ước cưới. Ấy là cháu nói yêu đến mức vắng nhau thì bồn chồn bứt rứt. Đủ thời gian để thấy sống với nhau là định mệnh. Dĩ nhiên không như thời bố mẹ cháu thập kỷ 60, giữ giữ gìn gìn cho ngày thành hôn.

Cháu cưới năm 25 tuổi, anh ấy 28. Mấy năm sau mới dám sinh con, vì nhà thuê, bỉm sữa, người trông con, tốn kém không thể tưởng. Dù cha mẹ hai bên không cách trở nhưng chồng cháu chủ trương tự lực. Rồi cũng vượt qua, hai bên cho vay tiền mua căn hộ nhỏ. Đỡ dần.

Chồng cháu thuộc loại gia trưởng nặng, gàn, sĩ diện nên bằng mọi giá đã trả tiền sớm cho bố mẹ cháu. Anh ấy không muốn mang tiếng nhờ vả, càng không muốn chịu ơn. Bố mẹ cháu cũng kỹ tính, tự ái, cho dù có hiểu ra.

Sống với nhau cháu thấy căng thẳng, vì tính chồng quá cứng nhắc, hay đanh giọng, hay gầm lên, hay em phải thế nọ thế kia. Vậy mà khi yêu, cháu nghĩ đó là phẩm chất quyết đoán, nam tính, tháo vát. Ngờ đâu. Cháu hay bị stress, hay chạy về với bố mẹ khóc.

Bắt đầu cảm giác sợ cô ạ. Sợ chồng. Như là không hợp vía. Con gái mới ba tuổi mà nó cũng len lén với bố. Tự dưng tình yêu trong cháu nguội ngắt, không nhóm lên được nữa. Anh ấy nói cháu bị lãnh cảm, rồi ghen, kiểu ghen của gã gia trưởng thật đáng sợ.

Cháu ôm con ra đi, khi nó mới 4 tuổi. Anh gầm rú, gào thét, đe nẹt, sỉ vả, đủ cả. Viện cả bố mẹ anh rồi bố mẹ cháu đến thuyết phục cháu. Nhưng cháu vẫn cảm giác sợ. Nỗi sợ một người có nguy cơ bạo lực thật khủng khiếp cô ạ. Lặp lại cảnh nhà thuê, nhưng bây giờ thì một mình như phụ nữ đơn thân.

Mỗi khi anh đến cổng trường mẫu giáo để nhìn vợ nhìn con, sao cháu thấy lòng mình bão tố, không phải yêu mà tội nghiệp cô ạ. Người như anh chắc khó có ai sớm để cân bằng. Cháu hay tự hỏi mình, cháu muốn gì, cháu đã bị tổn thương đến mức phải bỏ chạy thế này sao? Hay là trước kia tình yêu không đủ sâu nặng, không mạnh?

Hai năm rồi cô. Khi đi qua khu chung cư ấy, trên con đường ấy, cháu vọt nhanh như thể mình lỡ vụng trộm. Lòng chùng xuống mà lại dận ga, muốn phóng nhanh, sợ bị bắt gặp. Mâu thuẫn quá cô nhỉ?

---------------------

Cháu thân mến!

Cô từng có một người bạn na ná trường hợp cháu. Cô ấy rất dễ thương, đa cảm, mong manh, không may vớ phải anh chồng sắt thép, cơ khí, những ngày trăng mật đã như địa ngục.

Mới vợ chồng mà đã ép vợ xem phim sex, con gái nhà lành nào không bị ám ảnh? Rồi cũng có bầu, sinh lần đầu, nấn ná, vì thương con, thương bố mẹ mình, thương cả bố mẹ chồng, sinh thêm lần nữa. Cảm giác sợ gần chồng là có thật và điều đó, khiến cô ấy lên tiếng dứt. Nhưng cái trớn vợ chồng đâu dễ, ly thân mãi mới ly dị được đấy.

Có điều trớ trêu, cháu biết không, cô ấy yêu một gã khác, sinh con với gã này nhưng gã ta không bỏ vợ được. Một mình nuôi ba con, giờ thì mạnh mẽ, lột xác, hấp dẫn, giàu có.

Gã chồng cũ thui thủi, rồi thất thế, cô ấy thấy thương, đem về làm chân bảo vệ cho cái trường tư mà cô ta làm hiệu trưởng. Vậy đó, đời thật lắm cảnh và phải nói là cú lội ngược dòng của bạn cô, thật thú vị, đúng không?

Không biết cháu đã nghĩ kỹ chưa khi 2 năm qua, sống một mình nuôi con. Không nghe nói chuyện đã ly dị chưa? Cảm giác sợ gã đàn ông cứng rắn gia trưởng rất dai dẳng và sợ cả khi gần gũi. Làm sao đúng với hai từ ái ân khi vợ không thấy ấm nóng, tương tác, mỹ mãn?

Dĩ nhiên, người cũ, bố của con mình, là một phần mãi mãi của cuộc đời mình cho dù cả hai xa cách. Vì sao phải đi lại nơi đó, không đi vòng để tránh được sao? Cũng chỉ vì mới có 2 năm, chứ thử 5 hay 7 năm thì sẽ bình thường, gặp nhau như bạn, không thì như người quen cũ, xa vời. Cô nói nước đôi để thấy rằng, tâm trạng ấy rất phổ biến, ai cũng vậy, rồi sẽ qua thôi.

Từ yêu đến hết thương thì hoặc là hận, là ghét, hoặc là thương, tội nghiệp. Cô bạn của cô rơi vào tình cảnh thương và tội nghiệp nên cứu vớt gã chồng cũ. Cũng vì con nữa, các con muốn bố gần hơn, dễ chăm sóc bố, già hết rồi, nên mọi chuyện bỗng trở nên đơn giản một cách buồn cười.

Dù sao, nếu chưa ly dị, cần nghĩ thêm. Bằng như đã quyết thì sẽ như cô nói, tránh con đường xưa ta đã, chuẩn bị tinh thần gặp lại vì con, như bạn bè, như môt người dưng không quan trọng gì với mình nữa cả.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm