| Hotline: 0983.970.780

Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định 'truy' nguồn cấp tin cho báo chí?

Thứ Năm 24/03/2022 , 10:08 (GMT+7)

Sau khi báo chí phản ánh việc trùng tu tháp Bánh Ít xâm hại đến di tích, Bình Định sẽ mời Cục Di sản văn hóa vào tham gia góp ý để tránh sai sót.

Ra văn bản “truy tìm”  người cung cấp thông tin cho báo chí

Sau khi báo chí phản ánh việc xây dựng, tôn tạo, tu bổ tháp Bánh Ít nằm trên địa bàn xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, Bình Định) chẳng khác gì “phá” di tích, vì các đơn vị thi công đã đưa phương tiện cơ giới, trong đó có máy múc thi công tại khu vực xung quanh tháp Chính gây rung chấn, ảnh hưởng đến ngôi tháp cổ.ngàn năm tuổi.

Sau đó, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Bình Định có văn bản gửi Bảo tàng tỉnh Bình Định yêu cầu khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc cán bộ, viên chức của đơn vị này cung cấp thông tin, hình ảnh và video xung quanh việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo các hạng mục tại di tích tháp Bánh Ít; xử lý nghiêm việc cung cấp thông tin không đúng quy định. Báo cáo kết quả thực hiện cho Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định trước ngày 21/3.

Tại văn bản, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT Bình Định cho rằng dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị tháp Bánh Ít được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương và phê duyệt dự án đầu tư; được Bộ VH-TT&DL cùng Cục Di sản văn hóa chấp thuận, thẩm định. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, báo chí và dư luận đã có 1 số phản ánh trái chiều, không mang tính chất xây dựng xung quanh việc thực hiện dự án.

Tháp Bánh Ít nằm trên địa bàn xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) là di tích kiến trúc nghệ thuật Champa cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII đã được xếp hạng cấp quốc gia ngày 24/12/1982. Ảnh: V.Đ.T.

Tháp Bánh Ít nằm trên địa bàn xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) là di tích kiến trúc nghệ thuật Champa cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII đã được xếp hạng cấp quốc gia ngày 24/12/1982. Ảnh: V.Đ.T.

Tuy nhiên, chiều 21/3, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT Bình Định đã cho thu hồi văn bản do chính tay ông ký. Về lý do thu hồi văn bản, ông Chánh phân trần: “Hôm đi công tác, anh em dự thảo văn bản trong đó có vài từ chưa chuẩn nhưng tôi ký vội. Sau khi nghe dư luận phản ánh, tôi chỉ đạo thu hồi văn bản ngay để tránh xảy ra hiểu lầm. Anh em làm sai thì mình nhắc nhở để làm tốt hơn trong việc thông tin, đặc biệt là vấn đề di tích phải thông tin chính xác, nhất là các thuyết minh”.

Mời Cục Di sản văn hóa tham gia góp ý

Sau khi báo chí và dư luận phản ánh, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo đơn vị thi công trước mắt tạm dừng các công việc liên quan đến sân trên tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Chính và tháp Bia. Ngoài ra, giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở VH&TT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thiết kế, lấy ý kiến các chuyên gia để điều chỉnh thiết kế liên quan đến các việc xây dựng trên sân tháp; bỏ việc xây bồn hoa sát chân tháp mà dư luận không đồng tình; lát nền xung quanh các tháp đảm bảo về quy mô (vật liệu, chiều dày), không làm ảnh hưởng đến giá trị của các tháp.

Hiện nay, dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít đã tạm dừng các công việc liên quan đến việc chỉnh trang sân trên tháp Cổng, tháp Hỏa, tháp Chính, tháp Bia. Chỉ tập trung triển khai đẩy nhanh thi công các hạng mục tại các khu chức năng như: Khu dịch vụ, đón tiếp, trưng bày, bảo vệ, vệ sinh và đường lên tháp Chính phía Nam, bãi đậu xe.

Liên quan việc xây dựng, tu bổ, tôn tạo các hạng mục tại di tích tháp Bánh Ít, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT Bình Định, cho hay đơn vị này sẽ mời Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) vào để định hướng, giúp đỡ trong quá trình tu bổ để cho phù hợp và tốt hơn sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý. Mới đây, liên Sở VH&TT-Xây dựng cũng đã làm việc và thống nhất theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, hiện đang chờ Cục Di sản văn hóa vào góp ý. Ngoài ra, Sở VH&TT Bình Định cũng sẽ mời các chuyên gia văn hóa cùng tham gia.

Hiện việc trùng tu tháp Bánh Ít đã tạm dừng thi công 1 số hạng mục, đợi Cục Di sản văn hóa vào góp ý để việc thực hiện tránh được sai sót. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện việc trùng tu tháp Bánh Ít đã tạm dừng thi công 1 số hạng mục, đợi Cục Di sản văn hóa vào góp ý để việc thực hiện tránh được sai sót. Ảnh: V.Đ.T.

Liên quan vấn đề xây bồn hoa quanh chân các tháp, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Định chia sẻ, với các công trình tháp Chăm không ai trồng hoa, trồng cỏ trong đó. Nếu trồng cây thì phải tưới nước, mà tưới nước sát chân tháp dễ dẫn tới yếu tố bất lợi về mặt vật liệu xây dựng. Nưới tưới hoa ngấm từng ngày vào chân tháp, theo thời gian sẽ làm giảm tuổi thọ của gạch.

“Hôm đi kiểm tra thực địa, các ngành cũng thống nhất là không triển khai nữa, nhưng Sở VH&TT cho là khi ra lấy ý kiến của Cục Di sản văn hóa thì Cục cho rằng phần thiết kế này không có vấn đề gì. Đối với chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh mà chủ đầu tư không thực hiện nghiêm thì đó là trách nhiệm của chủ đầu tư. Theo như chỉ đạo tỉnh cái nào dừng thì phải dừng, bởi vì nếu triển khai thì không ai thanh toán phần đó”, ông Bảo nói.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.