| Hotline: 0983.970.780

Suy bụng ta ra bụng người

Thứ Hai 30/09/2013 , 10:12 (GMT+7)

Không ngờ cô giáo của con tôi lại là học trò cũ của tôi - cô học trò mà tôi đã từng trù dập.

Đó là trường mầm non vào loại tốt nhất của thành phố và là trường điểm của toàn ngành giáo dục nên không dễ có thể xin cho con vào. Phần lớn các bé học ở đây đều có bố mẹ thuộc hàng có “máu mặt”. Chồng tôi phải cậy cục mãi mới xin được cho con. Chỉ quà cáp cũng mất vài triệu.

Buổi đầu tiên đưa con đến nhập học, tôi bận nên bố cháu cáng đáng. Anh về kể lại lớp có hai cô vừa xinh đẹp lại vui vẻ, nồng nhiệt đón các cháu. Nhiều đứa khóc, không muốn vào lớp. Riêng con tôi chỉ lừng khừng, níu áo bố, đòi về chứ không khóc. Cô giáo ra đón, dỗ ngon ngọt mấy câu là theo cô liền, quay lại vẫy, tạm biệt bố. Nghe anh kể, tôi rất yên tâm.

Chiều hôm đó tôi đến đón cháu. Nhìn thấy cô giáo, tôi sững người, không ngờ cô học trò cũ lại trở thành cô giáo của con mình. Và tôi sống lại câu chuyện xảy ra 7 năm về trước. Lúc đó, tôi là giáo viên dạy văn ở một trường PTTH, vừa tiếp nhận một lớp mới được mấy buổi. Tôi hỏi cả lớp:

- Tôi giảng, các em thấy thế nào? Tiếp thu bài có dễ không?

Tôi thấy cả lớp im lặng, không em nào phát biểu gì nên hỏi:

- Em nào là lớp trưởng?

Một cô bé mặt mũi khôi ngô, có nước da hồng, mịn và tết hai bím tóc đứng lên.

- Thưa cô, em ạ.

- Em nói đi. Cô dạy thế nào?

- Thưa cô, cho phép em nói đúng ý nghĩ được không ạ.

- Chứ sao. Em cứ tự nhiên, không ngại.

- Cô dạy chúng em chẳng hiểu gì cả. Cô vừa nói nhanh lại không đi đúng vào trọng tâm. Em nghĩ học bài thơ thì chủ yếu chúng em phải hiểu được ý nghĩa nội dung bài thơ và các thủ pháp nghệ thuật của tác giả. Tiểu sử, cuộc đời nhà thơ, chúng em cũng cần biết, nhưng cô chỉ nên giới thiệu qua. Nhưng cô đã mất quá nhiều thời gian để kể chuyện cuộc đời nhà thơ, lại toàn chuyện riêng tư của ông. Đến khi vào nội dung chính thì chỉ còn mấy phút là hết giờ. Cô đành đọc vội đại ý bài thơ để chúng em chép. Như vậy, chúng em không thể biết hết giá trị bài thơ.

Nghe đứa lớp trưởng phát biểu quá thẳng thắn, không một chút nể nang, tôi choáng váng. Trong lúc nó nói, tôi để ý thấy nhiều đứa khác gật gù, có vẻ đồng tình. Cũng có một vài đứa tỏ sự lo ngại cho Nga - tên đứa lớp trưởng. Nhưng tôi không thể không nói: “Cảm ơn em đã phát biểu thẳng thắn”. Sau đó, tiết học tiếp tục. Tôi phải cố gắng lắm mới giảng trôi bài đến hết giờ. Lúc ra về, đầu óc tôi nặng trĩu.

Tôi bắt đầu thấy căm nghét Nga với ý nghĩ: “Sao nó có thể nói toẹt giữa lớp, trước bao nhiêu học sinh làm mất thể diện, uy tín của mình”. Tôi cố gắng nhìn nó bằng đôi mắt bình thường như mọi ngày và hết sức kiềm chế để không bộc lộ sự hằn học. Sau đó, tôi được nhà trường cho biết cả lớp ký đơn tập thể đề nghị đổi giáo viên dạy văn vì chúng học “không hiểu gì”. Lòng tôi sôi lên. Tuy nhiên, Ban giám hiệu không làm theo nguyện vọng của chúng, vẫn để tôi đứng lớp này, chỉ góp ý cần rút kinh nghiệm.

Sau đó, mỗi lần bước vào lớp, tôi thấy như có chiếc gai đâm vào mắt. Và tôi nảy ý định trả thù con bé hỗn láo này. Khó một nỗi là Nga lại là đứa học giỏi nhất, nhì lớp và được tiếng là ngoan, giáo viên nào cũng khen nó. Các bài làm văn trước đây, học người khác, nó toàn được điểm cao nhất lớp. Nay tôi cho tụt xuống, sẽ quá lộ liễu, bọn học sinh sẽ biết rõ tôi trù. Đang loay hoay không nghĩ ra mưu kế gì thì một đứa học sinh trong lớp đưa cho tôi mảnh giấy. Trò này là con một người bạn của tôi. Nó học yếu môn văn những năm trước.

Mẹ nó có ý nhờ tôi vực dạy vì cuối năm nay phải thi tốt nghiệp. Mảnh giấy của Nga viết cho đứa lớp phó: “Cậu vận động bọn nó tiếp tục ký thêm đơn để đề nghị ban giám hiệu đổi bà Thoa. Bà ấy dạy càng ngày càng chán. Chúng mình thi tốt ngiệp thế nào được. Việc này nhanh lên, tớ chán bà ấy lắm rồi”. Rất may, tôi và hiệu trưởng với cô chủ nhiệm lớp là một nên tôi đã đề nghị xử lý kỷ luật Nga và anh đã gọi Nga lên bắt làm bản kiểm điểm về tội “xúc phạm giáo viên và kích động học sinh chống lại cô giáo, gây mất ốn định trong lớp”. Cuối cùng, Nga bị phê bình trước toàn trường trong buổi chào cờ đầu tuần. Sau đó, tôi không thấy nó còn ở lớp. Nghe những đứa bạn khác nói, nó đã xin chuyển trường. Không còn nó trong lớp, tôi nhẹ hẳn người.

Và bẩy năm trôi qua. Khi tôi đón con tại lớp mẫu giáo, Nga nhìn thấy tôi, chắc chắn là nhận ra. Tôi không thể không gật đầu chào vì lúc đó có cả hai cô giáo. Nga gật đầu chào lại tôi một cách rất đáp lễ như với bất cứ người xa lạ nào. Vậy là nó vẫn không quên “sự cố” cách đây 7 năm khi đang học lớp 12. Con bé này thế mà nhớ dai. Chính vì vậy mà tôi rất lo nó không quan tâm tốt đến con mình.

Một tuần sau cái ngày gặp lại Nga nói trên. Hôm đó, chồng tôi đi đón con. Về nhà thấy môi và một bên má con sưng, hỏi thì chồng tôi bảo nó bị một bạn nam đẩy ngã. Cháu cũng nói như vậy. Nhưng tôi vẫn lởn vởn ý nghĩ rất có thể Nga do còn “thù” mẹ mà kỳ thị con, đánh nó khi nó nghịch gì đó, vì con tôi là một đứa trẻ cực kỳ hiếu động. Ngày nghỉ ở nhà, vợ chồng tôi luôn rất mệt vì sự nghịch ngợm của nó. Tôi có ý định gặp hiệu trưởng để phản ứng nhưng chồng tôi cản. Anh ấy nói làm vậy chỉ dở thêm.

Con người không biết thế nào mà lường. Dẫu Nga không tệ với một đứa trẻ con nhưng cô ta không thể nào nhiệt tình với con tôi như với những bé khác. Mà chuyển cho cháu đi trường khác thì tôi không muốn vì đã mất tiền lo lót mới vào được trường rất tốt này. Mặc dù chồng tôi cản nhưng tôi vẫn muốn nói chuyện này với người hiệu trưởng. Làm vậy tôi mới có thể yên tâm. Tôi có nên? Và liệu tình hình sau đó sẽ thế nào?

(Kim Thoa - TP Ninh Bình)

Trao đổi của chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình San:

 

Chị chớ “suy bụng ta ra bụng người”. Trong quá khứ, chị đã làm một việc thiếu nhân hậu đối với Nga. Nay chị nghĩ cô ta cũng sẽ như chị mà “trù” con mình. Người như Nga sẽ không bao giờ làm việc nhỏ nhen, hèn hạ đó - nhất là với một bé thơ mới 3 tuổi. Nga không vồ vập, sởi lởi với chị vì không thể quý trọng, có tình cảm tốt sau vụ việc xảy ra trong quá khứ.

Tốt nhất, chị cứ đối xử với Nga lịch sự như với cô giáo thứ hai của bé, coi như không có chuyện gì. Và cũng chẳng nên nói chuyện với người hiệu trưởng làm gì, khiến vấn đề vốn đơn giản lại trở nên rắc rối.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?