| Hotline: 0983.970.780

Tài liệu giải mật về vai trò của KGB trong thảm họa Chernobyl

Thứ Ba 28/04/2020 , 19:32 (GMT+7)

Cơ quan tình báo Liên Xô đóng vai trò cực kì quan trọng nhưng ít được biết đến trong việc xử lý thảm hoạ hạt nhân Chernobyl năm 1986.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau vụ nổ. Ảnh: AFP.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau vụ nổ. Ảnh: AFP.

Vào ngày 26/4/1986, kỹ sư nhà máy điện hạt nhân Chernobyl Anatoly Dyatlov bắt đầu cuộc thử nghiệm định mệnh dẫn đến phản ứng hạt nhân không kiểm soát và một vụ nổ hơi nước, sau đó cháy than chì tại lò phản ứng số 4.

Sự cố làm phát tán chất phóng xạ ra bán kính hàng trăm kilômét, khiến hàng trăm ngàn người nhiễm, ít nhất 4.000 người chết sớm vì ung thư hoặc các bệnh lý khác và sẽ còn làm nhiều vùng rộng lớn ở miền nam Belarus cùng với miền bắc Ukraine ô nhiễm trong nhiều thập kỷ tới.

Hàng trăm ngàn người từ mọi tầng lớp phải tham gia vào việc xử lý thảm họa, từ lính cứu hỏa, quân nhân đến các nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư. Tháng 12/1986, họ đã lập kế hoạch và xây dựng "chiếc quách" khổng lồ bao trùm lò phản ứng nhằm ngăn chặn rò rỉ phóng xạ.

Nhưng những nỗ lực của cơ quan tình báo Liên Xô KGB lại ít được biết đến. Các đặc vụ của tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và loại bỏ hậu quả của sự cố này.

Nỗ lực trong khu vực thảm hoạ

Rất lâu trước sự kiện Chernobyl, KGB được giao nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân.

Những sĩ quan được đào tạo khoa học có vai trò giám sát các nhà máy điện hạt nhân và xác định điểm yếu tiềm tàng, báo cáo bất kỳ vấn đề nào cho ban giám đốc thứ sáu (phụ trách kinh tế) của KGB ở Matxcơva.

Năm 2018, các tài liệu được giải mật từ kho lưu trữ KGB của Đảng Cộng hòa Ukraine tiết lộ rằng cơ quan tình báo đã bày tỏ lo ngại về nhà máy ngay từ năm 1978 khi báo cáo nhiều vi phạm an toàn và thương tích của công nhân trong quá trình xây dựng nhà máy cho Bộ năng lượng.

Theo một số nguồn tin, đầu năm 1986, chỉ vài tuần trước khi thảm họa xảy ra, các đặc vụ KGB của Ukraine cảnh báo Tổng Bí thư Vladimir Shcherbitsky về âm mưu lật đổ của tình báo đối phương trên lãnh thổ Ukraine.

Nhưng điều mà tình báo không thể dự đoán là sự vô trách nhiệm của các nhân viên cấp cao chịu trách nhiệm cho lò phản ứng số 4 trong đêm định mệnh ngày 26/4/1986, bao gồm Phó Giám đốc Dyatlov, người đã tắt hệ thống an toàn tự động cũng như thủ công trước khi tiến hành thử nghiệm mô phỏng việc phát điện trong thời gian nhà máy mất điện. Kết hợp với sai sót trong thiết kế, hành động của Dyatlov chịu trách nhiệm trực tiếp cho thảm họa.

Vài phút sau vụ nổ, các đặc vụ KGB ở thành phố Pripyat, nơi ở của các công nhân nhà máy, đi đến tâm chấn của thảm họa để cố gắng xác định điều gì đang xảy ra.

Sau đó, khi công tác xử lý bắt đầu, họ tham gia tổ chức dọn dẹp lò phản ứng cùng các chuyên gia hạt nhân, quân nhân và thợ mỏ, bao gồm cả nhiệm vụ dựng tấm khiên bên dưới lò phản ứng số 4 để ngăn bức xạ rò rỉ vào nguồn nước ngầm.

KGB còn cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân cho chuyên gia, đồng thời chịu trách nhiệm về vệ sinh trong căng tin nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng cho công nhân dọn dẹp.

Họ luân chuyển thường xuyên vì các đặc vụ buộc phải rời khỏi khu vực dọn dẹp sau khi phân tích y tế cho thấy nồng độ phóng xạ trong cơ thể quá cao.

Thu thập tình báo ở nước ngoài

Trụ sở KGB ở Mátxcơva. Ảnh: Sputnik.

Trụ sở KGB ở Mátxcơva. Ảnh: Sputnik.

Các giám đốc tình báo nước ngoài KGB đóng vai trò quan trọng trong những tháng sau vụ tai nạn. Chi tiết về những nỗ lực của họ mới được tiết lộ gần đây trong tác phẩm "Tiểu luận về Lịch sử Tình báo đối ngoại Nga".

Thông tin liên quan đến thảm họa Chernobyl có thể được tìm thấy trong tập Sáu, trong một bài tiểu luận có tên "Bài học về tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl", do cựu Thủ tướng Nga, Bộ trưởng Bộ ngoại giao và Giám đốc dịch vụ tình báo nước ngoài Evgeny Primakov viết.

Primakov kể chi tiết, ngay sau khi xảy ra tai nạn, Chủ tịch KGB Viktor Chebrikov chỉ thị bộ phận tình báo khoa học và kỹ thuật thu thập bất kỳ thông tin nào có thể giúp tăng tốc nỗ lực ngăn chặn và dọn dẹp.

Bộ phận này cử một đại diện trực tiếp đến khu vực thảm họa vào đầu tháng Năm với nhiệm vụ trước hết là cung cấp cho ủy ban bất kỳ thông tin nào có được từ nước ngoài về cách đối phó với thảm họa.

Bộ phận tình báo nước ngoài đã được đào tạo khoa học, biết nơi để tìm thông tin và cách liên hệ để có được thông tin đó.

Công việc của họ rất quan trọng, vì mặc dù thảm họa Chernobyl đe dọa sự an toàn và phúc lợi của người dân và các quốc gia trên toàn thế giới, các nhà lãnh đạo phương Tây không vội vàng chia sẻ kinh nghiệm loại bỏ hậu quả thảm họa hạt nhân với kẻ thù trong Chiến tranh Lạnh.

Chính phủ và các nhà khoa học phương Tây đã có kinh nghiệm quý báu trong việc làm sạch thảm họa hạt nhân sau hậu quả của vụ tai nạn tháng 10/1957 tại lò phản ứng điện hạt nhân Windscale của Anh, sự cố đảo Three Mile ở Hoa Kỳ năm 1979 và tai nạn tại Điện hạt nhân Saint-Laurent Nhà máy ở Pháp vào năm 1980.

Tuy nhiên, bất chấp sự kháng cự từ chính quyền, nhiều nhà khoa học và quan chức nước ngoài tỏ ra sẵn sàng chia sẻ thông tin quan trọng với đối tác Liên Xô.

Bất kỳ dữ liệu nào được đặc vụ thu thập đã được chuyển đến Mátxcơva rồi đến Kiép, sau đó đến một đại diện ủy ban Chernobyl. Trong vòng hai tuần sau vụ nổ, các đặc vụ tập hợp được một loạt các tài liệu nước ngoài về việc xây dựng, vận hành và sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân.

KGB cũng tích cực tham gia vào nỗ lực đo đạc chính xác nhiệt độ ở miệng lò phản ứng trong môi trường bức xạ cao - một kỹ thuật mà ngành công nghiệp Liên Xô không có khả năng thực hiện vào thời điểm đó. Do đó, bộ phận khoa học và kỹ thuật được giao nhiệm vụ mua thiết bị có thể thực hiện thao tác như vậy. Nhờ thiết bị này mà các nhà khoa học có thể xác định rằng không có nguy cơ nhiên liệu hạt nhân rò rỉ vào nguồn nước ngầm.

Với lo ngại từ ủy ban nhà nước rằng nước lũ có thể mang chất thải hạt nhân đến sông Pripyat, KGB cũng được yêu cầu thu thập dữ liệu nước ngoài. Nỗ lực của họ đã thành công.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong quá trình dọn dẹp. Ảnh: Sputnik.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong quá trình dọn dẹp. Ảnh: Sputnik.

Những thông tin tình báo vô giá khác bao gồm các nghiên cứu khoa học về ô nhiễm phóng xạ của đất và các chiến lược ngăn chặn phóng xạ lây lan bởi gió, qua đó các nhà khoa học Liên Xô có thể tạo ra một chất lỏng polymer đặc biệt bao phủ vùng đất ô nhiễm xung quanh khu vực thảm họa, hóa cứng nó thành một tấm phim hấp thụ các chất phóng xạ.

Hơn nữa, các đặc vụ còn thu thập dữ liệu về cách điều trị bệnh nhân nhiễm phóng xạ và đánh giá các đột biến tiềm tàng trong tương lai, bao gồm các tiêu chuẩn quốc tế về liều lượng phóng xạ cho phép đối với người và động vật, cũng như sản xuất thực phẩm và ô nhiễm môi trường. KGB đã biên soạn một tài liệu về chủ đề này trong vòng hai tuần sau thảm họa. Ngoài ủy ban nhà nước, KGB còn gửi thông tin liên quan đến các nhà lãnh đạo quốc gia và các bộ, ngành.

Tóm tắt công việc của tình báo Liên Xô trong việc đối phó với hậu quả của thảm họa hạt nhân Chernobyl, ông Primakov nhấn mạnh công sức các đặc vụ có ảnh hưởng to lớn trong việc đảm bảo an ninh cho một lĩnh vực quan trọng và giúp rút ra bài học cho tương lai .

(Theo Sputnik)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.