Ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu (EC) chính thức cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vì những nỗ lực chưa đủ đáp ứng quy định chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Kể từ khi bị thẻ vàng, Việt Nam đã rất nỗ lực để tuân thủ các yêu cầu mà EC quy định. Tháng 11/2019, đoàn thanh tra của EC đã đến thị sát Việt Nam để đánh giá những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.
Trong thư gửi cho Tổng cục Thủy sản Việt Nam (Bộ NN-PTNT) vào ngày 19/12/2019, đoàn thanh tra của EC đã ghi nhận những cải tiến đáng kể của Việt Nam trong việc theo dõi, kiểm soát và giám sát tàu cá. Bên cạnh đó, quy trình quản lý, tổ chức tàu cá và sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt và hiệu quả.
Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực để lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá, đưa ra các quy định và thực hiện đánh dấu thiết bị cho tàu cá dựa trên khuyến nghị của EC.
Đoàn thanh tra của EC cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc tăng cường quản lý mật độ đánh bắt thông qua việc đóng băng các đội tàu đánh bắt xa bờ. Bộ NN-PTNT cũng ban hành quyết định giao chỉ tiêu cấp phép khai thác hải sản xa bờ cho 28 tỉnh ven biển.
Đoàn thanh tra khen ngợi những cải tiến của Việt Nam trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về tàu cá, cập nhật thông tin về cấp phép tàu cá và lập kế hoạch phát triển tàu cá bền vững. Trước đây, Việt Nam chưa có hệ thống giám sát tại cảng nhưng nay đã được triển khai như một mô hình ở Kiên Giang để kiểm soát hiệu quả tàu cá.
Tuy nhiên, một số tồn tại được phía EC chỉ ra như tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá còn chậm, hệ thống giám sát chưa đồng bộ, còn nhiều lỗi kỹ thuật, cũng như việc xử phạt vi phạm giữa các địa phương còn hạn chế, thiếu đồng bộ.
Theo ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT), lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá là quy định mới ở trong Luật Thủy sản. Theo đó các tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Ông Nguyễn Phú Quốc cho biết, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá phải theo những yêu cầu kĩ thuật.
Cụ thể, các thiết bị khi lắp đặt đặt phải được kết nối với Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá ở Trung ương và 28 tỉnh, thành phố ven biển. Tàu có chiều dài 24m trở lên được yêu cầu mỗi ngày phải truyền thông tin vị trí 12 lần, tương đương 2 tiếng truyền thông tin 1 lần; còn tàu 15m - 24m là 3 tiếng truyền thông tin 1 lần.
Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho hay: “Tổng cục Thủy sản là cơ quan quản lý toàn bộ hệ thống giám sát hành trình tàu cá từ Trung ương đến địa phương. Tất cả chủ tàu đều được yêu cầu phải lắp thiết bị giám sát hành trình và phải báo cáo về trung tâm dữ liệu. Nếu thiết bị bị hỏng, trong vòng 10 ngày phải báo cáo để xử lý. Nếu cố tình không cung cấp thông tin sẽ bị xử phạt theo Nghị định 42 của Chính phủ.”
Theo Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 8/2021, tỷ lệ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 90,26%. Hệ thống giám sát tàu cá, cơ sở dữ liệu giám sát tàu cá đã được kết nối, chia sẻ, được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Còn lại gần 10% tàu chưa lắp định vị, một phần do ngư dân chưa chi tiền để làm, một phần do nhiều tàu nằm bờ.