| Hotline: 0983.970.780

Tập huấn an toàn sinh học và công nghệ 4.0 trong chăn nuôi gia cầm

Thứ Bảy 09/10/2021 , 14:27 (GMT+7)

FAO hỗ trợ chương trình tập huấn nhằm trang bị kiến thức về an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ 4.0 trong chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam.

Ngày 8/10, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức khóa tập huấn “An toàn sinh học và ứng dụng công nghệ 4.0 trong chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y (đứng giữa) chủ trì buổi tập huấn tại điểm cầu Trung tâm KNQG. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y (đứng giữa) chủ trì buổi tập huấn tại điểm cầu Trung tâm KNQG. Ảnh: Trung Quân.

Khóa tập huấn nhằm mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông ở các địa phương, đối tượng nhận chuyển giao công nghệ, thông qua nhận thức về an toàn sinh học (ATSH), áp dụng công nghệ 4.0 trong chăn nuôi gia cầm hiện nay.

Từ đó, học viên sẽ vận dụng các kiến thức được tập huấn vào quá trình triển khai hoạt động khuyến nông và sản xuất chăn nuôi trên thực tế.

Khóa học diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/10, học viên là cán bộ khuyến nông các địa phương như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Sơn La, Hòa Bình, Thái Bình, Hà Nam…

Bà Nguyễn Thị Hải, Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trong những năm gần đây, Trung tâm KNQG và FAO tại Việt Nam đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu và kiểm soát dịch bệnh vật nuôi. Trong đó, nổi bật là Dự án “Giảm thiểu rủi ro và quản lý các mối đe dọa sức khỏe con người theo chuỗi giá trị động vật (EPT2)” tại Việt Nam.

Dự án đã góp phần làm giảm nguy cơ lây truyền dịch bệnh từ động vật sang người, giảm thiểu nguy cơ xảy ra đại dịch, cải thiện đáng kể điều kiện ATSH cho các cơ sở chăn nuôi gia cầm, cơ sở ấp nở vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Đặc biệt, được sự hỗ trợ của tổ chức FAO, Trung tâm KNQG đã hoàn thiện nhiều bộ tài liệu về thực hành tốt và ATSH trong chăn nuôi gia cầm cũng như cơ sở ấp nở; trang bị công cụ tập huấn hiệu quả cho hệ thống khuyến nông Việt Nam.

Vì vậy, thông qua lớp tập huấn lần này, hi vọng sẽ tiếp tục cung cấp những kiến thức giá trị về ATSH và công nghệ 4.0 trong chăn nuôi gia cầm cho đội ngũ cán bộ khuyến nông trong cả nước. Tài liệu, kiến thức của khóa tập huấn sẽ là công cụ hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông trong cả nước được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả cao nhất.

Khóa tập huấn sẽ tập trung hướng dẫn các học viên các kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng công nghệ 4.0 trong chăn nuôi gia cầm hiện nay. Ảnh: Trung Quân.

Khóa tập huấn sẽ tập trung hướng dẫn các học viên các kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng công nghệ 4.0 trong chăn nuôi gia cầm hiện nay. Ảnh: Trung Quân.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, chuyên gia FAO tại Việt Nam chia sẻ: Trước những diễn biến phức tạp của nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu phi, viêm da nổi cục, lở mồn long móng… xảy ra tại nhiều địa phương, việc áp dụng các giải pháp tăng cường ATSH trong chăn nuôi là hết sức cấp bách.

Thực hiện tốt ATSH trong chăn nuôi là nhiệm vụ then chốt đảm bảo thắng lợi cho hoạt động sản xuất chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng.

Ông Bùi Trung Kiên, Trưởng bộ phận phát triển đối tác của Công ty TrueDigital Việt Nam cho biết: Trong khóa tập huấn lần này, Công ty sẽ hỗ Trợ Trung tâm KNQG chia sẻ, hướng dẫn cho các học viên trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ 4.0 trong chăn nuôi gia cầm.

Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ khuyến nông và nông dân trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như: Thị giác máy tính (Computer vision), cảm biến (Sensor), điện toán đám mây (Cloud computing)…

Những công nghệ này sẽ giúp các chủ trang trại có thể giám sát từ xa tình trạng hoạt động của trang trại, khối lượng trung bình của đàn, độ đồng nhất của đàn, cũng như phát hiện gà chết, bệnh tật...

Việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp tiết kiệm thời gian, nhân công tại trại, cũng như giảm việc tiếp xúc giữa người và gia cầm. Từ đó, giúp tăng năng suất cũng như tăng cường ATSH tại các trại chăn nuôi gia cầm.

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.