| Hotline: 0983.970.780

Tết xưa: Tiếng trống trầu ngày Tết

Thứ Ba 26/01/2016 , 07:25 (GMT+7)

Ký ức về Tết quê ngoại, làng Nội Duệ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, dường như khó phai mờ trong nỗi nhớ của bà Như Quỳnh, Tổng biên tập đầu tiên báo Phụ nữ Việt Nam.

19-23-25_nh-3
Bà Như Quỳnh trong lần về thăm nhà thờ

Khi còn khỏe, mỗi năm ra nghỉ ở Khu an dưỡng cán bộ lão thành cách mạng Đại Lải (TX Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), thế nào bà Như Quỳnh cũng xin ra sớm một tuần để dành thời gian về thăm quê ngoại. Đôi lần, tôi được cùng bà về quê.

Bà Như Quỳnh, tên khai sinh là Võ Ngọc Nghi, sinh năm 1923, con gái cụ Cử Hoành tức Võ Hoành (1873-1946), một trong những yếu nhân của phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo rồi đưa về an trí ở Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp).

Ông lập gia đình và sinh con tại đây. Vì thế, trong ký ức của bà Như Quỳnh, ngày Tết quê ngoại ban đầu là hoài niệm của người mẹ, con gái làng Nội Duệ. Ca dao xứ Bắc có câu: “Trai Cầu Vồng, Yên Thế/ Gái Nội Duệ, Cầu Lim” để ca ngợi về sức khỏe của con trai và tài đảm đang, tháo vát của con gái xứ Kinh Bắc.

Bà Như Quỳnh kể rằng, để nhớ về cái Tết xứ Bắc ấy, cha mẹ bà ngoài những món bánh truyền thống của miền Nam như bánh tét, thì không thể thiếu được bánh chưng truyền thống quê nhà.

Mãi tới Tết Bính Tuất 1946, bà mới có dịp ra Hà Nội khi làm nhiệm vụ giao liên cho Trung ương Đảng. Tết ấy, cũng là cái tang người mẹ sinh ra bà qua đời tại quê ngoại làng Nội Duệ. Nhưng nỗi buồn qua rất nhanh để bước vào những hoạt động cách mạng đang gấp gáp. Chỉ đến sau năm 1960, khi kết thúc thời gian học tập tại Trung Quốc trở về, bà mới dành nhiều thời gian thưởng Tết.

Quê nội làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội cách chẳng bao xa, song bà vẫn thường về đón Tết bên ngoại, ở đó còn các anh đang trông giữ ngôi nhà của mẹ, ngôi nhà thứ nhất dành cho anh cả Lê, ngôi nhà thứ hai mà chúng tôi tới là cho anh thứ tên gọi là La. Tình cảm hai bên nội ngoại dành cho bà đều ấm áp như nhau. Tôi theo bà, được chứng kiến những người cháu đón bà bằng tất cả sự mừng vui khi thấy cụ già ngoài 90 vẫn đều đặn hàng năm về quê bái tổ.

Tết miền Nam chan hòa nắng. Tết miền Bắc se sắt trong cái lạnh mùa đông. Có năm, trời trở nồm kéo dài, mọi thứ đều ướt nhẹp trong hơi nước. Bánh chưng có khi rất dễ mốc meo. Với người Kinh Bắc, nhất là người làng Nội Duệ, đây còn là cái nôi của Quan họ, ngày Tết quá đỗi thiêng liêng. Tết đến, trên bàn thờ bày biện đủ cả mâm ngũ quả, bánh chưng xanh, câu đối đỏ, trước đây còn cả đốt pháo. Tiếng pháo nổ đì đẹt báo hiệu giao thừa, tiễn năm cũ sang, đón chào năm mới. “Đêm ba mươi co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa/ Sáng mồng Một bồng ông phúc vào trong”.

Đường làng ngõ xóm đều được vệ sinh sạch sẽ. Cây nêu dựng trước sân để trừ tà ma. Nhà nhà gói bánh chưng, bánh mật, bánh xu xê. Giã bánh giày, giã giò lụa, gói giò xào, cất mẻ rượu nếp thơm.

Thịt lợn gói giò là thời điểm tập trung đông người nhất, mỗi người một chân một tay xúm xít công việc. Để rồi những tất bật ấy tạo thành quả khi từng gói giò được phân chia theo từng nhà.

Sau này, những năm bao cấp, chuyển về công tác tại Hội Nhà báo Việt Nam, dịp Tết đến, phải đi xuống Nam Định để mua phân phối và làm “ngoại giao nhân dân” nhận từng cân đỗ xanh, yến gạo nếp, từng chai nước mắm, từng con gà… rồi đưa hết lên tàu về ga Hà Nội mới thấy nỗi khó nhọc không làm mất đi không khí Tết. Nhiều chuyện dở khóc dở cười khi một vị cán bộ sau này giữ vị trí cao cấp để đôi gà dưới chân cầu thang, khi chuyển gạo lên tầng thì bên dưới đôi gà bỗng dưng… bốc hơi.

Kể chuyện đón Tết quê ngoại, bà Như Quỳnh nhớ nhất tiếng trống chầu trong hát ca trù của cụ Từ Long tức chí sĩ Lê Đại (1875-1951), cũng là một yếu nhân trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, người mà bà cho rằng đánh chống trầu hay nhất. “Cụ Lê Đại đánh giòn giã. Bây giờ tôi nghe hát, thấy họ đánh như đấm vào tai người ta ấy”.

Tết ấy, ông Cử Hai, anh trai bà Như Quỳnh cho gọi đám con hát ở trên Kim Anh (tỉnh Phúc Yên) về hát ca trù hầu các cụ chí sĩ. “Tôi hãy còn nhớ bài ca trù của cụ Dương Bá Trạc: “Sông Nhị gọi núi Nùng năm xưa gặp gỡ những điều xưa/ Bao nhiêu năm cách mặt đến bây giờ/ Ngày về gặp nhau lại mừng mừng tủi tủi”.

Nỗi mừng mừng tủi tủi ấy là sau nhiều năm tù đày ngoài đảo Côn Lôn, trở về với đất liền, người an trí Sa Đéc, kẻ an trí Long Xuyên, người chốn Ba Tri (Bến Tre) nhưng rồi họ đều bình an. Đây nhà chí sĩ Nguyễn Quyền, kia cử nhân Dương Bá Trạc. Trong tiết xuân trước thềm năm mới, họ lại nhớ đến những đồng chí đã xả thân vì nước.

Bà Như Quỳnh hồi cố: “Hồi đó cụ Từ Long còn chép cho tôi cả bài “Chính khí ca”. Chữ cụ đẹp lắm. Cụ bảo mày thích thì bác viết cho. “Thiên địa hữu chính khí/ Tạp nhiên phú lưu hình/ Hạ tắc vi hà nhạc/ Thượng tắc vi nhật tinh/ Ư nhân viết hạo nhiên/ Phái hồ tắc thương minh/ Hoàng lộ đương thanh di/ Hàm hòa thổ minh đình/ Thời cùng tiết nãi hiện”.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng vô địch Billiards châu Âu: Kỳ tích lịch sử

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng xuất sắc giành chức vô địch giải pool 9 bi quốc tế Jacoby Scottish Open 2024, làm nên lịch sử cho bi-a Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.