| Hotline: 0983.970.780

Thách cưới quê tôi

Thứ Ba 18/10/2011 , 11:45 (GMT+7)

Mặc dù cách trung tâm thành phố văn minh không bao xa, chỉ vài chục phút chạy ô tô, vậy mà quê tôi vẫn còn giữ rất nhiều những hủ tục trong đời sống sinh hoạt, trong ma chay cưới xin…

Vâng, ngay như cái chuyện cưới thì các đám cưới vẫn được mọi gia đình tổ chức rườm rà với cỗ bàn linh đình tốn kém. Họ “phớt lờ” kiểu cưới theo hình thức trang trọng, tiết kiệm mà Nhà nước ban hành từ lâu và ở nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt. Chuyện thách cưới ở quê tôi là một trong những hủ tục đôi khi cười đến rơi nước mắt. Theo như thông lệ từ xưa thì nhà gái được quyền thách cưới và nhà trai có nghĩa vụ mang lễ vật đến nhà gái.

Chuyện như vậy phổ biến ở nhiều nơi và mỗi nơi thì giá trị các đồ lễ vật cưới “nặng, nhẹ” cũng không giống nhau. Làng quê tôi chuyện thách cưới mang nặng phần hủ tục hơn khi phía nhà gái không chỉ thách cưới một chút xíu gọi là lễ vật tượng trưng, mà thường họ thách cưới rất cao, rất “nặng đô” khiến phía nhà trai phải è cổ lo liệu.

Khi nhà gái thách cưới, họ liệt kê ra các khoản trên giấy tờ sổ sách và nhà trai phải mang đủ chứ ít khi có “thương lượng, mặc cả” khoản này, khoản nọ. Thông thường, một lễ thách cưới ở quê tôi ngoài tiền mặt khoảng trên dưới 30 triệu ra còn kèm theo các khoản lễ vật khác như: Trầu cau, thuốc lá, trà, kẹo bánh, thịt lợn, gạo, măng, miến… và nhiều loại thực phẩm gia vị khác để nấu cỗ thết đãi gia đình nhà cô dâu. Tính sơ sơ, cộng tiền mặt và số tiền để mua lễ vật thì mất đứt hơn 50 triệu đồng.

Có đám nhà gái, do họ hàng đông, nhà người ta thách cao, có khi tổng lễ vật lên đến gần trăm triệu đồng, và nếu gặp phải kiểu thách cưới cao như vậy thì nhà trai phải khá giả mới kham nổi, chứ mấy nhà quanh năm đói kém, chạy ăn từng bữa chỉ có đường… rút lui. Ngoài ra, trong lễ ăn hỏi phía nhà trai thường phải bỏ ra một khoản tiền không phải ít để lo hàng chục mâm lễ hoa quả, bánh kẹo, trà, thuốc…

Chính vì hủ tục thách cưới cao như vậy nên thanh niên làng, xã tôi đến tuổi cập kê thường chọn đi sang mấy xã xa xa để tìm vợ, vì ở đó họ thách cưới nhẹ nhàng, chỉ khoảng hơn chục triệu là cùng. Gái làng thì ngoài những đám nhà trai kinh tế khá giả mới dám bén mảng còn đa số các cô đi lấy thiên hạ.

Buồn hơn, khi hủ tục thách cưới nặng phần tiền bạc, vật chất chính là nguyên nhân chia rẽ hạnh phúc các đôi trẻ, cũng như làm nẩy sinh mâu thuẫn giữa nàng dâu và mẹ chồng về sau này. Tôi từng chứng kiến không ít đám cưới không thể tổ chức và đôi trẻ yêu nhau không thể nên vợ nên chồng cũng chỉ vì nhà trai không đáp ứng nổi số tiền bạc, lễ vật thách cưới quá cao mà nhà gái đưa ra.

Có đám, trong lễ ăn hỏi, hai họ đáng lẽ ra sẽ bàn chuyện cưới xin, lo toan hạnh phúc cho đôi trẻ thì “câu chuyện” chủ yếu nói tới là thách cưới bao nhiêu, lễ vật như thế nào? Có nhà trai do nghèo quá, khi họ nghe thấy số tiền, lễ vật thách quá cao đã có ý “mặc cả” giảm đôi chút nhưng nhà gái khăng khăng giữ quan điểm và thế là… nhà trai đành thoái thác để đi tìm đám khác cho con trai họ. Chỉ thương cho những đôi trẻ phải đứt gánh giữa đường vì cái hủ tục nặng nề ấy.

Có nhà do thách cưới cao quá, phía nhà trai cố gắng lo liệu bằng cách vay nợ để đáp ứng đủ nhà gái yêu cầu, và khi cô con gái về nhà chồng, nhà chồng đã chia nợ cưới cho đôi trẻ phải nai lưng ra làm để trả, thậm chí có đôi quần quật làm mấy năm trời còn chưa thể trả hết phần nợ cưới bị chia. Thử hỏi như thế vô hình chung là phía nhà gái đã tự làm khổ con cái mình!

Có một gia đình xóm bên nhà tôi mới thật buồn, khi mà tình cảm mẹ chồng nàng dâu vốn cơm không lành, canh chẳng ngọt lại càng bùng phát dữ dội chỉ vì nguyên nhân thách cưới cao. Nhà cô gái nghe đâu thách cưới những 60 triệu đồng cùng nhiều thứ lặt vặt khác. Lo toan cho con trai xong, bà mẹ chồng cay cú suốt ngày “hành” nàng dâu. Nàng dâu mặc dù làm lụng chăm chỉ, đối xử trên dưới đúng mực nhưng vẫn ăn chửi như cơm bữa.

Bà mẹ chồng thường rêu rao con dâu: “Nhà mày ăn lắm vào! Người mày thì như cái kẹo mút dở mà lấy lắm thế! Thử hỏi mày có được 50 cân không mà thách những 60 cân lợn móc hàm…”. Nghe những câu chửi bới nhiếc móc như vậy nàng dâu chỉ biết âm thầm mà khóc chứ “bật” lại thì chỉ có nước là… về nơi sản xuất!

Đi nhiều nơi tôi thấy hình thức cưới theo nếp sống mới, giản đơn, tiết kiệm nhưng không kém phần trang trọng đã và đang đi vào đời sống khá rõ rệt, bởi người dân những nơi này đã nhận ra lợi ích của việc từ bỏ các hủ tục rườm rà, tốn kém. Mỗi lần về quê nhìn thấy những đám cưới rình rang, linh đình với nhiều hủ tục, trong đó có chuyện thách cưới “nặng đô” tôi thấy buồn quá. Quê mình gần ngay thủ đô vậy mà người dân vẫn u mê như vậy sao (?!)

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.