| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Có một “bệnh viện” của trâu

Thứ Hai 21/02/2011 , 08:30 (GMT+7)

Mới đây, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định gom số trâu mắc bệnh bắt được do thương lái vận chuyển trái phép vào tập trung để chữa bệnh.

Vì không nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh lở mồm long móng nên khi dịch bùng phát, nhiều người dân của tỉnh Thái Nguyên đã vội vã bán đổ bán tháo gia súc mắc bệnh.

Mới đây, tỉnh đã quyết định gom số trâu mắc bệnh bắt được do thương lái vận chuyển trái phép vào tập trung để chữa bệnh.

Gom trâu vào... trại cai nghiện

Ông Bùi Văn Trường (Trạm trưởng trạm thú y huyện Đại Từ) cho biết, sau Tết Nguyên đán, dịch LMLM đã bùng phát ra 30/31 xã thị trấn của huyện. Mặc dù huyện và tỉnh đã thành lập các chốt kiểm dịch song không thể kiểm soát được tình hình mua bán, vận chuyển gia súc mắc bệnh. Thương lái ở khắp nơi tìm về địa bàn oanh tạc.

Ngày 11/02, tổ kiểm tra liên ngành của huyện đã bắt được 5 xe vận chuyển 20 con trâu mắc bệnh đang trên đường ra khỏi địa bàn huyện. Rất cứng rắn, tổ công tác quyết định tịch thu toàn bộ số trâu nói trên và xử lý vi phạm hành chính với chủ hàng. Ông Lê Thanh Sơn (Trưởng phòng NN & PTNT huyện Đại Từ) cho biết, về nguyên tắc, số trâu trên phải tiêu huỷ ngay. Tuy nhiên, xét về thực tế, khi dịch đã lan rộng toàn huyện, trong khi đó tình hình bà con bán chạy gia súc mắc bệnh diễn ra vô cùng phức tạp, huyện đã xin ý kiến của tỉnh và quyết định đưa 20 trâu mắc bệnh vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội của huyện để chữa bệnh. Việc chữa trị được coi là thử nghiệm song nếu thành công thì sẽ là mô hình khuyến cáo bà con giữ lại gia súc mắc bệnh để chữa trị.

Trị bệnh cho trâu

Trung tâm giáo dục lao động xã hội huyện Đại Từ là một đảo nổi trên hồ Núi Cốc, thuộc địa bàn xã Bình Thuận. Ông Đào Việt Hà (Giám đốc trung tâm) cho biết, đơn vị đã cắt cử một số cán bộ và học viên ra hẳn một khu cách ly để chăm sóc và chữa trị cho đàn trâu.

Đích thân ông Hà cũng như bộ phận hậu cần mỗi lần ra vào khu cách ly đều “bị” phun thuốc tiêu độc khử trùng. Cả tuần qua, ông Hà chưa ra khỏi trung tâm: “Muốn trâu sống thì mình phải khổ, trâu mà chết thì mình còn khổ hơn”. Vậy là tất cả số trâu đưa về trung tâm được chăm sóc trong chuồng kín, được “mặc” chăn bông quấn kín thân. Lãnh đạo trung tâm đã giao việc phụ trách kỹ thuật chữa trị cho anh Nguyễn Văn Tuyên - nguời vừa mới tốt nghiệp đào tạo trung cấp thú y; giao cho mỗi học viên phụ trách chăm sóc một số trâu nhất định hoặc những công việc chuyên biệt. Mức độ mắc bệnh nặng nhẹ của từng con trâu là khác nhau.

Cán bộ phụ trách đã chia tách và có phương pháp riêng cho từng con. Trâu mắc bệnh nặng không thể ăn được thì học viên phải nấu cháo đổ cho trâu ăn. Khi trâu đã có lực thì thái chuối, trộn thêm bột sắn hoặc đập dập cây ngô đã ngâm nước muối loãng để trâu dễ ăn. Anh Nguyễn Văn Thái (một học viên của trung tâm) cho biết, mỗi ngày phải có đủ 4 lần rửa chân trâu, lau miệng trâu bằng nước sạch, sau đó rửa bằng nước chanh, nước khế, nước phèn chua; 4 lần vệ sinh khô thoáng chuồng trại rồi bôi thuốc, phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột. Có học viên sốt sắng vì muốn trâu của mình nhanh khỏi bệnh còn dùng bàn chải đánh răng cho trâu.

Anh Tạc Văn Quân được giao chăm sóc một trâu nái mà khi vừa về đến trung tâm thì trâu sinh ra một nghé con đã bị chết lưu. Được sự trợ giúp của cán bộ kỹ thuật, anh Quân đã lấy được rau của trâu nái ra, cứu sống được trâu mẹ. Học viên Nguyễn Văn Thuỷ cho biết, tuy được coi là những “thú y viên” bất đắc dĩ song đến nay, anh em đã khá thuần thục một số biện pháp theo dõi, chăm sóc cho trâu. Ví dụ như kinh nghiệm để xem trâu có bị sốt hay không thì chỉ cần đưa tay vào gầm 2 tai của trâu, nếu thấy nhiệt độ tại vị trí đó cao hơn nhiệt độ các chỗ khác trên cơ thể thì chắc chắn là trâu đang sốt...

Sau hơn một tuần chăm sóc, điều trị bệnh cho trâu, anh Nguyễn Văn Tuyên (cán bộ trung tâm) cho biết, diễn biến bệnh trạng của toàn bộ số trâu đưa về trung tâm theo chiều hướng tích cực. Trung tâm đã dựng một số chuồng nuôi mới để đưa những trâu khoẻ, trâu sắp khỏi bệnh ra chăm sóc riêng. Chỉ vào một trâu mộng gần như đã lành bệnh, anh Tuyên cho biết, nếu không bị bệnh thì trâu có giá tới trên dưới 20 triệu đồng. Vậy mà các đối tượng thương lái đã xuyên tạc rằng không thể chữa được bệnh lở mồm long móng rồi dùng thủ đoạn móc nối dìm giá, chỉ mua trâu bệnh với giá vài triệu đồng/con. Qua kiểm tra đánh giá, ông Bùi Văn Trường (Trạm trưởng trạm thú y huyện Đại Từ) đánh giá việc chữa trị cho trâu mắc bệnh lở mồm long móng ở Trung tâm giáo dục lao động xã hội huyện như là mô hình khuyến cáo bà con giữ lại “đầu cơ nghiệp” của gia đình trước tình trạng dịch bệnh bùng phát. “Đáng tiếc, rất nhiều gia đình đã bán chạy hết cả. Sắp tới, trạm sẽ làm thống kê xem trong đợt dịch vừa qua, tổng đàn trâu của huyện bị sụt giảm bao nhiêu”.

Xem thêm
Vịt Xiêm lai Pháp thích hợp cho chăn nuôi nhỏ lẻ

ĐBSCL Tại ĐBSCL, mô hình nuôi vịt Xiêm lai Pháp được bà con nông dân đánh giá mang lại hiệu quả cao, thích hợp cho hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).