| Hotline: 0983.970.780

Thái Nguyên: Hàng trăm công nhân kêu cứu vì doanh nghiệp bỏ rơi

Thứ Năm 13/01/2022 , 09:11 (GMT+7)

Doanh nghiệp “biến mất”, hàng trăm công nhân xây dựng làm việc tại phường Chùa Hang, T.P Thái Nguyên rơi vào tình trạng bị quỵt tiền ăn, ở và lương lên tới cả tỷ đồng.

Mòn mỏi chờ đợi doanh nghiệp quay trở lại

Tìm đến Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thủy có hộ khẩu thường trú tại xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thông tin: bản thân là Tổ trưởng nhân công của hơn 100 thợ xây là nông dân đến từ các địa phương như: huyện Đại Từ, Phú Lương, thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên); Nông Cống, Quan Hóa, Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa), Hàm Yên (Tuyên Quang), Yên Bình (Yên Bái), Tuần Giáo (Điện Biên), Than Uyên (Lai Châu),… làm công cho Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn (địa chỉ tại phường Tây Tựu, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội ). Doanh nghiệp này là nhà thầu xây dựng công trình tại Khu nhà ở Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên. Đây là khu nhà ở thấp tầng kết hợp thương mại (Shophouse 18) gồm: Thi công xây thô và hoàn thiện mặt ngoài cho 33 căn lô SH18 và thi công công trình xây dựng kết cấu, kiến trúc cảnh quan cánh cung HM03 cổng chính 01.

Ông Thủy cho biết: Hợp đồng của Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn với nhân công thanh toán vào ngày 10 hàng tháng, tuy nhiên doanh nghiệp khất lần không trả và chậm thanh toán tiền nhân công theo hợp đồng đã ký kết. Rất cảm thông với bên nhà thầu, những người thợ xây này vẫn tận tụy với công việc của mình, thường xuyên tăng ca đến 1 – 2h sáng mới được nghỉ để cho kịp tiến độ. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6/2021, bên nhận thầu công trình là Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn đã thanh lý hợp đồng với Chủ đầu tư của Khu nhà ở Cao Ngạn và lẳng lặng rút đi, để lại số tiền công của công nhân mà đơn vị này không thanh toán là khoảng 1,2 tỷ đồng.

Theo như ông Thủy trình bày: Hiện không liên lạc được với Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn, gọi điện cũng không được. Cuộc gần nhất nói chuyện qua điện thoại với Giám đốc tên Linh cách đây 3 tháng, ông ta nói chờ tiền Danko thanh toán thì mới có trả cho công nhân. Đến nay chúng tôi không thể gặp được hay liên lạc được với người của Công ty Phong Sơn, hành vi của của doanh nghiệp là bỏ trốn, quỵt tiền nhân công, tiền ăn ở của công nhân và các nhà cung cấp vật tư.

Hơn 100 thợ hồ dầm mưa, nắng và thức khuya dậy sớm làm cho Công ty Phong Sơn, nhưng không được trả công. Ảnh: Bạn đọc.

Hơn 100 thợ hồ dầm mưa, nắng và thức khuya dậy sớm làm cho Công ty Phong Sơn, nhưng không được trả công. Ảnh: Bạn đọc.

Thông tin với Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, đại diện Ban Quản lý dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, đây là sự việc khiếu nại giữa cá nhân với nhà thầu Phong Sơn, chủ đầu tư không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa cá nhân với nhà thầu. Nhà thầu Phong Sơn và cá nhân lao động có trách nhiệm giải quyết với nhau theo quy định hợp đồng đã ký kết và thỏa thuận với nhau.

Hoàn cảnh cơ cực của những thợ hồ bị quỵt tiền

Theo thông tin của Tổ trưởng nhân công Nguyễn Văn Thủy, toàn bộ hơn 100 công nhân đi làm cho Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn đều là những người có tuổi hoặc trình độ bằng cấp hạn chế, không có ruộng đất và không thể làm được việc gì khác thì mới phải đi làm thợ xây, phụ hồ. Tất cả gia đình họ đều trông chờ vào những ngày công đội mưa, nắng ngoài công trường để trang trải cuộc sống.

Để chứng thực, ông Thủy đã dẫn Phóng viên đi tới xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), nơi có nhiều thợ hồ nằm trong số chưa được Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn trả tiền công.

Ông Lê Văn Bốn mong chờ được trả nợ, vì cả gia đình 5 miệng ăn trông chờ vào khoản tiền đi làm thuê cho Công ty Phong Sơn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Lê Văn Bốn mong chờ được trả nợ, vì cả gia đình 5 miệng ăn trông chờ vào khoản tiền đi làm thuê cho Công ty Phong Sơn. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đến thăm hoàn cảnh nhà ông Lê Văn Bốn, sinh năm 1968 ở xóm Đập Tràn (xã Tức Tranh), gia đình hiện có 5 nhân khẩu ( bao gồm vợ, con gái và 2 đứa cháu ngoại) là gia đình nghèo do ít ruộng đất. Vì vậy mà tất cả trông chờ vào khoản tiền của ông Bốn đi làm thuê về.

Ông Bốn kể lại: Tôi nhớ làm công từ 10/2 cho Công ty Phong Sơn (Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn), công việc là thợ xây. Đến tháng 6/2021 thì không còn thấy cán bộ của công ty này đâu, doanh nghiệp trốn không chu cấp tiền ăn, trốn không đóng tiền thuê ở trọ của công nhân. Tôi bị nợ khoảng 30 triệu đồng, tiếc lắm nên vẫn cứ bám trụ ở công trường (Khu nhà ở Cao Ngạn) làm cho doanh nghiệp khác với hy vọng công ty Phong Sơn quay lại trả nợ cho công nhân.

Hoàn cảnh khó khăn hơn, đó là vợ chồng nhà ông Bàn Văn Phúc, sinh năm 1976 ở xóm Minh Hợp (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương). Hai vợ chồng ông Phúc không có công ăn việc làm, gia đình còn nợ tiền trước vay mượn để dùng cho con nên đi làm thợ hồ cho Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn với hy vọng kiếm được ít tiền công để trả nợ và trang trải sinh hoạt gia đình.  Cả 2 vợ chồng làm liên tục 5 tháng liền không nghỉ ngày nào, tính cả tăng ca tổng cộng lên đến 70 triệu tiền công.

Ông Phúc bức xúc nói: Hơn 100 người làm công của tổ chúng tôi đều trong hoàn cảnh như vậy, đi làm bị doanh nghiệp bỏ mặc, công nhân không cả có tiền để ăn. Làm quần quật, có hôm tăng ca đổ bê tông để kịp tiến độ đến 2h sáng mới được ngủ. Nhưng bị nhà thầu quỵt tiền, không được hưởng tý thù lao tiền công nào nên rất bức xúc.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đến ngôi nhà tạm bợ của vợ chồng ông Phúc tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn. 

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đến ngôi nhà tạm bợ của vợ chồng ông Phúc tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn

Cần cưỡng chế trả nợ

Nói với Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thủy cho biết, bản thân ông là Tổ trưởng nhân công nên ngày nào cũng cùng với các công nhân khác vừa làm việc, vừa ngóng được Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn quay lại chi trả tiền. Cuối năm (âm lịch) sắp Tết rồi, người nào cũng mong chờ được trả tiền để mang về trang trải cuộc sống cho gia đình, người thì trả nợ, người thì có tiền mà sắm Tết.

Ông Thủy nói thêm: Chính vì đó là những đồng tiền phải đổ mồ hôi, thức khuya dậy sớm mới làm ra được, nên chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên vào cuộc làm rõ, bảo vệ và đòi lại quyền lợi những người nghèo như chúng tôi.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Nguyên làm việc với Ban Quản lý dự án Khu nhà ở Cao Ngạn về việc Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn quỵt tiền của nhân công vào ngày 6/1/2022. Ảnh: CTV.

Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Thái Nguyên làm việc với Ban Quản lý dự án Khu nhà ở Cao Ngạn về việc Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn quỵt tiền của nhân công vào ngày 6/1/2022. Ảnh: CTV.

Theo nguồn tin riêng của Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh theo đơn tập thể của 70 công nhân kêu cứu việc Công ty CP xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn quỵt tiền nhân công tổng số tiền lên tới cả tỷ đồng, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên cũng đã vào cuộc.

Ngày 06/01/2022, Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Sở lao động- Thương binh & Xã hội tới làm việc với lãnh đạo Ban quản lý dự án Khu nhà ở Cao Ngạn, yêu cầu đơn vị này ra văn bản yêu cầu Công ty cổ phần xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn cử đại diện làm việc với Chủ đầu tư dự án để thống nhất giải quyết thanh quyết toán hợp đồng xây dựng và chốt thanh toán lương cho người lao động. Thời gian xong trước ngày 17/1/2022. Thực hiện thanh toán lương cho người lao động xong trước 24/1/2022.

Trong trường hợp Công ty cổ phần xây dựng và khai thác mỏ Phong Sơn tiếp tục không hợp tác, không phối hợp với Chủ dự án để thanh quyết toán hợp đồng, giải quyết quyền lợi cho người lao động trước thời điểm trong văn bản thông báo, Ban quản lý dự án Khu nhà ở Cao Ngạn sẽ đơn phương quyết toán hợp đồng và làm thủ tục ứng trả tiền lương cho người lao động từ nguồn tiền phải thanh toán cho nhà thầu Phong Sơn. Thời điểm thanh toán cho người lao động trước 24/1/2022.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.