| Hotline: 0983.970.780

Khai thác trái phép tại mỏ vàng lớn nhất Việt Nam, tỉnh Quảng Nam bất lực?

Thứ Sáu 25/08/2023 , 13:59 (GMT+7)

Tình trạng khai thác trái phép vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu diễn ra công khai, thách thức pháp luật. Tỉnh Quảng Nam không ngăn chặn hiệu quả, để kéo dài nhiều năm.

Việc khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu diễn ra công khai. Ảnh: Hùng Khang.

Việc khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu diễn ra công khai. Ảnh: Hùng Khang.

Thẩm quyền cấp phép khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu thuộc về Bộ Tài nguyên & Môi trường. Trách nhiệm quản lý bảo vệ tài nguyên lại thuộc tỉnh Quảng Nam. Nhiều năm qua, tình trạng khai thác trái phép tại đây diễn ra công khai, thách thức pháp luật.

Cha chung không ai khóc?

Hoạt động không hiệu quả, sau khi giấy phép khai thác của Công ty vàng Bồng Miêu hết hạn, mỏ vàng Bồng Miêu lâm vào tình trạng “vô chủ” từ năm 2017. Gần chục năm qua, Bộ Tài nguyên & Môi trường chưa thực hiện thủ tục cấp quyền khai thác mỏ vàng Bồng Miêu cho tổ chức, cá nhân nào. Nhân lúc mỏ vàng “vô chủ”, dân khai thác vàng tứ xứ đổ về tự tổ chức khai thác rầm rộ, công khai...

Hàng năm, các văn bản của tỉnh Quảng Nam, của huyện Phú Ninh chỉ đạo về việc truy quét, đẩy đuổi “vàng tặc” vẫn được ban hành đều đặn nhưng năm này qua năm khác chính quyền chỉ đạo thì cứ chỉ đạo, “vàng tặc” khai thác thì cứ khai thác. Tựa như nước sông với nước giếng không mấy khi phạm vào nhau. Vì sao?

Giải thích việc ngăn chặn khai thác hoạt động khai thác vàng trái phép không hiệu quả, những cán bộ có trách nhiệm ở tỉnh Quảng Nam khi trả lời báo chí thường viện dẫn lý do khó khăn: hoạt động khai thác ở rừng sâu, các đối tượng phân công canh gác và thông báo khi thấy đoàn kiểm tra để trốn chạy, lực lượng mỏng, đẩy đuổi liên tục nhưng lại tái diễn...

Dễ dàng gặp những nhóm người vận chuyển quặng trái phép ra khỏi khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: Hùng Khang.

Dễ dàng gặp những nhóm người vận chuyển quặng trái phép ra khỏi khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: Hùng Khang.

Buông lỏng quản lý?

Tuy nhiên, thực tế diễn ra trong ống kính của phóng viên lại không hoàn toàn giống như “bức tranh” mà các cán bộ chính quyền địa phương phác họa.

Đường vào mỏ vàng Bồng Miêu khá thuận lợi, thậm chí ô tô có thể vào đến tận chân mỏ. Do hoạt động khai thác trái phép diễn ra khá công khai nên việc quan sát theo dõi cũng dễ dàng. Từ cách xa vài km mắt thường đã có thể nhìn thấy các lán trại dựng san sát nhau, như một bản làng ngang lưng núi.

Theo bản đồ, chúng tôi đi thẳng tới khu vực núi Kẽm, nơi mà theo thông tin chúng tôi nhận được:  “Vàng tặc” đang khai thác lộ thiên và đào hầm lò xuyên trong lòng đất. Người ta có thể đánh quặng, nghiền quặng, ngâm ủ quặng ngay tại chỗ nhưng một bộ phận cẩn thận, kín đáo hơn lại vận chuyển quặng bằng xe máy đi nơi khác để ngâm ủ.

Vào càng gần, hoạt động khai thác vận chuyển quặng càng tấp nập. Có thể dễ dàng bắt gặp những đoàn xe máy đi ngược chiều với chúng tôi, đang chở quặng ra khỏi bãi.

Tới chân núi, hòa trong tiếng máy nổ rền vang là âm thanh ào ào đổ quặng.

Trước ống kính phóng viên các đối tượng khai thác vàng vẫn thản nhiên hoạt động. Ảnh: Hùng Khang.

Trước ống kính phóng viên các đối tượng khai thác vàng vẫn thản nhiên hoạt động. Ảnh: Hùng Khang.

"Vàng tặc” thoạt nghe có vẻ ghê gớm, dữ dằn nhưng thực thà đa phần cũng chỉ là những người lao động thông thường. Cả đàn ông, cả đàn bà, có cả những cậu trai vừa mới lớn đã vào mỏ lũi cũi đẩy xe rùa... Họ cụm lại thành từng nhóm, dựng lều bạt, kê bàn ghế, bếp núc phục vụ sinh hoạt đầy đủ.

Khi chúng tôi đến, cả nhóm khai thác vàng vẫn lao động cần mẫn hệt như những người nông dân đang cày trên thửa ruộng của mình. Và hoàn toàn không quan tâm đến sự xuất hiện của người lạ.

Tham quan, tìm hiểu thoải mái. Không ai buồn ngẩng đầu hay quay lưng lại để hỏi xem chúng tôi là ai, từ đâu đến và đến để làm gì?

Thật lạ! Theo lẽ thường thì những hoạt động được gọi là trái phép hay làm lậu thì phải được cảnh giới cao độ.

Nhưng thực tế hoạt động khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng lớn nhất Việt Nam này lại không cho chúng tôi cảm giác như vậy. Người đàn ông chạy máy nghiền bình thản làm việc để mặc chúng tôi thoải mái tìm hiểu, thoải mái quay chụp mọi hoạt động đang diễn ra.

Nếu như có một chút e ngại nào đó chắc cũng chỉ vì không có thói quen đứng trước ống kính quá gần nên ông ta mới tạm dừng nghỉ tay hút thuốc và vẫn lặng lẽ không nói, không rằng...

Thông báo tuyên truyền của UBND xã Tam Lãnh dựng ngay dưới chân mỏ. Ảnh: Hùng Khang.

Thông báo tuyên truyền của UBND xã Tam Lãnh dựng ngay dưới chân mỏ. Ảnh: Hùng Khang.

Trách nhiệm và giải pháp?

Có thể khẳng định, hoạt động khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu đã diễn ra rất nhiều năm là do chính quyền địa phương từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đến các Sở, ngành liên quan chưa hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

Mặc dù, Luật Khoáng sản và Nghị định 158/2016 của Chính phủ quy định rất rõ Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo UBND cấp huyện và các Sở, ngành lập phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản để trình UBND cấp tỉnh phê duyệt; UBND cấp tỉnh chỉ đạo cấp huyện, các ngành, lực lượng Quốc phòng, Công an ngăn chặn giải tỏa các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng sẽ  phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc xử lý không dứt điểm để diễn ra kéo dài.

Tài nguyên vàng quý giá ở mỏ Bồng Miêu đang thất thoát. Ngân sách quốc gia đang thất thu. Đó là sự thật! Vậy phải làm thế nào để giải quyết triệt để vấn nạn này?

Được biết, lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường đã nhiều lần họp với tỉnh Quảng Nam về công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản, và giải pháp đưa ra là triển khai Đề án “Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu” đánh sập và bịt kín các cửa hầm lò, san lấp và trồng cây tại khu vực mỏ. Tuy nhiên, đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu vẫn là chưa đủ, mà cần phải tăng cường quản lý, tránh tình trạng tái lấn chiếm để khai thác vàng trái phép. Mà để ngăn chặn hoạt động khai thác trái phép thì không có cách nào khác ngoài việc phải giao quyền làm chủ, lựa chọn đơn vị có năng lực để trực tiếp thăm dò, khai thác quản lý…

Việc thực hiện Đề án “Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu” được giao cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Quảng Nam thực hiện. Đơn vị này cũng đã chính thức ra Thông báo khởi công  ngày 18/7/2023 về những hạng mục công trình, vị trí thực hiện và công bố Nhà thầu thi công là Liên danh Hội An gồm: Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Thủ đô Gió Ngàn (nhà thầu chính), Công ty Cổ phần Môi trường Việt Úc, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Hội An, Công ty TNHH cây xanh và xây dựng Tân Tiến là tổ chức được lựa chọn thực hiện Đề án “Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu”.

Video thực tế hoạt động khai thác trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu. Ảnh: Hùng Khang.

Đồng thời cũng có Thông báo số 518 ngày 4/8/2023 về việc thông tin tuyên truyền vận động và cảnh báo nguy hiểm khi thực hiện Đề án. Nội dung thông báo trên khẳng định hiện nay còn có nhiều người dân khai thác đào đãi vàng trái phép tại khu vực Hố Gần, Bãi thải, Núi Kẽm… Đặc biệt, tại khu vực hầm lò Núi Kẽm người dân đang khai thác vàng trong hầm lò nên tình hình khá phức tạp, sẽ rất nguy hiểm đến an toàn tính mạng nếu đánh sập hầm lò.

Đề án giải pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản được đưa ra. Nhiều văn bản chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam đã ban hành. Nhưng theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại mỏ vàng Bồng Miêu hoạt động khai thác trái phép vẫn ngang nhiên, chưa có gì thay đổi.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm