Thời gian qua, nhiều hộ dân trú tại tổ 4, thôn 2 (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) vô cùng bức xúc trước việc Cty CP Tập đoàn ThaiGroup nổ mìn khai thác phục vụ cho Nhà máy xi măng Xuân Thành gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của họ.
Các hộ dân này cho rằng, trước đây cuộc sống của họ rất bình yên cho đến khi Nhà máy xi măng Xuân Thành được xây dựng và đi vào hoạt động tại địa phương đã làm đảo lộn tất cả. Đặc biệt, việc Cty CP Tập đoàn ThaiGroup nổ mìn khai thác đá ngay phía sau ngọn đồi, cách khu vực nhà dân chỉ vài trăm mét tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Bà Vương Thị Sử (trú thôn 2, thị trấn Thạnh Mỹ) cho biết, đơn vị nổ mìn không thông báo thời gian, ngày giờ cụ thể cũng như địa điểm đánh, nổ mình cho người dân vùng lân cận biết. Bên cạnh đó, việc đánh, nổ mìn với số lượng lớn đã gây rung chuyển nền đất, vật dụng trong nhà, rạn nứt các công trình xây dựng của rất nhiều hộ trong thôn.
“Nhà tôi vừa rồi cũng bị sập một mảng tường phía sau. Rồi mấy chục hộ ở đây hầu như ít nhiều nhà nào cũng bị nứt nẻ cả. Chưa kể, nhiều khi lúc nổ mìn còn khiến đất đá, cây cối trên đỉnh đồi văng xuống nhà dân, trục đường chính dân cư đông đúc, trường học nên rất nguy hiểm. Thêm nữa là bụi đá, bụi xi măng từ nhà máy, điểm khai thác đá gây ô nhiễm môi trường”, bà Sử nói.
Còn chị Trương Thị Thanh Tâm (cùng trú thôn 2, thị trấn Thạnh Mỹ) lại càng lo lắng hơn khi thời gian qua, việc nổ mìn của Cty CP Tập đoàn ThaiGroup khiến cho cả gia đình đứng ngồi không yên. Lo sợ nguy hiểm đến tính mạng, chị phải gửi 2 con về nhà ngoại sống vì lỡ có rủi ro, đá lăn xuống nhà không thể nào chạy thoát kịp.
“Nếu các cơ quan chức năng không sớm giải quyết tình trạng này thì chắc chúng tôi cũng không dám ở đây nữa. Đó là chưa kể đến việc đánh nổ mình một thời gian dài ảnh hưởng đến kết cấu của đất, đá ở ngọn đồi lớn phía sau nhà. Khi mùa mưa bão tới, xảy ra sạt lở hậu quả lại càng nghiêm trọng hơn”, chị Tâm trình bày.
Không riêng gì cuộc sống của người dân ảnh hưởng, mà một số hộ dân tại đây cũng không thể sản xuất, phát triển kinh tế được do việc nổ mìn khai thác đá của Cty CP Tập đoàn ThaiGroup. Theo ông Trần Ngọc Tuấn (SN 1962, trú thôn 2, thị trấn Thạnh Mỹ), gia đình ông có đến 10 ha trồng cây ăn trái và cây keo phía sau ngọn đồi này bây giờ không thể sản xuất được.
“Ở đây gia đình tôi là thiệt hại nặng nề nhất. Ngoài nhà cửa thì nhiều cây ăn trái, cây keo của tôi trồng hàng chục năm rồi bị đá lăn gãy đỗ. Không những vậy, một số diện tích keo khác mới trồng được 1 năm mà bây giờ không thể lên chăm sóc được vì bị đá chặn hết đường đi. Mà có đi được cũng rất nguy hiểm trước tình trạng nổ mìn như vậy”, ông Tuấn bức xúc nói.
Trước những phản ánh của người dân, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cùng với các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra, xác minh và nhận thấy: Có tảng đá rơi từ đỉnh núi cao độ 260m vào rẫy của ông Trần Ngọc Tuấn (trú thôn 2, thị trấn Thạnh Mỹ). Cty CP Tập đoàn ThaiGroup xác nhận tảng đá rơi nêu trên là do Cty thi công bóc tầng phủ làm rơi.
Qua kiểm tra công tác an toàn trong quá trình nổ mình khai thác, đoàn công tác cho rằng, khu vực được nổ mìn theo Giấy phép khai thác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có khu vực đỉnh cao độ 260m là khu vực gần dân và đường Hồ Chí Minh. Khoảng cách từ ranh giới mỏ đến nhà ở của các hộ dân gần nhất khoảng 250m, cách đường Hồ Chí Minh khoảng 290m. Qua kiểm tra thực tế, khu vực đỉnh cao độ 260m có độ dốc cao, không đảm bảo an toàn khi nổ mình khai thác tại khu vực này.
Từ những kết quả trên, ông Đặng Bá Dự, Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam đề nghị Chủ đầu tư xây dựng phương án khai thác cụ thể, thi công khai thác đảm bảo an toàn trong sản xuất cũng như cho người dân xung quanh; phối hợp với nhân dân và chính quyền địa phương kiểm kê và đền bù thiệt hại do tảng đá rơi gây ra.
Bên cạnh đó, ông Dự cũng đề nghị Cty này trong thời gian xây dựng cơ bản mỏ phải hoàn thành các hạng mục kè chắn, hào chống đá lăn và các biện pháp đảm bảo an toàn trước khi tiến hành khai thác. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, có biện pháp thu gom nước mưa chảy tràn, tránh tình trạng sạt lở vùi lấp đất đai, tài sản của người dân.
Trao đổi với PV, ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết: “Về góc độ của địa phương, chúng tôi luôn bảo vệ quyền lợi của người dân. Vừa rồi, huyện cũng đã làm việc với Nhà máy xi măng Xuân Thành và báo cáo về UBND tỉnh cũng như các Sở ngành liên quan. Từ đó sẽ thành lập đoàn kiểm tra để xác định được đúng, sai trong quá trình hoạt động của nhà máy. Về thiệt hại của người dân nếu xác định đúng những thiệt hại đó do Nhà máy xi măng Xuân Thành gây ra trong quá trình nổ mìn thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong công tác bồi thường, hỗ trợ cho dân”.