| Hotline: 0983.970.780

Thăm “xứ nông” Mozambique

Chủ Nhật 15/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Mozambique là một nước nông nghiệp, thu hút khoảng 81% lực lượng lao động và đóng góp vào khoảng 23,1% GDP. 

Xin dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Mozambique - Nguyễn Văn Trung để mở đầu cho bài viết: “Một đất nước có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, khai thác thủy hải sản, nhưng bởi chưa được chú trọng đồng đều về nhiều mặt nên tiềm năng vẫn bỏ ngỏ. Mozambique là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi”.

Từ câu chuyện của một chính khách…

Sau hành trình gần 12 giờ đồng hồ, chúng tôi đã tới thủ phủ của đất nước nằm ở phía đông nam Lục địa đen. Đặt chân xuống sân bay Maputo là cảm giác nóng nực ùa tới, “rất mùa hè Việt Nam”.

Sẽ chỉ dừng chân tại Thủ đô Maputo 1 ngày, sau đó bắt đầu lịch trình dày đặc bởi những chuyến bay tuyến tỉnh và di chuyển bằng ôtô đi huyện, xã. Mệt, nhưng ai nấy đều phấn khích, bởi trước khi tới Mozambique, chúng tôi đã từng nghe nhiều về đất nước thuần nông này.

Chuyến đi thực tế của chúng tôi bắt đầu từ câu chuyện của bà Safura Da Conceicao - Ủy viên Trung ương Đảng cầm quyền Frelimo của Mozambique, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Movitel - doanh nghiệp liên doanh với Tổng Cty Viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel).

Cũng cần nhắc lại rằng, Movitel đã trở thành một hiện tượng tại Mozambique khi chỉ trong vòng 3 năm hoạt động đã phủ sóng tới 100% làng, xã.

Bà cho biết thêm, Mozambique là một nước nông nghiệp, thu hút khoảng 81% lực lượng lao động và đóng góp vào khoảng 23,1% GDP. Các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của nước này là: sợi bông, mía, chè, lúa miến, cùi dừa, lạc, hạt điều, hoa quả nhiệt đới... Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước nên hằng năm, Mozambique phải nhập từ 20-30 vạn tấn gạo.

“Chúng tôi rất muốn đổi thay, nhưng có lẽ không thể một sớm một chiều. Trước mắt phải thay đổi từ nhận thức của người dân”, bà Safura nhấn mạnh.

Và những điều mà vị chính khách ở đất nước ven biển Ấn Độ Dương vừa chia sẻ dần hiện ra trước mắt chúng tôi…

… Đến “mục sở thị”

Chuyến bay tuyến tỉnh trên hãng hàng không nội địa cất cánh và hạ cánh đúng giờ. Thị trấn Quilimane, tỉnh Zambezia đã dưới cánh bay. Nhìn từ trên cao xuống đất là những đồng ruộng khô cằn, vòng xoáy đắp bờ nhằng nhịt.

Lên ôtô về thị trấn ăn trưa, sau đó chúng tôi theo chân những người lính Viettel đang ở tuyến huyện làm công việc chuyển giao công nghệ cho các kỹ thuật viên bản xứ, tới thăm những điểm bán hàng của Movitel ở các khu chợ phiên trong tiết trời ẩm ướt mà cơn mưa xối xả vừa đi qua.

Những thị trấn đất đỏ nhão nhoét. Nhìn sang hai bên đường, hoặc chỉ là đất hoang đồi trọc, hoặc là có những làng nhỏ nối với nhau bằng những con đường đất ngoằn ngoèo, khá hơn là đồng ruộng nhưng khô cằn do thiếu hệ thống thủy lợi tưới tiêu.

12-19-54_img_8171
Cán bộ của Movitel giúp nông dân phạt cỏ trồng hoa màu

Cũng có một vài người lác đác trên đồng hoang, nhưng đa phần là dùng tay cày cuốc chứ không có cơ giới hóa giúp sức. Thảng qua cũng có một vài hồ nước, mương nước nhỏ nhưng không có vẻ gì là được tận dụng.

Ở một số khu vực nhỏ thì rất nhiều hàng cây điều đứng san sát, nhưng nghe nói toàn là cây từ thời thực dân Bồ Đào Nha chiếm đóng để lại chứ không được trồng mới (?).

Xe đưa chúng tôi qua một khu chợ phiên. Người dân bắt đầu dọn hàng ra bán. Chợ phiên làng, xã ở Mozambique chỉ họp chừng 3 giờ đồng hồ, chẳng theo quy luật nào. Thích thì hò nhau ra dọn hàng, không thích thì nghỉ.

Dường như dân bản xứ lạ lẫm với khách phương xa. Không hẳn là thiếu thân thiện nhưng cũng không nồng hậu.

Chợ phiên bán lèo tèo vài ba thứ nông sản: ngô, hành, tỏi, rau, sắn... Tất cả đều không tươi mà héo rũ. Ai nấy một tay nải trong có món xi-ma truyền thống (làm từ ngô xay nhuyễn) để ăn trưa, ăn chiều.

Đây đó là hàng vải vóc, quần áo, cá mắm, thủy hải sản ngồi lẫn lộn. Chỉ vậy nhưng khu chợ lại rất rộn ràng tiếng nói, tiếng cười. Tựu chung một đặc điểm là người dân Mozambique nói rất nhiều.

Cũng lý giải cho việc tiêu thụ máy điện thoại và sim, thẻ của mạng di động Movitel rất tốt ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Họ có thể đứng 1 góc nói chuyện hết một cái thẻ điện thoại chỉ trong vòng nháy mắt, không cần đoái hoài hàng hóa mang đi có bán được hay không. Tôi đã chứng kiến tận mắt. Thật lạ…

12-19-54_img_2014
Hàng nông thủy sản bán tại một phiên chợ

Mozambique được đánh giá là thị trường tiềm năng lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu và là cửa ngõ để các doanh nghiệp và hàng hóa của Việt Nam thâm nhập. Mozambique đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.
Theo đó, các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong các lĩnh vực này trong năm 2015 sẽ được giảm 80% thuế thu nhập doanh nghiệp và từ năm 2016-2020 sẽ được giảm 50%.

Nói như vậy không phải người dân nơi đây lười lao động. Trừ thế hệ cũ, lớp thanh niên mới lớn hiện nay ở Mozambique đã được học đại học rất nhiều. Chính họ đã làm đổi đời cuộc sống của dân cư bằng cách chịu khó tiếp thu công nghệ.

Câu chuyện hợp tác nông nghiệp

Bắt chuyện với Aurelio Chinai Maulate ở chợ phiên vùng Nante khi anh đang đứng chọn điện thoại, tôi hỏi về việc canh tác nông nghiệp ở tỉnh Zambezia vì nghe nói nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển lúa.

Anh hào hứng: “Mozambique đang học kỹ thuật làm lúa nước của Việt Nam. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ “Liên minh phát triển lúa gạo châu Phi”, nhằm tăng gấp đôi sản lượng lúa của Mozambique lên 28 triệu tấn vào năm 2018.

Việt Nam đã cử các chuyên gia chuyên môn cao trong lĩnh vực quản lý thủy lợi, sản xuất giống và cây trồng sang giúp chúng tôi cải thiện công tác trồng lúa. Mặt khác, Mozambique cử cán bộ khuyến nông sang Việt Nam học tập và nhận chuyển giao kỹ thuật làm lúa nước”.

Maulate thừa nhận: “Tuy là vùng đất nhiều tiềm năng nhưng năng suất lúa rất thấp, bởi vì chúng tôi còn yếu kém về kỹ thuật canh tác và quản lý thủy lợi.

Được chuyên gia sang chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và được trực tiếp lao động thực tế tại Việt Nam, chúng tôi bước đầu đã nắm bắt được một số kỹ thuật cơ bản làm lúa nước. Một số cánh đồng thí điểm của dự án trên quê hương chúng tôi đã đạt năng suất lúa 6- 8 tấn/ha/vụ”.

Hỏi ra mới biết, Aurelio Chinai Maulate là cán bộ nông nghiệp gạo cội của tỉnh. Anh đến chợ phiên, vừa để bán hàng của nhà, nhưng cũng vừa để tuyên truyền cho người dân về kỹ thuật canh tác lúa.

***

Chia tay những con người thuần nông ở đất nước cách xa Việt Nam hàng chục ngàn cây số, tôi vui lây với câu nói của Aurelio Chinai Maulate: “Tiếc là đoàn cán bộ nông nghiệp Việt Nam vừa về nước, không thì chúng tôi sẽ rất vui khi được gặp nhiều người Việt Nam ở đây”.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất